Mà tem phiếu đối với các cô bán hàng mới là những thứ dễ bề xoay sở. Đôi khi lại chỉ là cái giấy viết tay của một vị chức sắc nào đó là cũng kiếm được một tút thuốc Tam Đảo hay Điện Biên, và chỉ cần hưởng cái đồng chênh lệch giá nho nhỏ ấy thôi, cũng bằng lương của các cô cả tháng. Vậy thì ra ngắm cửa hàng của những chàng trai chưa vợ như tôi cũng là điều dễ hiểu. Tôi cà kê hỏi hết thứ này đến thứ kia để bắt chuyện, và đang gặp ánh mắt quyến rũ kia cười cười, bỗng rẹt một cái, túi quần phía sau nhẹ tênh. Tôi giật mình quay lại, “Cái ví! Tôi kêu lên - Ăn cắp kìa!” Thằng móc túi có cái đầu trụi húi - tôi đoán ra ngay - vì cái bóng nhỏ thó của nó đang dúi dụi lách qua mọi người để chạy ra phía cửa. Tôi vừa rượt đuổi theo nó vừa hét toáng lên. Với sức khoẻ phi thường của một cầu thủ bóng đá nghiệp dư trong đội tuyển của Nhà máy Cơ điện Hồng Hải, chẳng mấy chốc tôi đã túm được thằng ăn cắp lúc nó vừa lọt vào con hẻm. Mọi người xung quanh hô lên ầm ầm: “Đánh chết nó đi!” Nó run như cầy sấy, van vỉ:
- Em có lỗi, anh tha cho em.
Người nó xám ngoét như con gà bị chọc tiết, vừa nói, vừa chìa cho tôi cái ví nó vừa rút trộm. Tôi bợp cho nó một cái rồi túm cổ áo xách dậy:
- Đồ chó, đi theo tao.
Tôi lôi nó xềnh xệch như lôi một mớ giẻ rách. ở đồn công an nó phải khai tên tuổi, quê quán, nơi ở, và những gì đó nữa tôi không quan tâm, còn tôi thì kiêu hãnh nói tên tôi gắn liền với Nhà máy Cơ điện Hồng Hải. Sau khi cảm ơn tôi, anh công an hỏi:
- Trong ví anh có bao nhiêu tiền?
- Khoảng ba mươi ngàn gì đó.
- Cảm phiền, anh đếm giúp cho.
Tôi giở tiền ở trong ví ra đếm lại. Tổng cộng chính xác là hai mươi tám ngàn, tám trăm, tám mươi hai đồng. Thằng ăn cắp lập tức bị tống giam.
*
* *
Sự việc như thế qua đi, khi người ta làm điều tốt ít ai muốn gom lại. Nói đúng ra, tôi có kể qua loa với mấy đứa cùng phòng lúc đang can bản vẽ. Đại để là: “Hôm nay tớ vừa tóm được một thằng ăn cắp, đã tống nó vào đồn”.”Thế à, này các cậu, thằng Đang vừa có một chiến tích”. “Thế thì khao đi !” Cả bọn nhao nhao. Tôi thì chỉ tiếc, giá bắt được nó ở gần bách hoá thì thế nào mấy em nhân viên xinh đẹp kia cũng thán phục.
Rồi biết bao nhiêu công việc bộn bề, chúng tôi lao vào công việc của một nhà máy cơ điện mở rộng. Rồi phấn đấu, rồi yêu đương. Cái vụ việc bắt một thằng ăn cắp vặt đưa vào đồn công an dường như không còn một chút vương vấn gì trong đầu. Bây giờ kể lại tuần tự như thế này, mới thấy mọi việc nó có liên hệ móc xích với nhau, nhưng lúc sự việc xảy ra mà tôi kể dưới đây thì hoàn toàn không nghĩ tới. Phải tới gần một năm sau, lại đúng vào dịp Đại hội Đảng bộ Nhà máy Cơ điện. Tại sao lại rơi đúng vào dịp Đại hội Đảng bộ? Chỉ trước đó có hai ngày thì cái thư ấy đến, lại rơi đúng vào ngày chúng tôi đang khẩn trương chạy thử dây chuyền 2, là công trình chào mừng Đại hội. Nhận được phong thư ấy, tôi lặng lẽ về phòng, khép cửa lại, hồi hộp giở nó ra. Không còn tin vào mắt mình nữa, tại sao lại là giấy triệu tập của Công an quận? Tôi thì liên quan gì tới Công an quận? Nhưng giấy triệu tập ghi đúng tên tôi, đúng địa chỉ phòng kỹ thuật Nhà máy Cơ điện Hồng Hải. Nội dung ghi bằng một giòng chữ viết tháu: “Có mặt tại quận lúc 8 giờ, ngày ... để giải quyết vụ việc có liên quan”. Nói đúng ra, tôi có thoáng nghĩ tới vụ việc bắt thằng ăn cắp vặt đưa tới công an phường, nhưng vội gạt đi ngay, vì nó không liên quan gì tới cái giấy triệu tập này của Công an quận. Vụ việc gì? Tôi nghĩ mãi, giật mình, hay là cái việc ông cậu ở Sài Gòn mới ra. Ông có tới thăm tôi ở Nhà máy hai ngày rồi về quê. ở quê có chuyện đất cát, mồ mả gì đó, cậu tôi đã gây sự với chính quyền xã. Ông là dân di cư hồi năm năm tư, tiểu sử đã không sáng sủa gì, lại còn về xã gây sự thì quá lắm. Chị tôi nhắn người bảo tôi tranh thủ về quê ít ngày, nhưng tôi chưa bố trí được. Nửa tin, nửa ngờ, tôi bàn kín với mấy thằng bạn thân. Chúng cũng lo lắm. Thằng thì bảo quên đi, sau Đại hội hãy làm, thằng thì bảo đằng nào trước sau người ta cũng biết, cứ lên báo cáo với ông Mạch bí thư, khai báo trước mình còn được cái đức thật thà. Mất ngủ một đêm để đấu tranh tư tưởng, sớm hôm sau, tôi quyết định lên báo cáo Bí thư đảng uỷ Nhà máy. Sau khi đọc xong tờ giấy triệu tập của Công an quận, bí thư nhíu đôi mày làm vừng trán ông hằn lên ba đường kẻ ngoằn ngoèo, rồi nói:
- Đồng chí thử nghĩ xem, cá nhân đồng chí có vấn đề gì không?
- Thưa anh - tôi cố kìm giọng - Xin thề với anh, tôi là một đảng uỷ viên hoàn toàn trong sáng.
- Thôi được - Vầng trán ông Mạch dãn ra, cười cười - Cũng không đến nỗi phải như thế, yên tâm đi. Mà này, công việc của cậu là phải lo hoàn thiện cái báo cáo, ngày mai có cả đồng chí Nguyễn Văn Bốn cục trưởng về dự đấy, làm cho tốt vào - Ông đưa trả lại tôi tờ giấy triệu tập - còn cái chuyện này ấy mà, đã đến ngày họ triệu tập đâu, mà có thể đến hôm họ triệu tập tôi cũng ra ngoài quận với cậu làm cho rõ ngọn ngành.
Bí thư nói thế tôi cũng mừng. Mừng vì ông không quan trọng hoá vấn đề, nhưng mà cũng lo lo, chưa rõ, nếu biết cái chuyện ông cậu ở quê, ông sẽ nghĩ tôi là người như thế nào.
Hôm sau, tại đại hội Đảng bộ Nhà máy, tôi đã đọc bản báo cáo dài tám trang với tâm huyết rất thật của mình, vừa nêu được truyền thống quật cường của Nhà máy trong hai cuộc chiến tranh chống Mỹ, trong đó có lớp kỹ sư trẻ chúng tôi, vừa phê phán tính không đồng bộ, chậm chạp, quan liêu của cấp trên với những dẫn chứng thuyết phục. Tôi đề nghị cấp trên giao quyền tự chủ cho Nhà máy, Nhà máy giao khoán cho phân xưởng. Sau đó Bí thư có nói lại, cục trưởng khen cậu lắm đấy, trước khi về Hà Nội, ông ấy còn hỏi : “Cậu ấy tên là gì?” Ai cũng hiểu rằng, sau câu hỏi ấy của Cục trưởng Nguyễn Đình Bốn là tương lai sáng sủa đang ở phía trước tôi. Nhưng Bí thư lắc đầu: “Thật tiếc cho cậu, lại vướng vào cái chuyện ấy - Ông thần người ra một lúc rồi nói tiếp – Có thể cái tin ấy cũng đã bay tới Cục ta rồi”. Cái chuyện ấy xẩy ra ngay trước lúc bầu cử vào cấp uỷ. Ngay lúc chốt lại danh sách cuối cùng trước khi bỏ phiếu thì trưởng ban kiểm tra tư cách đại biểu cầm một tờ giấy mà ai đó đã mới chuyển đến, ông xin phép chủ tịch đoàn được đọc: “Riêng về trườg hợp đồng chí Nguyễn văn Đang, nghe nói có chuyện liên quan đến pháp luật, có đúng không ?”
Vì sự việc quá bất ngờ nên Bí thư Mạch cũng vã mồ hôi, ông lập cập đứng lên rồi giải thích:
- Riêng về chuyện này, tôi đã hỏi đồng chí Đang sau khi có tờ giấy triệu tập của Công an quận, đồng chí Đang đã hứa với tôi, tức là hứa trước Đảng uỷ Nhà máy, cá nhân đồng chí không hề vướng mắc một vấn đề gì. Rất tiếc ta không có thời gian để xác minh tại Công an quận. Đề nghị đồng chí Đang giải thích việc này trước đại hội để chúng ta được rõ.
Cả hội nghị trở nên chộn rộn, chỉ đến lúc tôi đứng dậy mới trở lại im ắng lạ thường. Tuy là người rất tự tin trong công việc, nhưng lúc đó, không hiểu tại sao tôi lại lúng túng thế. Mặt thì đỏ bừng, giọng lại run run, đúng là khi người ta phải giải thích cái mà chính họ cũng không biết thì trở nên lúng túng, lúng túng đến sượng sùng, sượng sùng như một kẻ dối trá. Tôi đứng đần ra một lúc rồi mới nói:
- Nói thật với các anh, đến giờ tôi cũng không biết nó là cái gì nữa.
Cả hội nghị lại ồn ào, có cả tiếng cười diễu ở đâu đó. Mặt tôi nóng ran. Khoá ấy tôi không trúng cấp uỷ. Tức tưởi đầy vơi mà không khóc lên được cho nhẹ bớt. Còn dám nhìn mặt ai bây giờ. Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt được, càng nghĩ càng thấy mình bị oan, cho dù có cái chuyện ông cậu đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì liên quan tới tư cách của mình. Bị oan mà không thanh minh được thì khác gì mình nói dối. Xấu hổ vô cùng, mang tiếng vô cùng. Sau này nghĩ lại, hoá ra đời nó có cái số của nó. Mình bị lỡ mất một nhịp. Là đảng uỷ viên của Nhà máy vào loại lớn nhất thời đó, khi ngành còn non trẻ, lại được cục trưởng để tâm thì có thể được cất nhắc lắm chứ. Thỉnh thoảng, tôi lại giở cái tờ giấy ấy ra đọc đi đọc lại mấy dòng chữ khô khốc: “Có mặt tại quận lúc 8 giờ ngày ... để giải quyết vụ việc có liên quan”. Liên quan cái gì nhỉ? Căng thẳng đến tột cùng. Sớm hôm sau, tôi lại quyết định đến gặp bí thư Mạch, khẩn khoản:
- Anh Mạch ơi , anh phải đi với em ra quận, không thể chờ ngày họ hẹn nữa.
- Nhưng mà ?
- Em xin anh đấy, không thể chờ được nữa đâu.
Chúng tôi đến quận Công an. Anh thường trực lật đi lật lại tờ giấy rồi bảo chúng tôi cứ đúng ngày hẹn hãy đến, không giải quyết lộn xộn như thế này được. Tôi chồm lên bảo chúng tôi đến trước không được à ? Thấy tôi có phần thiếu kiềm chế, Bí thư Mạch nhẹ nhàng trình bầy với anh thường trực xin được gặp quận trưởng. Có lẽ nhờ tài xã giao của Bí thư, nên khi gặp quận trưởng công an, ông rất cởi mở:” ở đây, người được giao vụ việc thì phải giải quyết đến cùng, không nó lại rối như canh hẹ. Các anh cứ ngồi uống nước, tôi sẽ gọi cậu ấy về ngay bây giờ”. Thời gian chờ người về giải quyết công việc chỉ quãng nửa tiếng đồng hồ, nhưng tôi thấy nó dài lê thê, ruột nóng như lửa đốt, làm Bí thư cứ gợi chuyện để giết thời gian. Đến lúc anh công an mời sang phòng bên để giải quyết công việc thì tim tôi đứng lại. Anh ta lục tìm trong đống hồ sơ để trên bàn rồi quét đôi mắt nhìn chúng tôi một lượt:
- Ai là Nguyễn Văn Đang?
- Tôi - tôi run run chìa tờ giấy triệu tập.
- Ngày mười sáu tháng hai anh có tới Công an phường Hồng Bàng?
- Là việc gì? Tôi sốt ruột chồm dậy, khi nhìn thấy cặp mắt hoài nghi của ông Mạch.
- Anh có bắt được một đối tượng trộm cắp, nay hồ sơ đã chuyển về quận
Tôi ật người ra rồi kêu lên một tiếng:
- Trời đất ơi!
Dường như tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Đến lúc này Bí thư Mạch mới tròn mắt ra ngạc nhiên: “Sao cậu không nói?”
- Số tiền anh bị lấy cắp là hai mươi tám ngàn, tám trăm, tám mươi hai đồng, có đúng không?
Hoá ra họ triệu tập tôi đến chỉ làm mỗi một việc, nếu tôi đồng ý theo đơn đề nghị của gia đình cái thằng ôn con ấy, xin được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để họ tự giáo dục, thì tôi ký vào tờ đơn ấy. Nếu tôi không đồng ý thì bắt buộc phải chuyển nó sang cơ quan điều tra.
Sự việc chỉ có thế, trời ơi, sự việc chỉ có thế. Cũng không cần hỏi ý kiến của Bí thư, tôi ký ngay vào tờ đơn tha cho nó.
*
* *
Sự việc như thế tưởng đã đã qua đi, khoá sau tôi lại được bầu vào Ban chấp hành Đảng uỷ của Nhà máy Cơ điện Hồng Hải. Thế chứ, tôi lại là tôi. Tôi hãnh diện vì lại có chân trong cấp uỷ. Chúng tôi lại lao vào công việc, rồi chuyện yêu đương, rồi xây dựng gia đình. Tôi đã lấy vợ. Tuy nhiên, nếu tính kỹ đường đi thì như đã nói ở trên, tôi đã bị lỡ mất một nhịp. Nhưng trong cuộc đời, ai tính được chữ ngờ , và giả như cái vụ việc trên kia không đến với tôi thì biết đâu, tôi lại bị gục ngã ở nấc thang danh vọng. Cuối cùng, chỉ có thể qui về tại số. Tôi đã yên tâm với cái số của mình, cốt sao cho tốt đời, đẹp đạo. Nhưng một hôm, thằng bạn tôi ở tận Ninh Bình gọi điện ra, sau khi chào hỏi đôi lời, giọng nó có phần hệ trọng:
- Hôm nay tớ được nghe nói chuyện về câu chuyện cảnh giác, có một chuyện tớ nghĩ là của cậu. Cậu vẫn yên ổn đấy phải không?
- Chuyện gì?
- Họ nói có một đảng bộ định đưa vào cấp uỷ một phần tử sắp bị công an bắt.
- Rồi sao?
- Vì nó giống chuyện của cậu.
- Bậy nào.
- Là vì cũng trước khi bầu cử, người ta mới phát hiện ra anh chàng này đang có giấy triệu tập của công an.
-Thật là một chuyện đồn thổi thú vị.
Chúng tôi bật cười, cười rõ to trong điện thoại làm mấy thằng cùng phòng tôi lại reo lên:
- Thằng Đang lại có chuyện vui rồi, khao đi.
Lần này đúng là tôi phải khao chúng nó một chập là vì có một chuyện vui như thế kia mà, và giả sử chuyện đó của tôi là có thật thì thử hỏi làm sao mà tôi sống nổi dưới cái bầu trời nhạy cảm này. Chúng tôi lại lao vào công việc bộn bề của một nhà máy thời mở cửa, lại phải tính đến chuyện đầu ra. Sự sống còn của của ngót hai ngàn con người là chất lượng sản phẩm và cái đầu ra. Một hôm tôi lại nhận được một cú điện thoại của thằng bạn tại Cần Thơ:
- Hôm nay tớ được nghe buổi nói chuyện về vai trò của quần chúng. Tớ vẫn là dân chậm tiến mà.
- Chúc mừng - tôi diễu - cứ chậm tiến mà kiếm được ra tiền như cậu thì tớ chúc mừng.
- Tớ được nghe một câu chuyện mà ngẫm ra như là chuyện của cậu.
- Cái gì ?
- Một đảng bộ suýt đưa vào cấp uỷ một thằng sắp bị công an tóm.
- Cái gì ?
- Vậy mà do quần chúng phát hiện ra, chỉ trước giờ bầu cử có nửa tiếng đồng hồ.
Tôi cáu:
- Này, tao nói cho mày biết nhá, tao đang là đảng uỷ viên của Nhà máy, mày hiểu chưa .
*
* *
Năm 1995, tôi được điều động về cơ quan Bộ, tôi đã chuyển hẳn sang công việc của quản lý nhà nước. Suốt ngày bận bịu với công việc soạn thảo thông tư, quyết định. Quả thật đây là những công việc rất cần đến tầm nhìn vĩ mô và những con người đã từng lăn lộn từ cơ sở như tôi. Cái khó tháo gỡ là các văn bản đang chồng chéo. Công việc của Bộ này chồng chéo sang công việc của Bộ khác. Thậm chí các tiêu chuẩn, định mức cũng vênh nhau. Cũng may, chỉ ít lâu sau, tôi đã được đi học lớp quản lý nhà nước. ở Học viện, người ta đã hướng dẫn chúng tôi cách soạn thảo một văn bản pháp luật, cách tháo gỡ văn bản chồng chéo. Hôm giảng cho chúng tôi về việc soạn thảo văn bản pháp luật, thày giáo cũng phải kêu lên vì cái cách làm việc chồng chéo của ta.
... Như thế đấy các anh, các chị ạ. Xã hội là một tổng thể, trong cái tổng thể lại có nhiều mắt xích kết dính với nhau. Không thể ông chằng bà chuộc. Anh này soạn thảo văn bản thì nghiêm cấm, anh kia thì cho phép áp dụng từng phần. Đấy là bộc lộ cái kinh nghiệm thực tế của anh kém. Đến khi sai phạm xảy ra mới mang văn bản ra cãi nhau, báo chí mới đổ xô vào, mới thi vị hoá nó lên, đồn thổi nó lên cứ làm như người soạn thảo văn bản toàn là dân phá hoại. Tai hại là như thế, tốn kém là như thế, thiếu lòng tin là như thế. (Nói đúng quá, nghe cứ sướng cả tai). Tôi xin dẫn ra đây một câu chuyện để các anh, các chị ngẫm mà xem. Hôm bầu vào thành uỷ ở thành phố nọ. Có một trường hợp thành uỷ giới thiệu hẳn hoi. Yên tâm lắm. Nhưng anh ta sắp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngặt cái là không ai biết. Anh công an lại chỉ gửi thông báo cho đương sự. Lẽ ra phải thông báo cho cả cơ quan người ta, cho tổ chức anh ta đang sinh hoạt. Tôi muốn nói là mối quan hệ giữa cơ quan này, tổ chức kia của ta có vấn đề, vấn đề là sự gắn kết. Trong cái riêng nào mà chẳng có cái chung. Kinh điển đấy! Anh ta là một con người, thì đảng viên cũng là một con người. Đã là con người thì cái xấu ai dễ trương ra, ai dễ khai báo, nhất là trước mắt họ có quyền lợi, vào thành uỷ cũng là quyền lợi của sự tín nhiệm, của lòng tin. Còn cái chuyện vi phạm kia, anh ta còn có cơ hội chạy cửa này, cửa khác, may ra còn kiếm được cái văn bản chồng chéo này khác, biết đâu lại huề. Thế là bầu anh ta vào thành uỷ. Cũng may, ngay lúc gút lại danh sách cuối cùng thì mới phát hiện ra. Thử hỏi, nếu anh ta trúng vào thành uỷ, một kẻ sắp ra toà lại trúng vào thành uỷ thì dân người ta nghĩ ra sao về một tổ chức trung kiên này ...
Tôi đang há mồm nghe, bỗng giật mình. Hình như thày đang nói về chuyện của mình, không thể có chuyện của mình ở đây được, nhưng có phần lại giống câu chuyện của mình! Tôi đâm hoang mang.
*
* *
Từ hồi về cơ quan Bộ, tôi có dịp gặp hầu hết những người quen. Quen thân thì tôi đến chơi, còn biết sơ qua thì thằng Huy bạn tôi dẫn đến. Nó là thằng quan hệ rộng, dọc ngang, xuôi ngược chỗ nào cũng biết. Một hôm nó bảo: “Cụ Bốn đang nằm liệt giường, cậu có đến thăm không ?” Tôi ngẩn ra một lúc rồi mới nhớ lại. Ông Nguyễn Văn Bốn là cục trưởng hồi trước, sau lên thứ trưởng. Ông đã về hưu dễ đến ngót hai chục năm nay rồi còn gì. Đã có lần, ông khen tôi khi nghe tôi báo cáo trước Đại hội Đảng bộ Nhà máy Cơ điện. Vậy mà giờ đây đã lên chức cụ rồi. Thời gian trôi đi nhanh quá. Tôi trách Huy không báo sớm cho tôi biết để đến thăm cụ, vì đối với cụ Bốn, tôi ngưỡng mộ và có cả sự hàm ơn nữa.
Hôm đến gặp, thấy cụ nằm liệt giường, người mỏng dính, thương quá. Thấy chúng tôi đến thăm cụ mừng lắm, cứ định ngồi dậy mà không được. Mỗi lần cụ cất đầu định ngồi dậy lại khục khặc ho. Cụ bất lực vì cái tuổi già tàn tạ của mình. Nhưng khi chúng tôi nói đến cái ngành Cơ điện, mắt cụ ánh lên, cụ như được sống lại những năm tháng không thể nào quên được. Chúng tôi nhắc lại các thế hệ lãnh đạo đã qua, cụ vẫn nhớ tên từng người, nhớ đến từng cá tính. Huy chỉ vào tôi giới thiệu:
- Còn đây là cậu Đang, tiến sỹ Nguyễn Văn Đang, trước ở Nhà máy Cơ điện Hồng Hải, giờ cũng được điều về cơ quan Bộ, chuyên gia giỏi đấy bác ạ.
Tôi kể lại những chuyện làm ăn của Nhà máy qua từng thời kỳ, hy vọng cụ sẽ nhớ ra tên tôi. Mắt cụ nheo nheo một lúc rồi cất giọng khào khào:
- Có phải là... cái cậu... đã bị công an... rờ đến đấy phải không?
Tôi thuỗn mặt, bần thần, cụ vẫn nhớ ra tôi, nhưng làm thế nào để tôi có thể giải thích đầu đuôi câu chuyện với con người gần đất xa trời này ?
Chuyện đồn thổi
TCCT
Hôm đó, tôi vừa lĩnh lương cuối kỳ của kỹ sư một, cũng được khoảng ba mươi ngàn gì đó. Có chút xênh xang. Với cái ví căng phồng, giờ nghỉ trưa tôi lang thang ra bách hoá Hồng Bàng, định mua một cái gì