Chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Việc triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một nội dung cơ bản, được nhấn mạnh trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện

Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở đường lối hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong 10 năm qua, Việt Nam đã tiến hành hội nhập dưới nhiều góc độ:

Về hội nhập đa phương và khu vực, Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Phát triển Á Châu, Quỹ Tiền tệ Thế giới, Ngân hàng Thế giới, tích cực, chủ động và là một thành viên có trách nhiệm của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Về hội nhập song phương, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 200 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên nhiều Hiệp định thương mại song phương, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, v.v.

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với khoảng 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Là một trong những nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đến nay, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Trong năm 2022, vượt qua các thách thức do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khủng hoảng ở một số khu vực, xuất nhập khẩu tiếp tục chạm tới kỷ lục mới, đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế trên thế giới.

Tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, việc thực hiện nhất quán chủ trương “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong các hoạt động kinh tế đối ngoại trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi” của Đảng đề ra vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm góp phần hiện thực hoá tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2045 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.

Hội nhập kinh tế quốc tế
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Có thể thấy hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra sự đan xen về lợi ích giữa Việt Nam và các nước, các trung tâm quyền lực, tạo thế và lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy xu thế hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, giúp ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, từng bước nâng cao sức mạnh kinh tế của đất nước, là điều kiện quan trọng để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.” - Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định.

Thời gian qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã có tác động rất tích cực trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá và chủ trương của nước ta trong việc đưa quan hệ với các đối tác lớn, đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích chiến lược, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị, đối ngoại nhiều mặt của đất nước ta.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Công Thương cho rằng cần phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong ngành Công Thương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới; đồng thời, chủ động nắm bắt xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có lựa chọn để năm bắt cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các đối tác quan trọng.

 

Huyền My