Chương trình hành động của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP lần thứ III

Căn cứ Chương trình hành động số 01-CTr/ĐUT ngày 10/9/2020 của Đảng ủy Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025; Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chương trình hành động của Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP ra đời nhằm mục đích cụ thể hóa quan điểm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 thành những nhiệm vụ cụ thể, sát với tình hình thực tế của Công đoàn Tổng công ty, CĐCS nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội III Đảng bộ Tổng công ty đã đề ra. Bên cạnh đó là phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết, đổi mới nội dung và phương thức chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào CNVC và hoạt động công đoàn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của Tổng công ty, đơn vị.

Những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu

Theo đó, Chương trình hành động được ban hành với mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; Luôn hướng về cơ sở vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; đồng hành vì sự ổn định và phát triển bền vững của Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP”

Có 2 chỉ tiêu chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức công đoàn Tổng công ty. Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong Chương trình hành động có đưa ra những chỉ tiêu sau: Tổng sản lượng phôi thép toàn hệ thống: 9.810.000 tấn; Tổng sản lượng thép cán dài toàn hệ thống: 10.725.000 tấn; Tổng sản lượng thép cán dẹt toàn hệ thống: 1.775.000 tấn; Doanh thu hợp nhất: 88.000 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế: 1.520 tỷ đồng (trong đó, lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ là 550 tỷ đồng); Nộp Ngân sách khối Công ty mẹ con: 1.940 tỷ đồng; Đảm bảo việc làm cho người lao động trong toàn hệ thống Tổng công ty với mức thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Về xây dựng tổ chức Công đoàn Tổng công ty, Chương trình hành động của Công đoàn đề ra 6 chỉ tiêu sau: Phấn đấu Công đoàn Tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong suốt giai đoạn 2020-2025; Các công đoàn cơ sở trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 80%; Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với quá trình tái cấu trúc của Tổng công ty. Phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; Chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức thành công đại hội công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức thành công đại hội Công đoàn Tổng công ty lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028; Tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội V, nhiệm kỳ 2018-2023 đã đề ra (cụ thể: 100% đoàn viên và người lao động được tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Công đoàn các cấp, Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật an toàn vệ sinh lao động vv…; 100% người lao động được ký Hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ BHXH, BHYT và chính sách liên quan đến người lao động; 100% đơn vị tổ chức Hội nghị Người lao động. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT, phấn đấu có từ 3-5 điều khoản cao hơn luật có lợi hơn cho người lao động vào TƯLĐTT; Tiếp tục duy trì và phát triển phong trào xây dựng Nhà máy - Công viên; duy trì và nâng chất lượng Nhà ăn ca tự chọn; Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong SXKD. Phấn đấu hàng năm có từ 25 Bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp cho người lao động; có ít nhất 10 công trình công đoàn góp phần nâng cao hiệu quả SXKD). Chỉ tiêu thứ 6 là hàng năm, phấn đấu có 100% cán bộ Công đoàn từ tổ trưởng trở lên được tập huấn nghiệp vụ công đoàn; 100% An toàn viên được tập huấn về công tác an toàn vệ sinh lao động, môi trường.

Giải pháp gồm những gì?

Có thể thấy rất rõ Chương trình hành động đưa nhóm giải pháp tuyên truyền lên hàng đầu. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về kết quả Đại hội, Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của các cấp và của Công đoàn TCT. Công đoàn sẽ tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty lần thứ III, Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng bộ TCT và công đoàn Tổng công ty, làm cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Bên cạnh đó cần cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp gắn với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do tổ chức Công đoàn phát động; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Giải pháp tiếp thứ hai là nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng hoạt động công đoàn cho cán bộ công đoàn các cấp. Trong đó, ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, còn cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Công đoàn Tổng công ty và các công đoàn cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với Đề án Tái cấu trúc Tổng công ty và theo Quyết định 1299/QĐ-TLĐ ngày 09/9/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn; nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ công đoàn các cấp; tham gia phối hợp giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc.

Đối với việc duy trì thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, Chương trình hành động cũng coi đây là giải pháp mang tính định hướng tư tưởng rất rõ ràng. Làm tốt công tác kiểm tra đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ công đoàn các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm sau kiểm điểm cuối năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Giải pháp lớn thứ ba được Chương trình hành động đề cập đến là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.   ”Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, hơn ai hết, tổ chức Công đoàn càng hiểu được vai trò của giải pháp này đối với sự thành công của bất kể chương trình hay kế hoạch nào. Chính vì vậy, Chương trình quy định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức Công đoàn phát động, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” , cuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu” gắn với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của Tổng công ty. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, cuộc vận động như: “Mái ấm Công đoàn” và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xã hội của tổ chức Công đoàn.

PV