EC và Chính phủ Italy hiện đang tranh cãi gay gắt về kế hoạch ngân sách năm 2019 của Italy. Theo kế hoạch của Chính phủ Italy, nước này sẽ gia tăng chi tiêu và nâng mức thâm hụt ngân sách trong năm 2019 lên mức tương đương 2,4% tổng GDP của quốc gia này. Đây là con số cao gấp 3 lần so với mức cam kết trước đây của Italy.
Chính phủ Italy lập luận kế hoạch ngân sách mới này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP của nước này.
Sau khi đánh giá toàn bộ các chính sách của Italy, EC nhấn mạnh mức thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2019 thực tế sẽ phải là 2.9%. EC dự báo mức thâm hụt ngân sách của Italy sẽ lên tới 3,1% GDP của nước này trong năm 2020. Trong khi đó, mức trần thâm hụt ngân sách do EC đề ra chỉ là 3%. EC đã yêu cầu Chính phủ Italy phải nộp kế hoạch ngân sách mới trước ngày 13/10 để đánh giá. Tuy nhiên, Chính phủ Italy cho biết sẽ không thay đổi kế hoạch ngân sách của mình.
Nếu Italy vẫn tiếp tục phá vỡ nhưng quy định về ngân sách do EC đề ra, EC sẽ buộc phải áp đặt các biện pháp giám sát tài chính nghiêm ngặt đối với quốc gia này như các lần can thiệp trước đây vào tình hình tài chính của Hy Lạp.
Là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song Italy lại là quốc gia có năng suất lao động thấp nhất, tỷ lệ thất nghiệp cao, cộng thêm khối nợ lên tới 2.300 tỷ USD. Ngoài ra, khủng hoảng nhập cư vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định của quốc gia này. Do đó, việc quyết tâm giữ nguyên kế hoạch ngân sách năm 2019 của Chính phủ Italy được nhận định như là một lời tuyên chiến với EC. EC dự báo tăng trưởng GDP của Italy trong năm 2018 sẽ chỉ đạt 1,1% so với mức 1,6% trong năm 2017. Trong năm 2019 và 2020, tăng trưởng GDP của quốc gia này được EC dự báo lần lượt đạt 1,2% và 1,3%.
Theo một số nhận định, việc EC áp đặt các chế tài kiểm soát thâm hụt lên Italy có thể tái hiện lại cơn ác mộng khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone. Thâm hụt ngân sách và nợ công khổng lồ đã từng đẩy Hy Lạp, một thành viên khu vực Eurozone, vào bờ vực phá sản cách đây 3 năm, kéo theo cả châu Âu chật vật xử lý.
Phát biểu trước báo giới, ông Pierre Moscovici - ủy viên Phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính EU nhân định “Việc EU bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy không những báo hiệu sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới ở châu Âu, mà còn bộc lộ tình trạng xung đột chính trị trong nội bộ của khối”.
Ông Pierre Moscovici cũng lên tiếng cảnh báo “Chúng tôi mong muốn Italy tiếp tục duy trì là một quốc gia quan trọng trong khu vực Eurozone. Sẽ không có tương lai nào cho Italy nếu quốc gia này rời bỏ khu vực Eurozone, một Euronze mà không có Italy thì sẽ không có tương lai”.