Đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, trường Đại học Cần Thơ

ThS. Nguyễn Đỗ Như Loan (Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ thông qua khảo sát ý kiến của 200 sinh viên các khóa 41, 42, 43, thuộc 11 chuyên ngành đang được đào tạo. Các phương pháp thống kê mô tả, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi quy được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố “kết quả đạt được cuối khóa học” và nhân tố “cơ sở vật chất” có ảnh hưởng đến sự hài lòng của người học.

Từ khóa: Mức độ hài lòng của sinh viên, chất lượng dịch vụ đào tạo, khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, giáo dục được coi như là một loại “dịch vụ” vì ở đó khách hàng (sinh viên, phụ huynh) có thể lựa chọn một nhà cung cấp dịch vụ (các trường đại học) mà họ cho là phù hợp nhất (Phạm Thị Liên, 2016). Chất lượng dịch vụ của một trường đại học càng cao sẽ càng thu hút được nhiều người học và ngược lại. Do đó, chất lượng đào tạo đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các trường đại học nói chung và Đại học Cần Thơ nói riêng (Lại Xuân Thủy và Phan Thị Minh Lý, 2011).

Chất lượng dịch vụ đào tạo được đánh giá thông qua sự thỏa mãn nhu cầu của sinh viên, sinh viên càng hài lòng thì dịch vụ đào tạo đó có chất lượng càng cao và ngược lại (Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Phượng và etc, 2016). Ngoài ra, trường đại học có chất lượng càng cao sẽ thu hút được nhiều sinh viên theo học, đồng thời tạo ra được nguồn lực có chất lượng tốt cho xã hội. Chính vì vậy, có rất nhiều nghiên cứu về mức độ hài lòng của sinh viên để đo lường chất lượng của chương trình đào tạo trong các trường đại học, như: Nguyễn Thị Bảo Châu và Thái Thị Bích Châu (2013), Dương Đăng Khoa và Bùi Cao Nhẫn (2015) đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên các trường đại học tại đồng bằng sông Cửu Long,… Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ đánh giá ở mức độ hài lòng của người học mà bỏ qua sự hài lòng của người dạy (giảng viên).

Giảng viên là một trong các nhân tố quan trọng và có tác động rất lớn đến sự hài lòng của người học. Giảng viên càng hài lòng, càng thoải mái thì khả năng truyền đạt kiến thức càng cao, điều này khiến cho người học càng thỏa mãn và ngược lại. Qua đó có thể thấy rằng, sự hài lòng của sinh viên và giảng viên có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, đề tài “Đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên và giảng viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ” được thực hiện nhằm phân tích mức độ hài lòng và các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên, giảng viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, từ đó giúp đề xuất giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người học và người dạy, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo tại đây.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Phân tích mức độ hài lòng và các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên, giảng viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo, nâng cao mức độ hài lòng của sinh viên, giảng viên tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ.

3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu sơ cấp được thu thập từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2019 theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện, phỏng vấn trực tiếp, ngẫu nhiên với cỡ mẫu 200 sinh viên (sinh viên năm 2, 3, 4, thuộc các chuyên ngành đào tạo tại khu Hòa An) dựa trên bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Câu hỏi được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ với 1 là rất kém đến 5 là rất tốt. Các khái niệm được kiểm định bằng phương pháp kiểm định thống kê Cronbach’s Alpha về mức độ tin cậy của thang đo, sau đó phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phương pháp phân tích hồi quy Binary Logistic được sử dụng để xác định các nhân tố tác động, mức độ tác động của từng nhân tố đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An.

Phương trình hồi quy có dạng:

Nguyễn Đỗ Như Loan

Trong đó:

Y là biến phụ thuộc, là mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An.

 X1,…, X8 là các biến độc lập lần lượt là: Chương trình đào tạo, trình độ giảng viên, giáo trình – tài liệu, cơ sở vật chất, hoạt động quản lý và hỗ trợ đào tạo, hoạt động phong trào, các chương trình hỗ trợ khác, kết quả đạt được cuối khóa học.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thực trạng chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ

Khu Hòa An là 1 trong 4 phân khu của Trường Đại học Cần Thơ, tọa lạc tại ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Năm 2011, khoa Phát triển nông thôn được thành lập tại khu Hòa An với mục đích đào tạo sinh viên của 11 chuyên ngành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy chỉ mới thành lập được 5 năm và có vị trí cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ 40 km nhưng 200 sinh viên thuộc 11 chuyên ngành đào tạo khá hài lòng về chất lượng dịch vụ đào tạo tại đây với điểm trung bình là 3,73 (có độ lệch chuẩn dao động trong khoảng 0,772 - 0,959), trong đó đối tượng khảo sát là nam có mức độ hài lòng trung bình là 3,79 cao hơn mức độ hài lòng trung bình của nữ là 3,68. Điều này là do nam giới thường có ít tiêu chuẩn khắt khe hơn và dễ cảm thấy hài lòng hơn so với nữ giới.

Do Khoa chỉ mới thành lập được 9 năm nên cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện, chưa có nhiều phòng thí nghiệm chuyên sâu cho nên sinh viên các chuyên ngành về kỹ thuật như khuyến nông, nuôi trồng thủy sản có mức độ hài lòng thấp hơn các ngành thiên về xã hội như quản trị kinh doanh, kinh doanh nông nghiệp,…

4.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, Trường Đại học Cần Thơ

Trước khi tiến hành xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An cần kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha của các nhóm yếu tố nhằm loại bỏ những biến quan sát không đủ điều kiện phân tích tiếp theo ra khỏi mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha của tổng số 32 biến quan sát cho thấy, có 3 biến bị loại khỏi mô hình do hệ số < 0,3. (Hình 1)

Nguyễn Đỗ Như LoanCác biến có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,3 được tiếp tục tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA. Sau 3 lần phân tích nhân tố, có 19 biến có hệ số tải nhân < 0,5 hoặc có khoảng cách giữa các hệ số tải nhân < 0,3; bị loại khỏi mô hình. Kết quả phân tích nhân tố lần 3 có hệ số KMO = 0,743 > 0,5 và hệ số Sig. 0,000 < 0,05 thang đo được chấp nhận và đạt mức tốt. Vì vậy, các biến trong mô hình có sự tương quan với nhau và hệ số tổng phương sai trích đạt 63,487% > 50% được chấp nhận và cho biết các nhân tố giải thích được 63,487% độ biến thiên của dữ liệu. (Bảng 1)

Nguyễn Đỗ Như Loan

Ngoài ra, kết quả phân tích nhân tố khám phá đối với các yếu tố thang đo sự hài lòng thì gộp thành 1 nhóm. Các yếu tố đánh giá đủ điều kiện để thống kê như: Hệ số KMO = 0,872 > 0,5 đạt điều kiện và giá trị Sig. trong kiểm định Barlett’s ở mức 0,000 < 0,05 có ý nghĩa về mặt thống kê. Tổng phương sai trích 59,199, tức là giải thích được 59,199 % cho các biến quan sát. Kết quả phân tích EFA thu được 1 thành phần tại Eigenvalue là 3,936 > 1 đạt yêu cầu. Tất cả các hệ số tải nhân tố đều > 0,5 phù hợp với mô hình. (Bảng 2)

Nguyễn Đỗ Như Loan

Tuy nhiên, sau phân tích nhân tố EFA lần 3, một vài biến bị xáo trộn và gom thành các nhóm nhân tố khác với mô hình đề xuất ban đầu. Mô hình lúc này chỉ còn lại 5 nhân tố có tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên về chương trình đào tạo tại khu Hòa An. Các nhân tố mới được đặt lại tên tương ứng lần lượt là: Hoạt động quản lý, phong trào; Kết quả đạt được cuối khóa; Cơ sở vật chất, Chương trình đào tạo, hỗ trợ khác.

Sau khi phân tích nhân tố, tác giả tiến hành phân tích hệ số tương quan bằng Pearson nhằm mục đích kiểm tra mối tương quan chặt chẽ giữa biến phụ thuộc với biến độc lập. Hệ số tương quan là một chỉ số đo lường mối liên hệ tương quan giữa 2 biến số. Khoảng giá trị của hệ số tương quan chạy trong đoạn giá trị [-1 đến 1]. Dấu của hệ số tương quan nói lên tính liên hệ thuận - nghịch giữa các biến (Phan Thị Thanh Hằng, 2014).

Kết quả trên cho thấy, biến độc lập “Hỗ trợ khác” giá trị Sig. = 0,927 > 0,05 vậy nên không có mối quan hệ tương quan tuyến tính giữa biến độc lập “Hỗ trợ khác” và biến phụ thuộc “Sự hài lòng của sinh viên”. Vì thế, ta loại biến “Hỗ trợ khác” ra khỏi mô hình phân tích tiếp theo. Còn lại 4 biến (hoạt động quản lý, kết quả cuối khóa, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo) đều có mối quan hệ tương quan tuyến tính với nhau vì giá trị Sig. đều < 0,05, từ đó đủ điều kiện phân tích hồi quy. Giá trị R2 hiệu chỉnh = 0,425 có nghĩa là 4 biến độc lập đưa vào ảnh hưởng 42,5% sự thay đổi của biến mức độ hài lòng của sinh viên, còn lại 57,5% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Ngoài ra, hệ số Durbin Watson là 1.844, giá trị này nằm trong khoảng 1 < D < 3 nên không có hiện tượng tương quan giữa các biến. 

Trong số 4 nhân tố đưa vào mô hình, nhân tố hoạt động quản lý và chương trình đào tạo có hệ số Sig. > 0,05 nên bị loại ra khỏi mô hình nghiên cứu. Nhân tố kết quả cuối khóa và nhân tố cơ sở vật chất có tác động thuận chiều đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An, trong đó nhân tố Kết quả cuối khóa có tác động đến mức độ hài lòng mạnh hơn. Điều này cho thấy, mặc dù cơ sở vật chất được hoàn thiện đầy đủ tốt hơn thì mức độ hài lòng của người học sẽ tăng cao hơn nhưng vấn đề mà người học quan tâm nhiều hơn là khả năng thích ứng với nghề nghiệp và được học thêm các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành sau khi ra trường.

Ngoài ra, mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến do giá trị hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến được tổng kết đều < 10. (Bảng 3)

Nguyễn Đỗ Như Loan

5. Kết luận

Qua kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên khá hài lòng về chất lượng dịch vụ đào tạo tại khu Hòa An. Tuy nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cần trang bị cơ sở vật chất đầy đủ hơn nữa cũng như trang bị thêm cho người học kiến thức chuyên môn sâu hơn về nghề nghiệp, tăng cường thêm các hoạt động hỗ trợ khả năng thích ứng nghề nghiệp sau khi ra trường để giúp sinh viên cảm thấy hài lòng hơn về chất lượng dịch vụ đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Đăng Khoa và Bùi Cao Nhẫn, 2015. Các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên các trường đại học tại đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 40, trang 19-30.
  2. Lại Xuân Thủy và Phan Thị Minh Lý, 2011. Đánh giá chất lượng đào tạo tại Khoa Kế toán - Tài chính Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế trên quan điểm của người học. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 3, trang 230 - 237.
  3. Lê Thị Anh Thư, 2016. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại Trường Đại học Tây Đô. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 43, trang 26-33.
  4. Nguyễn Thái Quỳnh Loan và Nguyễn Thị Thanh Thoản, 2009. Đánh giá chất lượng đào tạo từ góc độ cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Thành Long (2006). Sử dụng ng đo SERVERF để đánh giá chất lượng đào tạo đại học tại Trường Đại học An Giang. Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An Giang.
  6. Nguyễn Thị Bảo Châu và Thái Thị Bích Châu, 2013. Đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng đào tạo của Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn năm 2012-2013. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 28, trang 117-123.
  7. Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Phượng và etc, 2016. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên với điều kiện cơ sở vật chất và phục vụ của Trường Đại học Lâm nghiệp. Tạp chí Khoa học và Công nghệ lâm nghiệp, số 2, trang 163 - 172.
  8. Phạm Thị Liên, 2016. Chất lượng dịch vụ đào tạo và sự hài lòng của người học - Trường hợp Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 32, số 4 trang 81-89.

ASSESSING THE SATISFACTION OF STUDENTS WITH THE QUALITY OF TRAINING SERVICES IN HOA AN AREA, CAN THO UNIVERSITY

Master. Nguyen Do Nhu Loan

Can Tho University

Abstract:

This study is to identify the factors affecting the satisfaction of students with the quality of training services in Hoa An area, Can Tho University through surveying 200 students of 41, 42 and 43 Classes with 11 majors. This study uses descriptive statistical methods, Cronbach's alpha, Exploratory Factor Analysis (EFA) and regression analysis method. This study’s results reveal that the achieved results at the end of the course and the facilities factors affect the satisfaction of students with the quality of training services.

Keywords: Student satisfaction, quality of training services, Hoa An Area, Can Tho University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]