Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn UPCoM) vừa thông báo sẽ chốt quyền nhận cổ tức năm 2023 vào ngày 15/10 sắp tới.
Theo đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 700 đồng cổ tức. Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, công ty sẽ thanh toán cổ tức vào ngày 11/11/2024.
Với 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cần ra chi ra khoảng 2.170 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Trong đó, dự kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là đơn vị nhận được nhiều cổ tức nhất với gần 2.000 tỷ đồng nhờ việc nắm giữ 92,13% vốn điều lệ của Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Đáng chú ý, HĐQT Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa mới đây có thông báo về kế hoạch chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Dự kiến việc niêm yết sẽ hoàn tất vào cuối năm nay hoặc chậm nhất vào đầu năm 2025.
Cổ phiếu BSR được giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 3/2018 đến nay. Giá chốt phiên 16/8 tại mức 24.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa thị trường hơn 74.722 tỷ đồng.
Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, việc cổ phiếu BSR được niêm yết trên HoSE sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và tăng khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đáng chú ý, hãng Chứng khoán BIDV nhận định, việc niêm yết trên HoSE còn giúp cổ phiếu BSR có thể lọt vào chỉ số VN30.
Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện cũng đang xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn cho việc Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo các quy định hiện tại, Lọc hoá dầu Bình Sơn phải đảm bảo vốn chủ chiếm tối thiểu 60% tổng mức đầu tư của dự án. Phần vốn vay sẽ được thu xếp từ nguồn tín dụng bảo lãnh, thương mại trong nước và quốc tế, cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác, ban lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết.
Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư 31.235 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ USD. Mục tiêu đầu tư là nâng công suất của nhà máy thêm gần 16%, từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Dự án triển khai dự kiến 37 tháng, đưa vào vận hành quý 1/2028.
Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 55.118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.884 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 36% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn thời gian trong quý 2/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5).
So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 160% kế hoạch hoạch lợi nhuận.