THÀNH TỰU CỦA TRUNG QUỐC TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc đã tăng nhanh sản lượng lương thực, từ 305 triệu tấn năm 1978 lên 502 triệu tấn năm 2007, bình quân đầu người từ 318,7 kg lên 381 kg; thịt từ 9,1 kg lên 52 kg; thủy sản từ 5,5 kg lên 36 kg (đất canh tác chỉ chiếm 9% diện tích lãnh thổ); Thu nhập bình quân đầu người của người nông dân từ 134 Nhân dân tệ lên 4.140 Nhân dân tệ; tỷ lệ người nghèo ở nông thôn giảm từ 250 triệu người năm 1978 xuống còn 14,79 triệu người năm 2007.
Để đạt được những thành tích trên, nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc đã trải qua những giai đoạn cải tiến và hoàn thiện cơ chế quản lý. Đó là, Trung Quốc phải thay đổi nhanh chóng và tích cực cơ cấu kinh tế nông thôn. Toàn bộ 04 ngành: Nông, lâm, ngư nghiệp và chăn nuôi phải phát triển toàn diện, mạnh hơn. Công tác đầu tư cho nghiên cứu chính sách nông nghiệp, thị trường, giá cả cũng như ứng dụng KHCN vào sản xuất được chú trọng. Chỉ tính riêng năm 2003, Chính phủ Trung Quốc đã dành 1,65 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 200 triệu USD) cho nghiên cứu công nghệ sinh học. Nhờ vậy, đến năm 2007, đã có 7,1 triệu nông dân chuyển sang trồng cây biến đổi gien. Theo số liệu của Viện Khoa học Trung Quốc, giai đoạn 2000 - 2005, đầu tư cho công tác nghiên cứu tại Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới. Cơ cấu lao động nông thôn cũng có sự chuyển dịch rất mạnh: 226 triệu lao động nông thôn chuyển sang chế độ làm thuê trong các xí nghiệp hương trấn hoặc các ngành dịch vụ khác. Sự nghiệp công cộng ở nông thôn phát triển nhanh và có những thay đổi sâu sắc: 150 triệu học sinh tiểu học và trung học đều được đi học hoàn toàn miễn phí; 730 triệu nông dân được hưởng chế độ y tế hợp tác kiểu mới; đời sống văn hóa tinh thần cũng như các thể chế dân chủ về chính trị, văn minh tinh thần không ngừng mở rộng; Kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thành như, 95% số thôn có đường bộ tới trung tâm, 98,7% số thôn có điện,...
Đánh giá về thành tựu của Trung Quốc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân, ông Jikun, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, chính sách về chiến lược trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc khẳng định: "Trong 30 năm qua, kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2008, kinh tế Trung Quốc phát triển gấp16 lần so với năm 1978. Đáng chú ý là, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi và thuỷ sản tăng; có sự dịch chuyển mạnh lực lượng lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhờ đó, thu nhập của nông dân cũng được cải thiện".
Qua 30 năm cải cách và mở cửa cùng với xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững, Trung Quốc đã thu được những bài học kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn như: Bảo đảm đầy đủ quyền tự chủ, phát huy tính tích cực của nông dân; phát triển nhiều loại sở hữu kinh tế, trong đó công hữu là chủ thể, thực hiện sở hữu tập thể đối với ruộng đất kinh doanh khoán gia đình, tách quyền sử dụng với quyền sở hữu; cải cách theo hướng thị trường, tạo ra sức sống mới cho kinh tế nông thôn; xây dựng địa vị chủ thể của trang trại trong kinh doanh tự chủ của các nông hộ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất hàng hóa hướng về thị trường; tôn trọng tinh thần sáng tạo của nông dân, thúc đẩy sự nghiệp cải cách, khoán chế độ trách nhiệm đến hộ gia đình và phát triển các xí nghiệp hương trấn; kiên trì đường lối căn bản “từ quần chúng mà ra, đi vào quần chúng"; coi trọng cao độ nông nghiệp, kết hợp cải cách nông thôn và cải cách thành thị.
CHÍNH SÁCH MỚI VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN Ở TRUNG QUỐC
Sau 30 năm cải cách và mở cửa, nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và so với các vùng công nghiệp và đô thị thì nhiều vấn đề về quan hệ sản xuất, như chế độ sở hữu đất đai, cơ chế khoán đến hộ gia đình còn phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa; sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị còn rất lớn. Vì vậy, tại Hội nghị TW 3 khóa XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thông qua kế hoạch cải cách và phát triển nông thôn với những mục tiêu chính là: Tiếp tục kiện toàn thể chế kinh tế nông thôn, thực hiện nhất thể hóa phát triển kinh tế - xã hội thành thị và nông thôn; tích cực xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tăng gấp đôi thu nhập bình quân của nông dân so với năm 2008; thúc đẩy cân bằng về dịch vụ công giữa thành thị và nông thôn, hình thành hệ thống sản xuất nông nghiệp tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường... Ðây là một "chuyển biến lớn" trong chính sách, nhằm xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc, là lối mở để nông dân lập nên những nông trại quy mô lớn, với công nghệ canh tác hiện đại, hạn chế tình trạng di cư ra thành thị, bỏ đất hoang hóa. Chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc không cho phép các công ty mua đất từ nông dân được sử dụng vào mục đích khác ngoài nông nghiệp. Việc kéo dài hợp đồng giao quyền sử dụng đất cho nông dân từ 30 năm lên 70 năm sẽ tạo sự năng động trong quản lý đất đai, thúc đẩy việc hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, thiết lập mạng lưới tài chính nông thôn hiện đại, cân bằng sự phát triển giữa nông thôn và khu vực thành thị, cải thiện vấn đề dân chủ ở nông thôn. Cùng với chính sách thúc đẩy kinh tế nông thôn, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành cải tiến hệ thống thuế ở nông thôn, từng bước giảm dần và tiến tới bỏ thuế nông nghiệp. Năm 2006, Trung Quốc đã xóa bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp. Quyết định này mỗi năm giúp giảm khoản đóng góp của nông dân Trung Quốc hơn 130 tỷ Nhân dân tệ.
Đặc biệt, từ tháng 1/2007, Trung Quốc luôn dành những chính sách ưu tiên để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hàng loạt các biện pháp hữu hiệu đã được thực hiện nhằm khuyến khích sức sáng tạo, năng động của nông dân. Uỷ ban Phát triển và cải cách Nhà nước Trung Quốc cho biết, năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đã chi 62 tỷ Nhân dân tệ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng hơn 9 tỷ Nhân dân tệ so với năm 2006, trong đó tập trung vào các dự án cải tạo giao thông, xây dựng hệ thống điện, xây dựng các chợ tiêu thụ nông sản và củng cố chính quyền cơ sở nông thôn. Để bảo đảm đầu tư trực tiếp vào việc cải thiện điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn, Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 36 tỷ Nhân dân tệ vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ sản xuất lương thực, văn hoá, y tế và giáo dục, xoá đói giảm nghèo ở nông thôn; Chi 2,6 tỷ USD cho công tác dồn điền đổi thửa. Việc đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa là nhằm biến những mảnh đất phân tán, rải rác thành những vùng canh tác rộng lớn với hệ thống hỗ trợ nông nghiệp như thuỷ lợi, đê điều, mang lại năng suất nông nghiệp cao hơn cho nông dân. Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm được 1,7 triệu ha đất trồng trọt tới năm 2020 thông qua việc dồn điền đổi thửa này. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách mới về y tế để cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh cho nhân dân; Miễn học phí đối với giáo dục nghĩa vụ ở nông thôn; Giải quyết những vấn đề của người nông dân vào thành phố làm thuê như việc làm, an ninh xã hội, nhà ở, giáo dục con cái, dịch vụ y tế khám chữa bệnh, tạo môi trường tốt cho nông dân vào thành phố làm việc; Xây dựng các “con đường xanh” để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các tuyến xe buýt nối thành thị với nông thôn...
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng biên giới xa xôi và đang trong tình trạng kém phát triển so với mặt bằng chung cả nước. Mục tiêu của chương trình là nâng cao mức sống và tình trạng kinh tế - xã hội nói chung của các vùng này lên ngang bằng với các vùng, miền khác của cả nước, cũng như khơi dậy các tiềm năng lớn sẵn có của các vùng biên giới. Kế hoạch này sẽ duy trì từ nay tới năm 2010, bao gồm đầu tư mới các công trình hạ tầng cơ sở, phúc lợi xã hội và những công trình giải quyết các vấn đề của vùng biên. Trong công cuộc đó, các tổ chức tài chính và các ngân hàng Trung Quốc được khuyến khích đầu tư vốn với nhiều ưu đãi vào các vùng này.