Nhà ông Xuân có cô con dâu nổi tiếng xốc vác, nhanh nhẹn mà bà Xuân vừa thích vừa sợ. Ông Xuân nể cả vợ lẫn con dâu. Mỗi khi nhà có việc ông Xuân ở giữa hai “luồng đạn” thường lựa ý hai “yếu nhân” để tránh ầm ĩ và ông coi đó là một chiến công.
Vừa rồi ông Xuân sửa nhà, việc dọn nhà khiến cho nhà ông rơi vào hàng loạt tấn bi hài kịch. Sau khi con dâu ông mạnh dạn làm cuộc cách mạng thay hàng loạt đồ đạc trong nhà thì vợ ông khư khư giữ lại một cái ghế gỗ đã cũ nhưng bà cất công thuê người đóng từ các loại gỗ tạp mà bà sưu tầm được. Cái ghế không xấu, không đẹp, chỉ rất chắc chắn và nặng bởi được đóng bởi các thể loại gỗ vào với nhau, đủ kiểu mầu sắc mà nhìn vào đó người ta thấy được các thời kỳ lịch sử đã qua của đất nước. Ghế có chỗ dựa hình tròn tròn nên bọn trẻ nhà ông Xuân vẫn gọi đó là “ngai vàng”. Sau khi trang hoàng nhà cửa thì cô con dâu thấy thừa ra đúng cái ghế cũ nhưng sau nhiều cuộc chiến thay thế đồ đạc cho bố mẹ chồng thì cô cũng hơi có ý ngại va chạm với các cụ nên chưa dám nói gì… Ông Xuân cũng hiểu sứ mệnh lịch sử của chiếc ghế đến đây là hết nhưng vì sợ vợ cự nự thế là nghĩ đi nghĩ lại ông đem để lên phòng của mình, đặt ngay ngắn tại cái ban công nhỏ xinh có giàn hoa mai leo đẹp như ban công tỏ tình của Romeo Juliet. Con gái ông sang chơi, vốn tính cũng mạnh mẽ, cô nàng thấy ngay sự bất hợp lý của cái ngai, và cũng hiểu bố nên cô bèn tranh thủ mẹ không có nhà liền nghĩ kế tẩu tán.
Đúng lúc ấy có em đồng nát đi qua và tiếng rao “Ai đồng nát khooooooooong” kéo rõ dài làm con gái ông Xuân nảy ra sáng kiến. Cô gọi em đồng nát cho em một bao tải vỏ lon đồ uống mà bà Xuân tích trữ trong bếp rồi nhờ em mang cái ghế ấy đi bỏ đâu thì bỏ giúp. Em đồng nát vui vẻ nhận lời rồi hối hả đạp xe bỏ lại tiếng rao “Ai đồng nát khooooooooong” khuất dần trong ngõ. Hai bố con ông Xuân thở phào rồi ngồi nghĩ cách nói với tác giả của chiếc ngai sao cho hợp lý. Riêng cô con gái thì hơi có tí chột dạ vì hình như hướng rẽ của em đồng nát không theo sự hướng dẫn của cô, không may lại ra ngõ gặp cố nhân thì chết…
Y như rằng, khoảng nửa tiếng sau thì có tiếng lao xao rộn ràng ở ngoài cửa: Bà Xuân đã về và phía sau lưng là em đồng nát dễ thương mắt chữ A mồng chữ 0. Bà Xuân bảo: Mày vào đây, mang cái ghế vào đây cho tao. May quá, ông ơi tôi lại kiếm được một cái ngai thứ hai rồi, hai vợ chồng mình tha hồ “song kiếm hợp bích” nhé…
Rồi chả quan tâm đến ba “tội đồ” đang á khẩu đờ hết cả người ra, bà Xuân háo hức bảo con bé đồng nát bê lên ban công hộ bà “để sáng ra tao với ông ý còn ngồi ngắm hoa thưởng trà với nhau, ơ mà cái ngai cũ đâu rồi hả ông…”
Rồi để cả ông chồng và cô con gái chưa kịp phản ứng gì, bà Xuân kêu la ầm ĩ. Khi cả hai cứng họng chưa biết giải thích thế nào thì bà Xuân mới cho “hạ màn”. Bà nén cười nói: “Bố con ông đã chừa chưa? Tưởng thoát được tôi à?”... Rồi bà bảo em đồng nát: “Cháu có thể về được rồi đấy. Bà cảm ơn cháu nhé. Đống lon đấy coi như hôm nay mày trúng số nhá”.
Quay lại bà bảo hai bố con ông Xuân: “Tôi đang bảo chiều mang sang cho bà Ti hàng xóm vì bà í thích cái ngai lâu rồi, chứ nhà mình nhà mới ai còn dùng cái này nữa. Chẳng qua tôi tiếc là tiếc kỷ niệm thôi chứ ai chả biết cái gì cũng có thời”. Rồi bà quay ra lườm cô con gái: “Rõ hoài của, cả đống lon tao tích từ tháng trước hôm qua con bé đồng nát đó giả rẻ quá chưa bán, hôm nay mày lại dâng lên cho nó. Thảo nào lúc gặp tao nó giật mình thon thót. Thật đúng là bợm già mắc bẫy cò ke mà”.
Hai bố con ông Xuân vẫn chết đứng như Từ Hải!