Công nhận người Việt mình dùng chữ “ác” thật! Tôi đã háo hức từ khi đặt chân lên hòn đảo đặc biệt này nay càng thêm tò mò khi biết Côn Đảo đang trong mùa gió “chướng” – những cơn gió Đông Bắc thốc tháo thổi từ biển vào đất liền mang theo cái mặn mòi của biển cả, sức gió mạnh đến bạt hơi người có thể khiến cho ông bà già yếu sức khỏe xây sẩm mặt mày, trẻ con thì nôn thốc nôn tháo. Nhưng vì sao ai cũng mong được đến Côn Đảo vào chính mùa gió chướng?
“Các anh chị nhìn hai bên đường phía trước ạ, đó, rất đẹp phải không ạ, đó là hoa anh đào đấy ạ. Tháng trước, hoa đẹp nở bừng dọc hai bên con đường này cơ ạ, nhưng giờ này là mùa gió chướng nên gió thổi rụng bay hết, hoa anh đào chỉ còn có vậy thôi đó”. Tiếng cô gái có khuôn mặt tròn đôi mắt sáng vóc dáng mũm mĩm cứ lanh lảnh suốt dọc con đường đẹp miên man từ sân bay Côn Đảo về đến khách sạn đã thay lời chào của Côn Đảo gửi tới chúng tôi.
Mùa gió chướng thông thường sẽ bắt đầu từ tháng 10 hoặc có năm muộn hơn là tháng 11, kết thúc vào tháng 3. Người dân trên đảo còn kể về tuổi thọ rất ngắn của những cây cầu thang hoặc đồ dùng bằng inox, sắt thép... ở đây vì thủ phạm là những cơn gió chướng với sức gió mạnh và không ngừng mang theo muối mặn đã “tàn phá” kim loại đến ghê người. Cường – cậu tài xế lái xe điện đồng hành cùng chúng tôi suốt chuyến du ngoạn Côn Đảo nhìn tôi co ro khăn áo cười nói: “Mai em đưa các chị đến tham quan hai nơi đỉnh của đỉnh là Mũi Chàm Chim và Mũi Cá Mập để chị cảm nhận rõ hơn cái gió đặc biệt này”.
Thật đúng là đặc sản mà, không phải theo cơn mà cứ miên man như thế suốt. Cứ khi nào xe chạy ra hướng đường bao quanh trên đảo thì biết nhau ngay vì ập ngay vào cái không gian thốc tháo, ngập ngụa đó, còn khi xe đi vào mấy con đường bên trong trung tâm của đảo thì hết gió, không khí trong lành, yên bình như đang đi trên phố Hội An ngày thấp điểm. Côn Đảo có rất nhiều ngôi nhà, quán xá thâm thấp với mái ngói, cầu thang gạch quét vôi ve mầu vàng, mầu xanh nhìn rất xinh xắn, ấm cúng. Những cửa hàng dịch vụ du lịch nhỏ xíu, lúp xúp trên nền gạch đá hoa cũ kỹ, vỉa hè to, rộng và luôn có mái hiên vòm tròn nhìn rất vui mắt và bình yên. Tôi có cảm giác chúng không hoạt động, chỉ là người dân “trình diễn sắp đặt” chiêu đãi miễn phí khách tham quan mà thôi. Đi bộ lang thang qua mấy con phố nhỏ Nguyễn Đức Thuận, Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh… chốc lại chết mê chết mệt một góc tường rêu phong phủ kín thâm uy của hệ thống nhà tù trên đảo. Ai đến Côn Đảo cũng vừa thích vừa sợ. Bạn bè biết chúng tôi nghỉ ở khách sạn Sài Gòn- Côn Đảo đều cản vì “ở đó có ma đấy, nhiều người đêm bị phá quá phải cuốn gói đi nghỉ nơi khác đấy”. Nghĩ đến chuyện này cũng run run, nhất là vừa vào khách sạn làm thủ tục đã nhận ra ngay trước lối vào của khách sạn là sừng sững âm u Trại giam Phú Sơn ban ngày đón biết bao người đến tham quan nhưng khi ánh chiều tà đổ xuống những tia nắng cuối cùng khung cảnh bên ngoài trại giam bỗng trở nên huyền bí, lạnh lùng rợn người… Cường nhìn điệu bộ của mấy chị gái trong đoàn thì cười nhỏ nhẹ, thành thật: “Không sao đâu chị, mọi người cứ hay thần hồn nát thần tính chứ các chú các bác hiền lành như vậy có làm hại ai đâu. Bọn em ở đây toàn được các bác phù hộ mà”.
Chiều muộn cafe trên Côn Đảo
Đức tin giản dị của hàng trai quê Ninh Bình ra đảo lập nghiệp mới được 2 năm mà hiểu biết tường tận về Côn Đảo khiến chúng tôi lấy lại tâm thế của minh. Cường đưa chúng tôi đi về phía Tây Nam của Côn Đảo, nơi có Mũi Cá Mập nổi tiếng để hóng gió chướng. Đường ven đảo đẹp uốn lượn ôm lấy những sườn dốc thoai thoải, ngoằn nghoèo, phía bên trái là biển xanh rợn ngợp, gió thổi tứ bề. Đây rồi, khi gió thổi tốc hết khăn, ai cũng cuống quýt giữ mũ, ba lô túi xách quần áo để khỏi bị gió tạt, hơi thở của mình vừa thở ra khỏi miệng đã bị gió cuốn đi, cảnh sắc thì huy hoàng, mây che trên đầu và nắng trên vai, ào ạt gió ngập đầy không gian rộng lớn, ấy là chúng tôi đang đứng ở Mũi Cá Mập. Tôi nghĩ đến Tuy Hòa, Bình Thuận và thấy sức gió ở đây thừa khả năng làm điện gió nhưng có lẽ vì là gió theo mùa nên không khả thi thôi. Đứng một lúc mà cả đám thanh niên chúng tôi ai cũng thấy mệt như leo dốc, bù lại đã phần nào có thực tế về mùa gió chướng. Mặc dù trước đó tôi đã đọc ở đâu đó mô tả về sự “quái chiêu” của gió chướng và hầu hết những người tù cách mạng muốn vượt ngục ở nhà tù Côn Đảo thì việc đầu tiên phải làm là hiểu về gió chướng. Chính loại gió này thổi ngoài biển sẽ đưa con sóng ra xa bờ hay là cũng chính loại gió này vào thời điểm khác sẽ đưa tất cả những gì rơi xuống biển quay trở lại bờ. Biển Côn Đảo đã là nấm mồ chôn vùi biết bao các chí sĩ cách mạng trong những tháng ngày đau thương của lịch sử đất nước chúng ta…
Chúng tôi quyết định thuê xe của Cường trong suốt cuộc hành trình trên đảo. Tối cả hội ra quán Ớt ăn hải sản, chủ quán cũng là một người thanh niên quê Nam Định. Buổi tối trên Côn Đảo vắng vẻ, tĩnh mịch chứ không ồn ào như các hòn đảo du lịch khác, cũng có thể vì đây là mùa thấp điểm. Gió cứ mênh mang hoang phí không ngừng trên hòn đảo lịch sử. Cường vẫn phong phanh chiếc áo mầu xanh đồng phục của doanh nghiệp tư nhân Thu Tâm, ngồi bên cạnh là cậu bé loắt choắt 3 tuổi nhỏ xíu cũng chỉ mặc mỗi chiếc áo phông cộc tay mà mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cường bảo hai cha con trong lúc đợi mọi người đã đùa nhau chạy dưới sân nên vậy. Hình ảnh hai cha con bé nhỏ mà rắn rỏi, dạn dầy ngồi dưới tán bàng cổ thụ hiên ngang đứng thẳng ngàn đời nay phớt lờ mọi cơn gió chướng trong một buổi tối chạng vạng đã cho tôi một ấn tượng thật khó phai về đất và người Côn Đảo. Xe đi ngang qua Công ty Yến sào Côn Đảo, cậu bé con 3 tuổi quay sang bố bảo nhỏ: “Nhà yến của mẹ kia kìa”. Thì ra là vợ Cường đang làm nhân viên ở đây và hai bố con vẫn gọi nơi này một cách thân thương là “nhà yến”. Thu nhập khoảng đô 5- 6 triệu, chồng thì hơn một chút, hai đứa trẻ đi học mẫu giáo không mất tiền được trường nuôi dạy từ bữa sáng đến bữa 5h, chỉ có phòng trọ thuê thì hơi đắt một chút do Côn Đảo chuyển dịch dần sang xây dựng khách sạn mà ít kinh doanh nhà trọ bình dân, còn lại thì cuộc sống không có gì phải phàn nàn. Cường dự định ổn ổn sẽ đưa bố mẹ vào đây sống cùng.
Côn Đảo đang thay đổi với rất nhiều kế hoạch phát triển nhưng du lịch tâm linh vẫn là xu thế chính. Có lẽ vì như vậy mà hòn đảo vẫn giữ được sự yên tĩnh, hoang vắng vốn có. Hôm nay và mãi ngàn đời sau, gió chướng vẫn thổi ở nơi đây để cho ai đến một lần nhớ mãi không quên, còn người dân đảo thì đã xem nó là máu thịt, là niềm tự hào mỗi khi thốt lên: Đến Côn Đảo phải vào mùa gió chướng!