Nhiều tín hiệu tích cực
Mới đây nhất, Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành quyết định về việc không có bằng chứng để kết luận Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ đang áp dụng với tôm của Ấn Độ. Do vậy, CBP sẽ xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành ngày 13/10/2020 để không áp thuế chống bán phá giá với tôm xuất khẩu của Thủy sản Minh Phú.
Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận điều tra sơ bộ đối với nội dung phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam và một số nền kinh tế khác. Hoa Kỳ cho rằng các nhà xuất khẩu của Việt Nam KHÔNG bán phá giá lốp xe ô tô vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, các nước khác bị kết luận là đã bán phá giá với biên độ khá cao, từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% đến 98,44% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và từ 13,25% đến 22,21% đối với Thái Lan.
Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, có thể nói đây là vụ việc phức tạp nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam vì đối với điều tra chống trợ cấp, bên cạnh các chương trình thông thường, lần đầu tiên Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “định giá thấp tiền tệ” (currency undervaluation) nhằm đem lại lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Để tránh cáo buộc này trở thành tiền lệ trong các vụ việc tiếp theo, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Đơn vị phụ trách của các Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, hiệp hội liên quan cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho phía Hoa Kỳ để chứng minh Việt Nam không ban hành, thực thi các chính sách mang lại trợ cấp gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa xuất khẩu.
“Kết quả nói trên là rất tốt và có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan của Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác đầy đủ với phía Hoa Kỳ trong các giai đoạn tiếp sau của vụ việc để duy trì và cải thiện kết quả của vụ việc”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng cho rằng, thông qua kết quả các vụ kiện, có thể nhận thấy các doanh nghiệp được hưởng mức thuế thấp là các doanh nghiệp tích cực tham gia trả lời, phối hợp đầy đủ với Cơ quan điều tra trong việc cung cấp thông tin. Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ chịu mức thuế cao do cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng dữ liệu sẵn có, thường là bất lợi cho các nhà xuất khẩu.
Do vậy, mức độ hợp tác có thể xem là điều kiện tiên quyết để đạt được một kết quả khả quan trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong các vụ việc khác.
Trong vụ việc điều tra chống trợ cấp với mặt hàng tháp gió, Việt Nam đã được hưởng mức thuế 2,84%, trong khi Indonesia nhận mức 5,9%.
Trong vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn, Việt Nam đã chứng minh trước Cơ quan điều tra Canada và không bị áp dụng thuế chống trợ cấp.
Trong những kỳ rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, basa và tôm thời gian gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hưởng mức thuế suất chỉ từ 0-1% do hợp tác cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan điều tra.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thích nghi với các vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và đã có kinh nghiệm xử lý cũng như chuẩn bị chiến lược ứng phó phù hợp đối với mỗi vụ kiện. Nhiều doanh nghiệp đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như ngành thủy sản, ngành thép, dệt may,...
Dù vậy, Cục Phòng vệ thương mại cũng nhận định vẫn còn một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại do cho rằng không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Vấn đề này cần có thời gian và phải được cải thiện một cách có hệ thống.
Năm 2021, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức và thực tiễn xử lý phòng vệ thương mại của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành hàng thường xuyên bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại như sắt thép, thủy sản, gỗ, hóa chất, v.v.