Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương chiều 20/3, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế một số quốc gia rơi vào khó khăn, thậm chí suy thoái, sẽ có lượng lớn hàng hóa toàn cầu tồn kho. Điều này dẫn đến khả năng hàng hóa nhập khẩu giá thấp tràn vào Việt Nam, gây áp lực lên sản xuất trong nước.
Trao đổi với Tạp chí Công Thương, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết dự báo này hoàn toàn có thể xảy ra, khi mà sản xuất công nghiệp của một số quốc gia, trong đó tiêu biểu là Trung Quốc, có quy mô khá lớn, sự đình trệ của các ngành kinh tế do dịch bệnh dẫn đến lượng tồn kho tăng nhanh và mạnh, giá thấp. Với thị trường nhỏ hơn như Việt Nam, chỉ cần lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng vài phần trăm là sức ép lên sản xuất trong nước cũng sẽ tăng theo cấp số nhân.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung đang xuất hiện lo ngại về khả năng đứt đoạn, các ngành nguyên liệu như thép, nhựa,… sẽ là những ngành tiềm tàng nhiều nguy cơ đối mặt với trường hợp này.
Do đó, triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi sát diễn biến, tiến hành điều tra một số sản phẩm nhập khẩu có lượng tăng đột biến vào Việt Nam và sẽ thông báo kết quả các vụ việc trong vài ngày tới.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã chính thức công bố sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia ở mức 2.889.245 đồng/tấn đến 6.385.289 đồng/tấn, sau khi đánh giá thấy mặc dù đã áp thuế tự vệ 3.201.039 đồng/tấn nhưng lượng bột ngọt nhập khẩu từ 2 nước này vẫn có dấu hiệu bán phá giá với lượng khá lớn, từ 2,88 triệu đồng/tấn đến hơn 6,3 triệu đồng/tấn, tương ứng với biên độ bán phá giá cao nhất lên tới hơn 28%.
“Việt Nam đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó và sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước nếu cần thiết”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Thực tế, từ trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các quốc gia trên thế giới đã gia tăng hàng rào bảo hộ mạnh hơn với hàng hóa nhập khẩu. Sức ép đặt lên các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước không chỉ đến từ thị trường xuất khẩu, mà sức ép còn đến ngay từ thị trường nội địa, khi hàng hóa của nhiều nước không xuất khẩu được đi các thị trường lớn, họ quay sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, năm 2019 có thể nói là một năm mà Việt Nam đặt hoạt động phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước tại thị trường trong nước ở mức cao nhất. Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, đồng thời cũng kết thúc tổng cộng 8 vụ việc, trong đó có 5 vụ việc khởi xướng mới; 2 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, kết thúc điều tra và áp dụng biện pháp vào năm 2019; 1 vụ việc rà soát cuối kỳ và tiếp tục thực hiện biện pháp chống bán phá giá.
Như vậy, số lượng vụ việc của riêng năm 2019 đã lớn hơn tổng tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam áp dụng trong toàn bộ giai đoạn 2010 - 2018, cho thấy sự chủ động để không chỉ chống đỡ ở tại thị trường xuất khẩu mà còn để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định của WTO, đúng quy định của pháp luật Việt Nam bảo hộ một cách có chọn lọc, có trọng điểm.
Theo đánh giá, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hơn 150.000 người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp như thép, gỗ, phân bón,…, bảo vệ sản xuất trong nước, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước với ước tính chiếm gần 7% tổng GDP Việt Nam năm 2019.