Xác định trách nhiệm trong đảm bảo cung ứng xăng dầu cho nhân dân
Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương, Đại tá Nguyễn Trọng Úy - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, với các kho xăng dầu có tổng sức chứa 150.000 m3 và 150 trạm xăng dầu trải dài trên cả nước, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội luôn xác định và ý thức đủ trách nhiệm, nhiệm vụ của người lính trên mặt trận kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng theo chỉ tiêu Chính phủ giao; phối hợp phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của đồng bào vùng sâu, vùng xa, kinh tế đặc biệt khó khăn.
Quyết tâm bảo đảm đầy đủ xăng dầu, thực hiện dân sinh, an ninh năng lượng tại địa bàn, vào thời điểm điều kiện nguồn hàng tại khu vực phía Bắc không đủ, thời tiết không thuận lợi, không thể tiếp cận vận chuyển bằng đường thủy, Tổng công ty đã huy động phương tiện vận chuyển bằng đường bộ từ Đà Nẵng ra Hà Nội dù phát sinh chi phí lớn, để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân. Tổng nguồn thực hiện của Tổng công ty năm 2023 đạt 747.000 m3, đạt 111% so với kế hoạch năm và cao hơn 73.000 m3 so với tổng nguồn được giao (674.000 m3).
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Quân đội mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét và đề xuất với Chính phủ đồng ý tăng vốn điều lệ của Tổng công ty để phù hợp với tình hình hoạt động thực tế; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, phí phù hợp để đảm bảo cho hoạt động dự trữ xăng dầu được thực hiện đúng quy định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Chủ động tạo nguồn từ sớm, từ xa
Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải cho biết, năm 2023, Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh. Sản lượng Tập đoàn chạm mốc kỷ lục 14,4 triệu m3, tăng 4% so với năm 2022, trong đó sản lượng xuất bán nội địa tăng 7%. Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 270.000 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.432 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm 2022. Thu nhập bình quân của người lao động được cải thiện đáng kể trong toàn Tập đoàn.
Đặc biệt, Petrolimex đã đảm bảo vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong mọi tình huống để cung ứng xăng dầu cho cả nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trong năm 2023; gương mẫu, tiên phong chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Năm 2024, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Petrolimex đã có kế hoạch tạo nguồn và xây dựng các phương án, kịch bản, thực hiện đấu thầu và chào hàng từ tháng 11/2023, qua đó cơ bản hoàn thiện ký kết các hợp đồng dài hạn cho 6 tháng đầu năm 2024 với tổng sản lượng tương đương 68% kế hoạch tổng lượng xăng dầu dự kiến tiêu thụ cả năm.
Tập đoàn cũng đã chủ động đàm phán sớm với 2 nhà máy lọc dầu để tạo nguồn tối đa trong nước, đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhanh khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Các kịch bản ứng phó được xây dựng cụ thể, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trên cơ sở tham khảo tình huống bất thường của năm 2022 để tổ chức điều hành kịp thời.
Sản lượng xăng dầu Petrolimex nhập về tăng 10% so với dịp Tết Nguyên đán 2023 và tăng 9% so với tổng nguồn phân giao tối thiểu bình quân tháng mà Bộ Công Thương đã phân giao, thậm chí có lượng hàng dự phòng, đảm bảo trong mọi tình huống cung ứng đầy đủ xăng dầu cho nền kinh tế. Huy động tối đa hệ thống cơ sở vật chất vận hành 24/24, tổ chức sản xuất kinh doanh xuyên Tết, từ khâu vận tải thủy đến tiếp nhận tại cảng, làm hàng tại kho, xuất hàng,…
Bên cạnh đó, Petrolimex đã tăng gấp đôi số lượng xe sẵn sàng nhập hàng từ các điểm kho Nghi Sơn và Bình Sơn, đồng thời đang chủ động làm việc với Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đăng ký cho các xe vận chuyển xăng dầu được phép chạy ban ngày trong dịp Tết, sẵn sàng cung ứng cho người dân, doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa các nội dung này, Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cấp phép cho các xe chạy ban ngày; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng nguồn phân giao của các doanh nhân đầu mối trên cả nước, đảm bảo nguồn ổn định, lâu dài trong mọi tình huống. Ngoài ra, Petrolimex đề xuất các Bộ, ngành rà soát, hoàn thiện và sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật liên quan đến mặt hàng xăng dầu trên thị trường.
"Trong bất kể tình huống nào, không được để thiếu xăng dầu"
Tại buổi làm việc với các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về quốc phòng, an ninh quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc đảm bảo cung ứng mặt hàng này cho người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá cao những nỗ lực của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định các đơn vị đã phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với nhiệm vụ chính trị, nghiêm túc triển khai vượt mức tổng nguồn được phân giao, đóng góp quan trọng và tích cực vào việc cung ứng năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng cho cả nước trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đứt gãy, khó khăn. Bộ trưởng hoan nghênh việc Petrolimex đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với những tình huống cụ thể trên cơ sở kịch bản xấu nhất của năm 2022.
Để tiếp nối các kết quả đã đạt được, đảm bảo cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện, triển khai hiệu quả kế hoạch cung ứng xăng dầu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, động viên người lao động sắp xếp ca trực để sẵn sàng cung ứng kịp thời, 24/7 cho người dân, doanh nghiệp. Sẵn sàng phương án tăng cường huy động nguồn cung đưa ra thị trường trong lúc cao điểm nếu cần thiết, đặc biệt tại những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh Đông Nam Bộ, những địa phương có công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển, tần suất và lưu lượng lưu thông lớn, nhu cầu sử dụng xăng dầu trong dịp Tết được dự báo ở mức cao.
“Trong bất kể tình huống nào, không được để thiếu xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đặc biệt, đối với những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh Đông Nam Bộ, những tỉnh có công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển thì tần suất và lưu lượng người đi lại là rất lớn, nhu cầu sử dụng xăng dầu trong dịp Tết là rất cao. Cho nên là các đồng chí không những đã phải sẵn sàng kịch bản và kế hoạch để bảo đảm cung cổ vũ các nguồn cung sắt dỡ cho các điểm bán lẻ thuộc hệ thống của mình. Nhưng mà đồng thời phải sẵn sàng để thực hiện cái nhiệm vụ chính trị khi được Bộ, Bộ Công thương số bệnh chỉ có 34 cái doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước là thực hiện được cái nhiệm vụ này một cách vô tư nhất và cũng là nghĩa vụ các đồng chí chứ không phải chỉ là cái cái đòi hỏi từ phía Bộ hay là Chính phủ.
Thứ hai, có chiến lược phát triển mạng lưới, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng thông qua mở thêm cửa hàng xăng dầu tại các địa bàn trên cả nước, tăng cường nhập hàng để tăng dự trữ,…
Thứ ba, tham gia tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ có những điều chỉnh nhất định và trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng tiếp cận gần hơn với thị trường, có cơ chế tính đúng, tính đủ để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, hướng đến mặt hàng xăng dầu kinh doanh theo cơ chế thị trường và tuân thủ sự điều tiết hợp lý của Nhà nước.
Đối với các kiến nghị của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ giao các đơn vị làm việc, khẩn trương tháo gỡ những vấn đề theo đúng chức năng nhiệm vụ, phạm vi thẩm quyền của Bộ. Với các vấn đề nằm ngoài thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ có ý kiến với các cơ quan có liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền sớm giải quyết.