Thời gian vừa qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, thúc đẩy xuất nhập khẩu và trao đổi thương mại với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, việc thành công tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa quan trọng khi cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu với lộ trình tương đối ngắn.
Cụ thể, nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 (khi ta ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) mới chỉ đạt hơn 30 tỷ USD thì đến năm 2019 con số này đã là 517 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 100 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 270 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Cùng với việc gia tăng xuất khẩu, số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam cũng đang gia tăng. Tính đến tháng 12 năm 2020, đã có 199 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019 (16 vụ việc).
Với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Chương về phòng vệ thương mại trong Hiệp định EVFTA dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của EU và Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ phòng vệ hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định. Ngày 26 tháng 11 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về phòng vệ thương mại.
Quan hệ thương mại giữa ta và EU đang phát triển nhanh chóng. Trong 5 năm vừa qua, EU không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu những ngành hàng, sản phẩm thế mạnh của ta (như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày hoặc sắt thép, v.v) gia tăng đột biến (do mức giảm thuế nhanh), tạo sức ép cạnh tranh hoặc gây thiệt hại cho các ngành sản xuất của nước nhập khẩu sẽ có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong bối cảnh đó, các hoạt động phòng vệ thương mại cần tập trung cảnh báo sớm, thông tin cho doanh nghiệp kịp thời về nguy cơ này.
Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công Thương thời gian qua đã tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; hàng tuần có bản tin cảnh báo sớm để đăng tải công khai và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng; chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp.
Ngày 05 tháng 8 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT về Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
Theo đó, Bộ Công Thương xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại WTO; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững; đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước.
Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, thường xuyên cập nhật các điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam…
Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách và thực tiễn các vụ kiện phòng vệ thương mại của Việt Nam và các nước cho cán bộ cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ luật sư để nâng cao năng lực, trình độ pháp luật quốc tế.
Đặc biệt, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các doanh nghiệp trong nước hoạt động trên các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước và quốc tế có liên quan đến phòng vệ thương mại.
Việc triển khai có hiệu quả Đề án là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm, giúp bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài trong thời gian tới.