Những năm trước đây, mô hình kinh doanh bán điện ở Hà Tây còn nhiều bất cập. Ngoài 9 xã, thị trấn, do ngành Điện trực tiếp quản lý bán điện đến hộ dân là có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của Nghị định 45/CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ, còn lại, phần lớn các mô hình quản lý điện ở các xã, thị trấn chưa thực hiện quy định của Nhà nước, cấp quản lý nhà nước như UBND xã vẫn tham gia kinh doanh bán điện, các tổ chức tham gia kinh doanh điện nông thôn chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực, việc hạch toán mở sổ sách kế toán theo dõi tình hình kinh doanh bán điện nhiều nơi còn rất sơ sài hoặc không có. Đầu tư cải tạo, phát triển lưới điện nông thôn lại gặp nhiều khó khăn về kinh phí, tổn thất điện năng trên lưới điện cao (từ 30 - 40%), chất lượng điện năng còn thấp, nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất. Nhìn chung, quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh điện nông thôn Hà Tây còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác quy hoạch lưới điện, tổ chức kiểm tra, thanh tra...
Chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm từng bước giải quyết những vấn đề bất cập, bức xúc trong quản lý sử dụng điện ở khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu cần giải quyết của cơ sở và nhân dân. Sau khi Nghị định 45 NĐ/CP ngày 2/8/2001 của Chính phủ quy định về hoạt động điện lực và sử dụng điện được ban hành, tỉnh Hà Tây đã nhanh chóng tổ chức thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý- kinh doanh điện nông thôn, nhằm đưa việc quản lý- kinh doanh điện nông thôn thống nhất toàn Tỉnh, đáp ứng yêu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh chính trị ở khu vực nông thôn. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Hà Tây đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Để tiến hành chuyển đổi một cách cụ thể, UBND tỉnh Hà Tây đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo. UBND tỉnh ra Quyết định số 494 QĐ/UB về việc ban hành quy định về chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn. Sau khi có các chỉ thị, nghị quyết của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đã họp bàn triển khai kế hoạch cụ thể. Trong thời gian thực hiện, Ban chỉ đạo thường xuyên giao ban định kỳ hàng tháng để nắm bắt tiến độ và bàn những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, đôn đốc các tổ công tác và Ban chỉ đạo các huyện, thị tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.
Tính đến hết năm 2003, toàn Tỉnh đã có 300 xã, thị trấn tham gia thực hiện đổi mô hình quản lý điện nông thôn. Tỉnh đã lập hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực kinh doanh điện nông thôn cho 525 tổ chức và hộ kinh doanh, trong đó, có 484 HTX, 39 hộ kinh doanh, 2 doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức và các hộ kinh doanh đều xây dựng giá bán điện sinh hoạt nông thôn ở mức 650đ/kWh- 700đ/kWh. Hà Tây đã hoàn thành tiến độ chuyển đổi trước 6 tháng so với kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh, nhiều huyện đã thực hiện với thời gian rất ngắn, cụ thể là: đến ngày 30/9/2003, huyện Phú Xuyên và ứng Hoà hoàn thành toàn bộ chuyển đổi mô hình quản lý điện trên phạm vi toàn huyện; 30/11/2003 Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức. Huyện cuối cùng thực hiện xong là Chương Mỹ vào ngày cuối cùng của năm 2003. Điện lực Hà Tây cũng đã tổ chức thực hiện ký lại hợp đồng mua bán điện với tất cả 525 tổ chức, hộ kinh doanh sau khi được cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, giúp cho 21 xã kiểm định lại 17.489 công tơ với giá 2.000đ/chiếc, mở 3 lớp đào tạo thợ điện nông thôn được 229 người, hỗ trợ các xã chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn về tài liệu, sổ sách kinh doanh bán điện. Với việc chuyển đổi này, Hà Tây bước đầu đã củng cố, hoàn thiện pháp nhân kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn toàn Tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động điện lực và kinh doanh bán điện ở nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ kinh doanh điện hoạt động đúng quy định của pháp luật và ngày càng có hiệu quả. Đồng thời, còn góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư lưới điện nông thôn, tạo điều kiện cho việc sử dụng điện tốt hơn, góp phần tích cực và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, Hà Tây cũng vẫn tồn tại một số nhược điểm. Bên cạnh những cơ sở, xã đã chủ động bắt kịp nhịp phát triển, vẫn còn nhiều cơ sở còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý, làm chậm tiến độ. Hiện nay, Hà Tây còn một số xã chưa thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý điện, còn tiếp tục duy trì mô hình quản lý cũ như Vạn Phúc, Vạn Điểm, Hữu Bằng, Đồng Tâm... Nhất là địa bàn thuộc 2 trạm MBA thuộc xã Cát Quế- Hoài Đức do tư nhân đầu tư và quản lý bán điện nên đã xảy ra hiện tượng vi phạm quy chế sử dụng điện. Ngoài ra, ở nhiều nơi, tình trạng lưới điện không đảm bảo an toàn, lưới điện xuống cấp, chưa được đầu tư cải tạo lại, phạm vi bán kính cấp điện rộng, hệ thống công tơ phần lớn đã cũ chưa được kiểm định và kiểm định lại. Đội ngũ thợ điện còn quá đông so với định mức ngành Điện áp dụng cho quản lý điện nông thôn, năng lực còn nhiều hạn chế, còn gần 50% số công nhân đang làm việc chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, còn một lý do khá quan trọng dẫn đến sự chưa triệt để trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện ở Hà Tây là vấn đề nhận thức, ý thức sử dụng điện, ý thức tiết kiệm điện.
Đứng trước thực tế như vậy, trong thời gian tới, Hà Tây đã có những bổ sung về những giải pháp thực hiện. Sở Công nghiệp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, cũng là cơ quan quản lý nhà nước về điện có chương trình, kế hoạch công tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình điện các xã, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm theo độc quyền, tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh bán điện nông thôn và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ. Lập kế hoạch thực hiện, đào tạo, tập huấn thợ điện nông thôn, kiểm tra an toàn kỹ thuật cho cán bộ quản lý thợ điện nông thôn, các tổ chức cũng như, hộ kinh doanh điện theo định kỳ. Ngoài ra, Điện lực Hà Tây tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ kiểm định công tơ, đào tạo thợ điện nông thôn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật điện, an toàn điện trong kinh doanh bán điện, kiểm tra sử dụng điện theo quy định hiện hành, có chương trình kế hoạch phát triển lưới điện trung áp. Các thành viên trong Ban chỉ đạo tiếp tục cùng với Sở Công nghiệp hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn và phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện để công tác quản lý bán điện nông thôn hoạt động thuận lợi, có hiệu quả.