Tại buổi tiếp và làm việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh với Đoàn Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN (EU-ABC) ngày 14/02, hai bên đã trao đổi xoay quanh các vấn đề như: kế hoạch trong năm 2023 của Bộ Công Thương để tiếp tục đóng góp cho những tiến bộ về tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN và việc nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); những thuận lợi của Việt Nam khi tham gia các FTA như CPTPP, EVFTA và RCEP, cũng như các khuôn khổ khác hiện đang được đàm phán và các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, năng lượng và năng lượng tái tạo.
Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương bao gồm: Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ.
Về nâng cấp Hiệp định ATIGA, do gần 99% thuế quan đã được xóa bỏ giữa các thành viên ASEAN, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng ASEAN cần có cách tiếp cận thực tế trong việc nâng cấp Hiệp định ATIGA để đảm bảo việc nâng cấp Hiệp định, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp các nước ASEAN, kết nối chuỗi cung ứng khu vực. Chẳng hạn, cần tập trung vào các nội dung có thể giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn Hiệp định này, từ đó thúc đẩy thương mại nội khối như tăng cường minh bạch hóa chính sách, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, cơ chế xử lý các biện pháp phi thuế quan, v.v…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, để đảm bảo rằng Hiệp định này vẫn có ý nghĩa, hướng tới tương lai và giúp ASEAN có thể ứng phó tốt hơn với không chỉ các khó khăn trong hiện tại mà còn với cả các thách thức trong tương lai.
Đánh giá về những thuận lợi của Việt Nam khi tham gia các FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP trong những năm vừa qua đã đem lại một số lợi ích ban đầu cho Việt Nam như: Thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác trong các FTA trên, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc các nước đối tác trong các FTA trên như EU, Canada, Mexico … xóa bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này.
Cụ thể, với thị trường RCEP, mặc dù Hiệp định RCEP mới thực thi được 1 năm, thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực RCEP năm 2022 đã cho thấy dấu hiệu tích cực với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 408,4 tỷ USD, tăng 9,31% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước này đạt 146,7 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Ngoài ra, trước những câu hỏi về năng lượng từ phía Hội đồng EU-ABC, phía Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Xuất nhập khẩu đã cập nhật tình hình của những chính sách trong việc chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai và quy định và chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển logistics xanh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhiệt liệt hoan nghênh đoàn doanh nghiệp EU-ABC đã đến làm việc với Bộ Công Thương. Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Thứ trưởng chúc các thành viên EU-ABC một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của EU-ABC đến thị trường Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với EU-ABC nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa EU và ASEAN nói chung và giữa EU và Việt Nam nói riêng.