Phòng vệ thương mại ngành gỗ trong hội nhập kinh tế quốc tế

THS. TRẦN PHƯƠNG TÂM AN (Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế giúp các doanh nghiệp (DN) mở rộng ngành nghề, các sản phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu (XK),… nhưng cũng đồng thời mang lại nhiều thách thức. Đặc biệt là việc đối mặt với các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng XK của Việt Nam nói chung và trong ngành Gỗ nói riêng có xu hướng gia tăng. Đây là cuộc chơi buộc phải tham gia, do đó, các DN cần chuẩn bị tốt, cần có kiến thức về PVTM và hiểu rõ bản chất công cụ này để ứng phó. Trong nội dung bài viết này, tác giả đề cập đến thực trạng và một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động ứng phó với các vụ kiện PVTM trong ngành Gỗ trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, ngành Gỗ, thị trường xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Giới thiệu

Các biện pháp PVTM là các công cụ chính sách phù hợp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận và cho phép các thành viên sử dụng trong thương mại quốc tế. Theo thống kê của WTO, kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995 đến nay đã có hơn 4.500 biện pháp PVTM được các nước thành viên WTO áp dụng. Vì vậy, việc hàng XK gặp phải các biện pháp PVTM trong thương mại quốc tế không phải là hiện tượng bất thường.

Trong thời gian gần đây, số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng XK của Việt Nam nói chung và ngành Gỗ nói riêng có xu hướng gia tăng. Số liệu từ Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ kiện liên quan đến PVTM. Riêng 5 năm trở lại đây đã có 97 vụ điều tra, nhiều nhất là Mỹ (40 vụ), Ấn Ðộ (27 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Australia (16 vụ), Canađa (16 vụ), EU (14 vụ) và Philipin (12 vụ).

Nguyên nhân do, thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu, năng lực sản xuất trong nước ngày càng gia tăng nên các mặt hàng XK của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch. Thứ hai, cùng với chủ trương tích cực hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa XK của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều. Điều này một mặt khiến hàng hóa XK của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu. Mặt khác, nó cũng tạo áp lực đối với các DN sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có các công cụ chính sách PVTM.

Sự gia tăng XK của hàng Việt Nam trong những năm gần đây còn diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia chú trọng hơn đến các chính sách bảo vệ ngành sản xuất trong nước, thậm chí sử dụng cả những biện pháp gây tranh cãi, dẫn đến những căng thẳng và xung đột lợi ích giữa các quốc gia. Trong bối cảnh đó, tần suất hàng XK của Việt Nam gặp phải các biện pháp PVTM sẽ ngày càng nhiều hơn.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay, việc đối diện với các vụ kiện PVTM là tất yếu khách quan và áp lực này tác động lên tất cả các DN chứ không riêng gì DN ngành Gỗ. Điều này cũng thể hiện năng lực sản xuất, năng lực XK của nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phát triển.

2. DN ngành Gỗ ngày càng phải đối diện với nhiều các vụ kiện PVTM

Ngành Gỗ hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế, cả trên phương diện xuất khẩu các mặt hàng gỗ và nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Hiện Việt Nam đã trở thành một quốc gia quan trọng trên bản đồ cung - cầu các mặt hàng gỗ thế giới. Là ngành có độ mở rất lớn, những biến động cung - cầu thị trường thế giới có tác động trực tiếp tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

Gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch XK của các mặt hàng nông - lâm sản trong cả nước đi lên trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, rủi ro của ngành Gỗ đang hiện hữu khi ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá...

Theo ông Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng, Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM (Bộ Công Thương), các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ nhiều năm trước “vắng bóng”, song từ năm 2019 đến nay việc bị điều tra lại diễn ra khá dồn dập. Cụ thể, năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán, cùng năm đó, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF. Năm 2019, Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với gỗ dán. Năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF và Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán. Gần đây nhất, cơ quan Ðại diện thương mại của Mỹ cáo buộc ngành Gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm XK vào nước này. Ðiều này khiến cho hoạt động kinh doanh của ngành Gỗ tại thị trường này trong thời gian tới dự được báo sẽ có nhiều biến động và rủi ro.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn đang tiếp diễn làm thay đổi cục diện của bức tranh cung – cầu các mặt hàng gỗ trên thế giới. Trung Quốc là nước cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất trên thế giới và là nhà xuất khẩu số một vào Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ đồ gỗ nhiều nhất trên thế giới. Căng thẳng về thương mại giữa 2 cường quốc này dẫn đến nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, lý do là bởi chính phủ Mỹ áp dụng các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc này đã tạo điều kiện cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam gia tăng vị thế tại thị trường Mỹ thông qua việc lấp các khoảng trống thị trường tạo ra do sự tụt giảm trong xuất khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu tại thị trường Mỹ cũng ẩn chứa một số rủi ro trong gian lận thương mại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng rất nhanh trong vài năm vừa qua.

Điều này đem lại sự thăng hoa trong xuất khẩu và các tác động tích cực tới tất cả các khâu trong chuỗi cung và ngành, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, con số kim ngạch xuất khẩu mở rộng cũng chứa đựng một phần con số gian lận thương mại tạo ra bởi các công ty của Trung Quốc di chuyển sang Việt Nam nhằm tránh các mức thuế mới từ thị trường Mỹ. Các công ty này nhập khẩu sản phẩm gỗ sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam là địa chỉ để xuất khẩu các mặt hàng của mình sang Mỹ. Ngành gỗ dán của Việt Nam đang bị Chính phủ Mỹ điều tra là một trong những kết quả tiêu cực trực tiếp của tình trạng gian lận thương mại của các công ty Trung Quốc.

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) - đưa ra cảnh báo từ việc Mỹ mở cuộc điều tra theo Điều khoản 301 Luật Thương mại với gỗ. Theo đó, 95% vụ kiện hầu như đều trở thành hiện thực, nghĩa là 95% ngành Chế biến gỗ của chúng ta dự báo sẽ bị áp thuế. Nếu bị áp thuế với mức 25% thì ngành Công nghiệp chế biến gỗ chấm dứt thời kỳ phát triển liên tục trong thời gian vừa qua.

Theo Tổng cục Hải quan, thách thức đang đặt ra hiện nay là hình thức gian lận ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng rộng; Văn bản pháp quy còn chưa điều chỉnh hết các trường hợp phát sinh trên thực tế; Chế tài xử phạt còn chưa mang tính răn đe; Nhận thức của một số DN Việt Nam còn hạn chế dẫn tới tiếp tay cho thương mại bất hợp pháp.

Trước những vụ kiện diễn ra ngày càng nhiều, các chuyên gia cảnh báo việc nhập khẩu nguyên liệu từ những khu vực địa lý có rủi ro cao sẽ dẫn đến nguồn gốc, xuất xứ gỗ không rõ ràng, điều này đã bị các hiệp định thương mại song phương và đa phương cấm. Do đó, các DN xuất, nhập khẩu gỗ cần hết sức thận trọng, chỉ nên sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng quy định.

Làm thế nào để các DN có thể tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát gỗ nhập khẩu; làm thế nào để các cơ quan quản lý vừa tạo sự thông thoáng, vừa có cơ chế chính sách hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế cho các DN gỗ đang là những câu hỏi lớn, cần trả lời sớm, với sự chung tay, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà DN và quản lý.

3. Các giải pháp nâng cao năng lực PVTM

Gian lận thương mại là hệ quả tất yếu trong hội nhập quốc tế. Gian lận có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào khi quốc gia này hội nhập và Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, có tín hiệu cho thấy các hình thức gian lận thương mại gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu khởi sắc, với gian lận xuất xứ là một trong những hình thức gian lận điển hình. Điều này xảy ra khi các doanh nghiệp Trung Quốc di chuyển hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam, thay vì đầu tư vào các hoạt động sản xuất, sử dụng nguồn cung nguyên liệu tại đây, các doanh nghiệp này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa hoàn thiện hoặc bộ phận của hàng hóa vào Việt Nam. Các hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là lắp ráp, hoàn thiện. Các sản phẩm này sau đó lấy nhãn mác xuất xứ của Việt Nam và xuất khẩu vào Mỹ. Điều này giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc tránh được các mức thuế cao của Chính phủ Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc.

Với Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kiểm soát hiệu quả vấn đề gian lận thương mại có vai trò sống còn đối với các ngành hàng xuất khẩu. Nhận biết được tầm quan trọng này, trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã và nỗ lực đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát rủi ro về gian lận thương mại.

Ngày 4/7/2019, Chính phủ phê duyệt đề áp về tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Một trong những mục tiêu cơ bản của đề án là “ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa”. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua các cơ quan quản lý nhà nước cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát đối với các nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu có tín hiệu rủi ro về gian lận. Mặc dù các cơ chế, chính sách và các biện pháp thực thi này trực tiếp góp phần giảm rủi ro trong gian lận, các hình thức này cần liên tục được duy trì và đẩy mạnh nhằm đạt được hiệu quả trong kiểm soát rủi ro.

Ngày 1/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NÐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu. Nghị định quy định gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro. Ðể triển khai Nghị định, ngày 27/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 8432/QÐ-BNN-TCLN công bố Danh sách vùng địa lý tích cực và Danh mục các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Ðây là các hướng dẫn pháp lý quan trọng nhằm hướng dẫn để tránh rủi ro cho các DN gỗ trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Để bảo đảm nguyên liệu cho ngành Chế biến gỗ, nhiều ý kiến cho rằng, cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho DN. Sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng cao cho ngành chế biến gỗ. Cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, trong đó, tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp định Ðối tác tự nguyện VPA/FLEGT, một bộ phận của EVFTA, có tác động rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới.

Về phía các địa phương cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và trên cơ sở lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, có kế hoạch thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng này hướng tới mục tiêu XK bền vững. Chủ động triển khai các hoạt động liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung, bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ.

Khi một mặt hàng XK bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, mặt hàng đó sẽ có rủi ro lớn hơn do khả năng cạnh tranh về giá. Do đó, về phía DN, để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, các DN gỗ cần có kiến thức về PVTM. Khi XK sản phẩm gỗ của DN mình sang thị trường nước khác, phải có nguồn thông tin cụ thể, bảo đảm tính hợp lệ, hợp pháp từ các đối tác nhập khẩu tại chính thị trường đó. Các nhà XK cần cập nhật danh mục cảnh báo sớm của Cục PVTM; xây dựng đội ngũ về lĩnh vực PVTM trong nội bộ; tìm hiểu quy định PVTM của nước điều tra. Bên cạnh đó, trong XK, cần đa dạng hóa sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường.

Cùng với việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, các nhà quản lý DN cần tiếp tục phát huy vai trò liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng, nắm bắt thông tin, kết nối với các cơ quan quản lý liên quan nhằm kiểm soát tốt tình hình.

Ðối với các nhà sản xuất trong nước, cần theo dõi tình hình hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nếu làm tốt việc này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ vượt qua được các hàng rào điều tra chống bán phá giá từ các nước. Ngành Gỗ cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với ngành Hải quan trong xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xây dựng kênh kết nối thông tin giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước liên quan nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ để các cơ quan hữu quan sớm có kế hoạch áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.

Tất nhiên, khi một mặt hàng XK bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, mặt hàng đó sẽ có rủi ro lớn hơn do khả năng cạnh tranh về giá có thể giảm đi một khi biện pháp PVTM được áp dụng. Tuy vậy, không phải tất cả các cuộc điều tra PVTM đều dẫn đến kết quả bất lợi cho XK của Việt Nam. WTO cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp PVTM, nhưng việc áp dụng cũng phải thông qua một quy trình điều tra với các điều kiện và thủ tục chặt chẽ được quy định trong các hiệp định của WTO.

Vì vậy, nếu các DN XK quan tâm và hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra, việc điều tra có thể dẫn đến kết luận là không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp PVTM. Kể cả khi biện pháp PVTM được áp dụng, nếu hàng hóa XK của DN bị áp một mức thuế PVTM thấp thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động XK, thậm chí DN còn có cơ hội tăng trưởng XK nếu các đối thủ cạnh tranh khác bị áp một mức thuế PVTM cao hơn.

4. Kết luận

Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 199 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Năm 2020, Cục PVTM đã chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về PVTM. Dự kiến, năm 2021, Cục PVTM sẽ đề xuất xây dựng Thông tư hướng dẫn biện pháp PVTM thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Để hỗ trợ các DN hạn chế những rủi ro từ việc hàng hóa XK bị nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, hiện Cục PVTM xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau. Danh sách này được cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục PVTM. DN quan tâm có thể thường xuyên theo dõi, cập nhật ngành hàng, sản phẩm và có các điều chỉnh XK phù hợp để hạn chế bị kiện PVTM.

Tuy vậy, theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM , trong năm 2021, do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều (đối với hàng hóa XK của Việt Nam và đối với hàng hóa NK vào Việt Nam) dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Điều đó sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt.

Trước tình hình đó, các DN, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, đặc biệt là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và của các thị trường đang và sẽ XK; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu các mặt hàng liên quan để kịp thời phát hiện dấu hiệu hàng hóa bán phá giá, trợ cấp, nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Các vụ kiện PVTM đang ngày càng gia tăng trong ngành gỗ, Báo Công Thương ngày đăng 25/12/2020, https://congthuong.vn/cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-dang-ngay-cang-gia-tang-trong-nganh-go-149958.html
  2. PVTM: Bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong nước, Báo Công Thương ngày đăng 2/1/2021, https://congthuong.vn/phong-ve-thuong-mai-bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cua-doanh-nghiep-trong-nuoc-150254.html
  3. Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
  4. Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017.
  5. Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM;

 Trade defense lawsuits against Vietnam’s wood industry in the context of the country’s international economic integration

Master. Tran Phuong Tam An

Faculty of Economic Law - Hanoi Law University

ABSTRACT:

Vietnam is currently taking part in many international organizations. The country’s international economic integration helps firms expand their businesses and export into new markets. However, the integration also bring many challenges to Vietnamese businesses including the increasing number of trade defense lawsuits for Vietnam’s exports in general and in the wood sector in particular. Hence, it is important for Vietnamese firms to well prepare and gain knowledge about the trade defense in order to have appropriate responses. This paper presents the current situation of Vietnam’s wood industry, and proposes some solutions to improve the industry’s competitiveness and to solve trade defense lawsuits.

Keywords: trade defense, enterprises, wood industry, export market, international economic integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]