Chuyển đổi số tránh sự cố và nâng cao năng suất
Càng ngày, yêu cầu giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi xanh càng ảnh hưởng đáng kể đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp thép. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thép cần tìm mọi giải pháp để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có giải pháp bảo trì, tối ưu hóa quy trình công nghệ...
Tại Hội thảo lưu động kỹ thuật thường niên do Hiệp hội Thép Đông Nam Á (SEAISI) tổ chức luân phiên tại các quốc gia sản xuất thép trong Đông Nam Á SEAISI 2024, các nhà sản xuất thép đều thừa nhận những tác động quyết định của chuyển đổi số trong công tác này.
Công ty JFE Steel - công ty sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản nhận định 3 trụ cột của chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình bao gồm: Thực hiện cải cách cơ cấu công nghệ thông tin, nâng cao mức độ sử dụng dữ liệu và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin.
Ông Osamu Yamaguchi, đại diện của JFE Steel - Nhật Bản chia sẻ: “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang làm việc từ xa, tự động hóa và đạt được năng suất cải thiện và sản xuất an toàn”.
Đối với công tác bảo trì các thiết bị trong các nhà máy thép, trong hai loại bảo trì phòng ngừa và bảo trì ứng phó với sự cố thiết bị, JFE Steel - Nhật Bản nhận thấy những lợi ích lớn khi thực hiện phương án chủ động lựa chọn bảo trì phòng ngừa. Việc chủ động này sẽ kiểm soát các vấn đề sau: Quản lý tiêu chuẩn, lập kế hoạch (bao gồm kế hoạch kiểm tra và thay thế, phụ tùng thay thế, v.v.), thi công (đặt hàng xây dựng, vật liệu và thi công), theo dõi (nắm rõ tình trạng trước và sau khi thi công và phản ánh trong kế hoạch thi công).
JFE Steel đã dùng AI để phân tích các dữ liệu trong lò cao. Năm 2022 đã sử dụng để phân tích dữ liệu trong điều khiển lò kết quả là đã phát hiện những luồng khí lạ, chuẩn đoán được trước 12h để tránh sự cố và nâng cao năng suất. Với cả hai phương án này sẽ dùng một giải pháp gọi là giám sát mức thiết bị để có thể hệ thống hóa, lục lại lịch sử các trường hợp sự cố tương tự đã xảy ra và từ đó sẽ đưa ra giải pháp tối ưu. Dựa trên kết quả tìm kiếm, thời gian khôi phục đã giảm đi 30 phút từ việc “rút kinh nghiệm” từ lỗi tương tự của của lần sự cố trước.
Tự động hóa phát huy vai trò
Liên quan đến lĩnh vực tự động hóa, sự phát triển công nghệ của JFE Steel - Nhật Bản đã cho phép có thể cải thiện năng suất nhờ sử dụng robot. Công ty JFE Steel - Nhật Bản cũng đã sử dụng robot phát hiện vết xước siêu âm tự hành dạng tấm dày đầu tiên trên thế giới. Đó là 3 robot kiểm tra đồng thời bao gồm: Robot làm sạch tự hành dạng tấm dày tương ứng với điều kiện khắc nghiệt, robot vận hành tự động của xe đầu kéo và robot vận hành tự động của xe nâng pallet. JFP Steel đã có 500 kỹ sư phân tích dữ liệu áp dụng sâu công nghệ trong quá trình bảo trì nhà máy. Con số này sẽ lên tới hơn 700 vào cuối năm 2024.
Tương tự như vậy, Công ty FENG HSIN của Đài Loan cũng ứng dụng chuyển đổi số vào công tác bảo trì trong cán thép. FENG HSIN sử dụng hệ thống camera, ứng dụng ảnh nhiệt… đã đem lại lợi thế cho công ty, trước hết là biết được tình trạng thừa hoặc thiếu của thiết bị, từ đó đưa ra các cảnh báo, các phương án về mua sắm chuẩn bị vật tư… Dùng camera ảnh nhiệt sec phát hiện tình trạng hư hỏng cục bộ để xử lý, kiểm soát tình trạng này tốt hơn. Lý giải về việc tại sao lại cài đặt hệ thống giám sát tình trạng trực tuyến về độ rung trên hộp số, chuyên gia của FENG HSIN cho rằng hộp số chịu tải nặng nhất và cần nhiều thời gian để sửa chữa nếu bị hỏng (ít nhất là từ 4 - 7 ngày), giảm rủi ro an toàn trong quá trình đo…
Nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có giải pháp bảo trì, tối ưu hóa quy trình công nghệ, Tập đoàn SMS cũng cho biết họ có cả một chiến lược ứng dụng công nghệ bảo trì thông minh, giám sát tình trạng hoạt động của thiết bị. Theo đó, chiến lược bảo trì bao gồm bảo trì đột xuất, bảo trì ngăn ngừa, bảo trì theo điều kiện và bảo chỉ dự đoán hay theo chỉ định. Họ sẵn sàng chia sẻ thông tin nếu các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu và áp dụng.
Dầu bôi trơn với thiết bị tự động
Có một thực tế chung của các nhà máy cán thép là chưa chú trọng đến dầu bôi trơn - một trong những yêu cầu không thể thiếu trong công tác bảo trì, tối ưu hóa công nghệ. Điều này rất cần phải thay đổi ngay và luôn trên con đường đi đến mục tiêu phát triển bền vững của các nhà máy cán thép.
Sử dụng dầu mỡ bôi trơn chiếm 2-3% tổng chi phí vận hành sản xuất. Theo ông Trần Trọng Quảng, đại diện của Công ty Shell Việt Nam, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của dầu mỡ bôi trơn nên nhiều khách hàng còn “ngẫu hứng và lơi lỏng” khi chọn giải pháp đảo kho, lấy bên ngoài ra dùng trước.
“Phi dầu nằm trong cùng có tới 6-7 năm chưa được sử dụng, cũng thành phế phẩm. Vì vậy, phải biết cách bảo quản và sắp xếp lưu kho dầu mỡ”. Bên cạnh đó là phương pháp lọc dầu để tái sử dụng. Cũng cần phải xác định thiết bị lọc, phương thức lọc sẽ khác nhau do tính chất sử dụng dầu và hiện trạng của dầu khác nhau. Ví dụ như dầu bị lẫn nước, bị ô xi hóa… Tùy trường hợp cụ thể của dầu thì có phương án cụ thể để lọc", ông Trần Trọng Quảng nói.
Thay vì tình trạng “ngẫu hứng và lơi lỏng” đó, Shell có thể cung cấp giải pháp tối ưu hóa bôi trơn mỡ với Thiết bị bôi trơn tự động giúp cho hệ thống phân phối tự động bơm một lượng nhỏ mỡ trong khoảng thời gian ngắn, giúp đảm bảo luôn có đủ lượng mỡ mới để bôi trơn ổ đỡ.
Yêu cầu giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc khi mà cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm 2026. Bắt đầu từ công tác bảo trì, các nhà sản xuất thép đang bước vào cuộc chạy đua với chính mình!