Chùa Huyền Không: Sự kết hợp giữa Thiền tông và nhà vườn Huế

Cách thành phố Huế chừng 10 km, theo một con đường đất gập ghềnh dẫn lên núi Chằm, bạn sẽ đến một ngôi chùa nhỏ đơn sơ nhưng lại cuốn hút đến lạ kỳ, đó là chùa Huyền Không. Huyền Không tự được xây dựn

ở Huế có khoảng 120 ngôi chùa. Ngoài những tổ đình nổi tiếng như Thiên Mụ (1601), Bảo Quốc (1664), Từ Đàm (1683), Diệu Đế (1844)... còn có một loạt những ngôi chùa mới xây dựng sau này. Chùa Huyền Không là một trong số đó. Vào vãn cảnh chùa, khách thập phương phải qua cầu Bạch Yến. Chiếc cầu này do Hiệp hội Schmitz-Tây Đức xây dựng để nhân dân địa phương và du khách đến chùa thuận tiện.

Dọc đường lên chùa, du khách có thể dừng lại để thưởng thức, chiêm nghiệm lời hay ý đẹp được thể hiện bằng nét thư pháp bay bổng tài hoa của chư tăng cư sĩ hay của khách thơ đến chùa đề tặng. Người yêu thích thư pháp ở Huế và khách thập phương, trong những ngày diễn ra Festival Huế 2006 đã tụ hội về chùa Huyền Không để đàm đạo và thưởng thức những nét bút phượng múa rồng bay.

Ngang qua khoảng sân rộng vào chính điện, đập vào mắt du khách là bức hoành phi sơn son thiếp vàng khổng lồ treo trên chính môn. Chính điện lợp ngói măng âm-dương, đường nét mạnh mà không thô. Tôn trí duy nhất một tượng Phật Thích Ca màu vỏ trứng sẫm, vẻ mặt thanh thoát và từ ái, đường nét tương tự mô típ tượng của các xứ Phật giáo Nam Tông nhưng tính dân tộc và nhân bản được thể hiện rất cao. Khung cảnh thanh tịnh, uy nghiêm,  âm điệu kinh Pàli vang vọng nhẹ nhàng, trầm bổng, Phật tử vào lễ sẽ tìm được sự thảnh thơi, lắng dịu trong tâm hồn.

Thanh Tâm Viên bên phải sân Phật điện giữa những đồi cỏ lúp xúp dưới những gốc dương liễu cổ kính và dăm bảy cụm lạc thạch là những lối mòn quanh co lát đá. Một mái lương đình ngói đỏ thấp thoáng sau mấy gốc hoa sứ lão trượng, cội thiên tuế tuổi tác gần thế kỷ, cặp thạch đăng xứ Phù Tang xa xôi biểu tượng thanh kiếm, chiếc khiên của một võ tướng Samurai quy phục cửa Thiền. Yên Hà Các - bên hông phải Phật điện là một toà nhà nhiều tầng mái, kết hợp nhuần nhuyễn hai loại vật liệu bê tông và gỗ, các bộ cửa gỗ nhiều kiểu cách trang trí, tạo những đường nét nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Khu vườn cảnh Hứa Nhất Thiên nối tiếp Yên Hà Các là nơi trưng bày các chậu bonsai, nơi tiếp khách của vị sư trụ trì hay để du khách đàm đạo thơ văn; cạnh đó là giàn phong lan với hơn 500 giò lan nhiều chủng loại. Nổi bật trên mặt hồ nhỏ giữa vườn là chiếc phù kiều sắc đá xám, nơi du khách thích dừng chân chụp ảnh lưu niệm.

Huyền Không còn là Phật học viện của Phật giáo Nam Tông tại Thành phố Huế. Nơi đây còn khám, chữa bệnh miễn phí và đào tạo lương y cho các cơ sở khám chữa bệnh Đông y của Thừa Thiên-Huế.

Vườn cảnh Huyền Không là một tiêu mẫu cô đọng về sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên nâng lên thành nghệ thuật đặc sắc trong lối kiến tạo về cái đẹp. Mỗi công trình kiến trúc ở đây sử dụng chất liệu từ tranh, tre, nứa, lá... mộc mạc, dung dị nhưng tất cả đều toát lên bản sắc của dân tộc. Huyền Không không chỉ đem lại cho Huế một ngôi chùa đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn mà hằng năm còn góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật hội họa của Huế... ?

  • Tags: