Vài năm gần đây, Nha Trang được biết đến nhiều hơn sau khi tổ hợp giải trí Vinpearl Land đi vào hoạt động. Tuy nhiên, lần này tôi đến Nha Trang mà không ghé Vinpearl, tôi muốn nhận diện một Nha Trang khác, bình dị hơn, êm ả hơn. Và trong mấy ngày ở đây, một mình một “ngựa” (thực ra là chiếc xe honda tôi mượn được của cô bạn), tôi đã khám phá Nha Trang theo cách của riêng mình.
Nha Trang là thành phố biển, biển hiện diện trong mọi mặt cuộc sống nơi này. Vì thế, ghé Nha Trang không thể không “gặp” biển. Ma lực của bờ biển dài với những rặng dừa điệu đà nghiêng mình, cài những chiếc lược thưa lên nền cát trắng và bầu trời xanh cao vô tận cùng với vô số loại cây được cắt tỉa gọn gàng đã thu hút phần lớn khách du lịch, đến Nha Trang mà chưa để đôi bàn chân trần in hình trên bãi cát, rồi để sóng vội vã cuốn đi, như vậy hẳn chưa thể coi cuộc du ngoạn ấy là đầy đủ.
Nha Trang ấn tượng với tôi bởi cảnh đẹp của cây, của hoa, của nắng, của những cơn gió biển. Nắng! từng sợi vàng như tơ óng, tưới sắc vàng lên khắp cỏ cây, nắng lấp lánh ngoài khơi, nơi những cơn gió mải vui cứ nô đùa trên mặt sóng, gió làm căng những cánh buồm, gió thổi tung những chiếc dù bay để chấm thêm lên nền trời xanh ngắt những ô tròn sặc sỡ. Nha Trang là một trong những thành phố nhiều nắng nhất Việt Nam (mùa nắng ở đây kéo dài từ giữa đầu tháng 1 cho đến tận giữa tháng 9). Gió và nắng nơi đây làm nở bung từng chùm, từng chùm hoa giấy, tô đỏ thêm sắc vàng hay đỏ tươi của những chùm dâm bụt. Hiếm ở đâu hoa giấy đẹp như ở Nha Trang. Hoa giấy nở rực rỡ, trong cái không gian ngập tràn sức sống của nắng vàng và gió biển, từng giàn, từng giàn hoa giấy rung mình trong gió, cánh trắng cánh hồng chen lẫn với nhau bên những rặng phi lao ngân nga khúc tình ca. Tất cả sắc màu, không gian ấy cùng rung lên trong một thứ nhạc điệu, như lời ru của biển vọng về.
Nha Trang xanh và sạch, loại cây thích hợp và sinh trưởng tốt nhất ở đây không gì khác ngoài dừa và phi lao, Nếu may mắn, bạn còn được chúng kiến thủ pháp hái dừa độc đáo của người dân vùng biển ngay tại khu công viên, còn phi lao, loại cây lá kim này được ưu ái và chăm sóc rất cẩn thận, có lẽ ở Nha Trang, cây phi lao được ưu ái nhất so với nhiều nơi khác. Mỗi cây phi lao hiện diện ở Nha Trang đều là một công trình nghệ thuật mà các công nhân viên Công ty cây xanh đã dày công kiến tạo. khi thì thành tầng, thành lớp, khi lại như một mái hiên nhà che mưa, tránh nắng cho nhiều cặp tình nhân hay những vị khách phương xa vừa ghé,...
Nha Trang yên bình, quang đãng và phóng khoáng. Khí hậu đại dương với những nét biến dạng đặc sắc đã góp phần mang đến sự bình yên cho cả vùng đất này, tên gọi Khánh Hoà cũng phần nào nói lên điều đó. Đây là vùng đất mà ngay cả những cơn bão cũng e dè tránh xa, bão thường lệch hướng hoặc tan ngay trước khi vào bờ. Theo số liệu của Tổng Cục khí tượng thuỷ văn thì tần số bão đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa thấp chỉ có khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn bão/năm đổ bộ vào bờ biển Việt Nam. Nha Trang yên bình vì là vịnh kín, được bao bọc bơi các dãy núi tít tắp ngoài xa. Ngay tên hòn đảo xây dựng tổ hợp vui chơi giải trí Vin pearl cũng mang ý nghĩa đó: Hòn che, ý là che chở, che chắn, nhưng sau này, chẳng hiểu mọi người nhầm hay yêu quý loài cây nọ mà cứ gọi chệch và viết lệch thành Hòn Tre.
Điều dễ ấn tượng nhất ở Nha Trang, cũng là điều bạn sẽ bắt gặp đầu tiên khi xuống đến sân bay Cam Ranh, đó là tình hiếu khách. Ở Việt Nam, tôi từng đi nhiều, nhưng hiếm nơi nào tôi thấy được sự hiếu khách như của người dân nơi đây. Nụ cười luôn thường trực trên môi anh lái taxi, chú xe ôm hay chị bán vé dạo. Khánh Hoà có biển, nhưng dường như câu: “dân biển ăn sóng, nói gió” không đúng lắm. Nhẹ nhàng, thân tình, cởi mở và dễ gần. Ai đến Nha Trang lần đầu, mới xuống máy bay dễ bị rơi vào cảm giác buồn buồn, thậm chí là cô độc. Quãng đường từ sân bay về thành phố khá xa: 35 km so với các sân bay khác (Hà Nội: 20km, Đà Nẵng: 2km, TP. Hồ Chí Minh: 7 km), hai bên đường chỉ là cát trắng, phi lao, đồi núi và những đoạn đường ngoằn ngèo như rắn lượn, nép mình bên đường là những khu resort mà cảnh vật vốn luôn mang một đặc tính cố hữu là yên tĩnh. Không gian ấy, nhất là vào cuối buổi chiều khiến cho lòng người dễ se lại, nao buồn. Nhưng bù lại, cả hai lần tôi ghé Nha Trang, sưởi ấm lòng lại là nụ cười, ánh mắt, dăm ba câu chuyện của anh taxi trên đường từ Cam Ranh về phố biển. Người Khánh Hoà nói chung, Nha Trang nói riêng làm du lịch rất chuyên nghiệp, bạn có thể long rong khắp các hàng quán, xem và chọn hàng thoả sức, dù mua hay không, vẫn là một thái độ niềm nở, ân cần. Cách làm du lịch này ở Việt Nam ít nơi học được, chẳng thế mà vài năm gần đây, dân ta cứ đổ xô đi Thái Lan hay Trung Quốc để được hưởng cái cảm giác làm thượng đế.
Nha Trang là nơi có nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng, chủ yếu nằm trên những con phố Tây như: Biệt Thự, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Phú,... nhưng nếu muốn khám phá và tường tận phong cách ẩm thực của người dân nơi đây, bạn hãy chạy xe qua cầu Trần Phú B (chừng 3km từ trung tâm thành phố theo hướng đi Bình Dương), đó là đất nhậu mà dân nhậu thứ thiệt hay tìm đến, khám phá cái văn hoá nhậu quần chúng nơi đây, bạn sẽ thấy khác biệt, ngay cả khi đem ra so sánh so với các thành phố biển khác.
Người Nha Trang hay nhậu vào buổi tối, các quán nhậu ở khu bờ kè, bãi Tiên là đông đúc nhất. Đến quán nhậu, bạn sẽ được thưởng thức phong cách ẩm thực của người dân nơi đây, mà điều thú vị có khi lại không bởi đồ ăn thức uống mà bởi cách người Nha Trang nhậu. Quán nhậu ở Nha Trang có vài đặc tính: tươi ngon, phong phú về món ăn, chu đáo nhiệt tình về thái độ phục vụ, và quan trọng nhất với dân thích du lịch bụi, giá cả rất phải chăng. Đi chừng 3 - 4 người, bạn có thể gọi cả một chú cá giò nướng giấy bạc, thêm món gỏi hải sản đặc trưng, một vài đĩa rau xào và một đĩa cá sấu nướng ống tre, đương nhiên rồi, nhậu đêm bên biển không thể thiếu vài chai bia hay chai vodka (nếu thiếu một trong hai thứ này, có lẽ các quán nhậu nơi này đã đổi tên thành quán ăn hết rồi). Khác hẳn với sự ồn ào, xô bồ của văieät nam hoá bia hơi Hà Nội hay ồn ã, náo nhiệt của quán nhậu Sài Gòn. Dân nhậu Nha Trang ưa sự yên tĩnh, mọi câu chuyện, cuộc trao đổi đều vừa đủ nghe, thậm chí bạn vẫn có thể nghe tiếng gió khua cành dừa xào xạc, vi vu gió reo trên ngọn phi lao giữa một quán nhậu ngót nghét hai trăm người.
Đơn giản hơn, ngay khu quảng trường thành phố, cạnh tháp trầm hương, tại các quán nhậu “bệt” (đây là tên gọi mới mà tôi tự đặt cho các “quán nhậu” này), bạn có thể thưởng thức sự phóng khoáng của biển bên đĩa mực khô, cái hay ở đây là việc tự mình khai hoả với cồn, trong sự đùa cợt của gió, trong tiếng sóng rì rào, nướng được một đĩa mực đòi hỏi không ít sự khéo léo, kiên nhẫn, và vì thế, cuộc nhậu cũng thi vị thêm.
Nếu ở lại Nha Trang vào tối thứ 7 hàng tuần, về đêm, bạn có thể ghé Sailing Club, đến hẹn lại lên, đúng 22 giờ, một chương trình ca nhạc ngoài trời (chính xác là trên bãi cát trắng và sân khấu quay lưng ra biển) là một loạt các chương trình ca nhạc (ban nhạc ngoại quốc hẳn hoi), ảo thuật và nghệ thuật pha chế cocktail. Lọt vào đây, bạn có cảm giác như đang ở một vùng đất xa xôi nào đó tận trời Âu hay Mỹ, trong một party ngoài trời. Cuối buổi, bao giờ cũng vậy, là thời điểm thích hợp nhất cho những đôi chân trần và cặp eo thon thăng hoa với những điệu nhảy liên miên bất tuyệt của những cha cha cha, Jumba hay flamenco,... Biển đêm không ngừng vớn sóng, đôi chân của các cặp tình nhân không ngừng vũ động, và với con mắt của những kẻ như tôi, đấy cũng là một điểm mới, điểm riêng của Nha Trang về đêm trước khi cất bước về khách sạn sau một ngày dài khám phá.
Dẫu biết rằng ấn tượng dù sâu sắc đến mẫy, cũng dễ bị sự ghen ghét của thời gian xoá nhoà dần trong ký ức, giống như những dấu chân kia vội vã bị sóng cuốn đi, nhưng Nha Trang luôn mới, luôn hấp dẫn để mỗi khi rảnh rỗi, khát khao quay về nơi đó lại réo gọi tôi.
Những rặng dừa, hàng phi lao và hoa giấy vẫn đang rung mình trong gió...