Kết quả điều tra doanh nghiệp về phòng vệ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2013 cho thấy, chỉ có 1,89% doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ về phòng vệ thương mại, hoặc là bên có liên quan trong các vụ việc; 19,81% doanh nghiệp được hỏi đã từng tìm hiểu sơ sơ; 63,21% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết gì sâu; và 15,09% các doanh nghiệp hoàn toàn không biết gì về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo khảo sát gần đây nhất của Cục Phòng vệ thương mại điều tra nhận thức của các doanh nghiệp về cac biện pháp phòng vệ thương mại đã cho thấy kết quả đã khả quan hơn, cụ thể 17% các doanh nghiệp được hỏi cho biết đã tìm hiểu kỹ về biện pháp phòng vệ thương mại, hoặc là bên có liên quan trong các vụ việc; 36% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ; 36% doanh nghiệp có nghe đến công cụ phòng vệ thương mại nhưng không biết sâu; và 11% doanh nghiệp không biết đến công cụ này trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Sự thay đổi này được đánh giá là nhờ một phần lớn ở nỗ lực triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ, phổ biến thông tin, kiến thức về phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương, VCCI, các Hiệp hội ngành hàng tổ chức. Mặt khác, song hành với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam, số lượng vụ việc điều tra và bị điều tra của ta có xu hướng gia tăng nhanh chóng cũng là yếu tố khách quan khiến doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu về công cụ phòng vệ thương mại.
Việc doanh nghiệp ngày càng chủ động phối hợp với Bộ Công Thương trong các vụ việc khởi kiện và kháng kiện thể hiện rõ mức độ quan tâm của doanh nghiệp đối với các biện pháp này.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ, trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định đến 90% kết quả của vụ điều tra. Đơn cử, trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 - 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra basa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mức thuế chống bán phá giá cuối cùng áp dụng cho một số doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với Bộ Thương mại Hoa Kỳ là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá xuất khẩu), giảm đáng kể so với mức 1,37 USD/kg đợt POR14. Trong khi đó, các doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg.
Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước, đồng thời cũng cho thấy mức độ quan trọng của sự chủ động tìm hiểu thông tin, tích cực hợp tác điều tra từ phía doanh nghiệp để được giảm, miễn thuế phòng vệ thương mại ở các thị trường xuất khẩu.
Do đó, khi xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả; chủ động theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra; cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh sự khác biệt của sản phẩm; phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để phản biện; kiểm tra các lập luận về thiệt hại do nguyên đơn cung cấp.
Mặt khác, để giảm thiểu nguy cơ đối mặt các vụ điều tra phòng vệ thương mại cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, quy định phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại; lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng.
Nhằm tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, ngày 19/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT Triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Theo đó, Quyết định số 1347/QĐ-BCT của Bộ Công Thương sẽ tập trung vào một số nhóm hoạt động bao gồm:
Một là, đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp;
Hai là, cung cấp thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước;
Ba là, hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới;
Bốn là, tăng cường công tác thực thi các quy định về phòng vệ thương mại.
Các hoạt động triển khai Quyết định nói trên sẽ được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2020 và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tới nhằm đảm bảo các ngành sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm vững các công cụ về phòng vệ thương mại, có thể bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và nâng cao hiệu quả của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.