Tóm tắt:
Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, đòi hỏi các quốc gia phải áp dụng những giải pháp quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Trong bối cảnh đó, Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) như một phần quan trọng trong Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal) nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. CBAM tác động lớn đến thương mại toàn cầu, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Bài viết này phân tích cơ chế CBAM từ góc độ pháp lý liên ngành, so sánh với các chính sách định giá carbon tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc, đồng thời đưa ra các gợi ý chính sách cụ thể nhằm giúp Việt Nam thích ứng với CBAM và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại trong bối cảnh quốc tế.
Từ khóa: Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon, định giá carbon, phát thải khí nhà kính, chính sách thương mại, pháp luật môi trường.
1. Tổng quan về cơ chế CBAM và bối cảnh triển khai
Biến đổi khí hậu hiện nay đang là một trong những thách thức lớn nhất nhân loại phải đối mặt, với những tác động sâu sắc lên mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và môi trường. Theo các báo cáo khoa học, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG), chủ yếu từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Những khí nhà kính này đã làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt và bão mạnh.
Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu do phát thải khí nhà kính đã tạo ra những hậu quả nghiêm trọng. Một nghiên cứu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Tổ chức Oliver Wyman (2024) dự đoán biến đổi khí hậu có thể gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế lên đến 12.500 tỷ USD từ nay đến năm 2050[1]. Biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, làm gia tăng nghèo đói, mất an ninh lương thực và đe dọa hòa bình quốc tế. Tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2024, các chuyên gia nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang là nhân tố làm trầm trọng thêm các vấn đề xung đột và mất an ninh lương thực trên toàn cầu[2].
Theo nhiều nghiên cứu khoa học quốc tế, nguồn phát thải khí nhà kính chính đến từ các hoạt động kinh tế và xã hội, bao gồm: (i) Sản xuất năng lượng: Việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt trong sản xuất điện và vận hành công nghiệp đóng góp lớn vào lượng phát thải CO2; (ii) Phá rừng: Hoạt động khai thác rừng quá mức làm giảm khả năng hấp thụ CO2 của hệ sinh thái tự nhiên, khiến khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển; (iii) Chăn nuôi: Quá trình tiêu hóa của gia súc thải ra khí methane (CH4), một loại khí nhà kính mạnh hơn CO2, cùng với các hoạt động canh tác khác tạo ra khí nitrous oxide (N2O); (iv) Công nghiệp và giao thông vận tải: Các quy trình sản xuất công nghiệp và khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn phát thải lớn, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.
Trước các thách thức từ biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng các khung pháp lý và cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp Quốc (COP26), 147 quốc gia, đại diện cho 90% lượng phát thải và GDP toàn cầu, đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào giữa thế kỷ 21[3]. Mục tiêu này nhằm đảm bảo giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã được thỏa thuận trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, nhiều quốc gia đã triển khai cơ chế định giá carbon như một công cụ tài chính hiệu quả. Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc trao đổi hạn ngạch khí thải ("tín chỉ carbon"), theo đó các doanh nghiệp có lượng phát thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp có lượng phát thải cao hơn. Đây là động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững.
Trong các thị trường carbon toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực tiên phong. EU đã triển khai hệ thống giao dịch phát thải (EU ETS) từ năm 2005, hiện chiếm khoảng 45% tổng lượng khí thải của khu vực và 75% thị trường carbon toàn cầu. Nhờ vào cơ chế này, EU đã giảm gần 50% lượng khí thải nhà kính so với năm 2005[4].
Nhằm đáp ứng mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050, EU tiếp tục cải cách toàn diện EU ETS và triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào tháng 10/2023. CBAM nhằm mục đích cân bằng giá carbon giữa hàng hóa nội địa và nhập khẩu, đồng thời ngăn chặn hiện tượng "rò rỉ carbon" - khi các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn để né tránh các quy định nghiêm ngặt về phát thải.
Việt Nam, với vai trò là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 11 vào EU, sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ CBAM. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 30,8 tỷ USD vào năm 2023, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm 29 tỷ USD[5]. Các ngành công nghiệp như thép, nhôm, xi măng và phân bón - vốn có cường độ phát thải cao - đang đối mặt với nguy cơ gia tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh trên thị trường EU.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt trong khung pháp lý và công cụ định giá carbon tại Việt Nam đang trở thành một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một thị trường carbon nội địa hiệu quả, đồng thời cũng chưa áp dụng các cơ chế thuế carbon. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu toàn bộ chi phí liên quan đến CBAM do EU áp đặt, mà không được hưởng bất kỳ khoản khấu trừ hay hỗ trợ nào từ chính sách trong nước. Hệ quả của việc thiếu các biện pháp quản lý carbon rõ ràng là làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành có mức phát thải cao như sản xuất thép, xi măng, hóa chất và năng lượng. Việc phải chi trả các chi phí liên quan đến CBAM không chỉ làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn gây ra nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ đã tuân thủ các tiêu chuẩn carbon tại các quốc gia tiên tiến.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý đầy đủ và triển khai các công cụ định giá carbon, chẳng hạn như thuế carbon hoặc hệ thống giao dịch phát thải nội địa. Song song đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, áp dụng công nghệ sạch và tham gia vào các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để thích ứng với các yêu cầu mới từ EU và các quốc gia khác đang triển khai cơ chế tương tự, từ đó bảo vệ và thúc đẩy vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
2. So sánh pháp luật quốc tế về CBAM
Các quốc gia trên thế giới đang xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG), đồng thời đảm bảo sự công bằng trong thương mại quốc tế. Trong số đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là một mô hình tiên phong và đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng. Bên cạnh EU, các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc cũng đang xây dựng các hệ thống định giá carbon và cơ chế tương tự, với những đặc điểm pháp lý và kinh tế riêng biệt.
2.1. EU: Mô hình tiên phong với CBAM
Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên áp dụng CBAM như một phần trong chiến lược tổng thể nhằm đạt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050. CBAM được triển khai như một công cụ bổ sung cho Hệ thống Giao dịch Khí thải EU (EU ETS), hệ thống định giá carbon lớn nhất thế giới, chiếm hơn 75% giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu. Giá carbon tại EU ETS đã dao động từ 65 đến 100 EUR/tấn CO2 trong giai đoạn 2022 -2024[6] và dự kiến tiếp tục tăng trong tương lai khi EU siết chặt các tiêu chuẩn môi trường.
CBAM được thiết kế nhằm tránh bị coi là một biện pháp bảo hộ thương mại, đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cụ thể, cơ chế này yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu phải mua chứng chỉ CBAM dựa trên lượng phát thải carbon trong quy trình sản xuất hàng hóa. Giá của chứng chỉ này sẽ tương đương với giá carbon tại EU ETS, đảm bảo tính công bằng giữa các nhà sản xuất nội địa và các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) không tránh khỏi những chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia này bày tỏ lo ngại rằng CBAM có thể trở thành một rào cản thương mại mới, làm gia tăng khó khăn cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa như thép, xi măng, hóa chất, cũng như các mặt hàng nông sản - những lĩnh vực có tỷ lệ phát thải cao nhưng thường thiếu các công nghệ giảm phát thải tiên tiến. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang phát triển cũng cho rằng CBAM chưa thực sự phản ánh đầy đủ nguyên tắc "trách nhiệm chung nhưng có phân biệt" (Common but Differentiated Responsibilities - CBDR) trong các hiệp định khí hậu quốc tế. Họ lập luận các nước phát triển, vốn đã phát thải lớn trong quá khứ để đạt được mức độ công nghiệp hóa hiện tại, nên chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hỗ trợ các nước nghèo thông qua các cơ chế tài chính và chuyển giao công nghệ. Việc áp dụng CBAM mà không có các biện pháp hỗ trợ đi kèm có thể làm gia tăng bất công bằng trong hệ thống thương mại và môi trường toàn cầu.
2.2. Hoa Kỳ: Đạo luật Cạnh tranh Sạch
Mặc dù Hoa Kỳ chưa triển khai CBAM chính thức, đã đề xuất Đạo luật Cạnh tranh Sạch (Clean Competition Act)[7] như một bước tiến quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính. Đạo luật này áp dụng thuế carbon đối với 25 ngành công nghiệp có mức phát thải cao, bao gồm thép, xi măng, phân bón, nhiên liệu hóa thạch và hóa dầu. Mức thuế carbon khởi điểm được ấn định ở mức 55 USD/tấn CO2 và sẽ tăng thêm 5% mỗi năm, tạo áp lực tài chính ngày càng lớn lên các doanh nghiệp trong nước và các nhà xuất khẩu quốc tế. Cách tiếp cận này không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ cải thiện công nghệ và giảm phát thải mà còn tác động trực tiếp đến các nhà sản xuất nước ngoài, buộc họ phải nâng cao tiêu chuẩn môi trường nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ. Chính sách này thể hiện sự quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi các tác động tiêu cực của "rò rỉ carbon" - khi các doanh nghiệp chuyển sản xuất ra nước ngoài để tránh các quy định khắt khe về môi trường.
Tuy nhiên, Đạo luật Cạnh tranh Sạch cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Một trong những thách thức lớn là khả năng tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn yêu cầu các chính sách thương mại không được mang tính chất phân biệt đối xử hoặc tạo ra các rào cản phi lý. Ngoài ra, chính sách này có nguy cơ làm bùng phát các mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác xuất khẩu, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và nông sản có mức phát thải cao. Mặc dù vậy, Đạo luật Cạnh tranh Sạch đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược khí hậu của Hoa Kỳ, vừa bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước, vừa đặt nền tảng cho sự hợp tác quốc tế về giảm phát thải carbon.
2.3. Canada: Chính sách CBAM dự kiến
Canada đang trong giai đoạn xây dựng một cơ chế CBAM với mục tiêu kép: giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp nội địa. Chính sách CBAM của Canada được thiết kế để phù hợp với mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050 và tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường[8].
CBAM của Canada dự kiến áp dụng các biện pháp như đánh thuế carbon dựa trên lượng phát thải khí nhà kính của hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không áp dụng cơ chế định giá carbon hoặc có mức giá carbon thấp hơn Canada. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đồng thời hạn chế lợi thế không công bằng từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Chính sách CBAM của Canada cũng được thiết kế để giảm hiện tượng "rò rỉ carbon", khi các doanh nghiệp di chuyển sản xuất ra nước ngoài nhằm tránh các quy định về khí thải. Đồng thời, cơ chế này khuyến khích các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Canada nâng cao tiêu chuẩn môi trường, góp phần vào mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, việc triển khai CBAM đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Các chuyên gia cảnh báo chính sách này có thể dẫn đến các phản ứng tiêu cực từ các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các đối tác này có thể coi CBAM như một rào cản thương mại, làm gia tăng nguy cơ tranh chấp và ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế song phương.
Ngoài ra, việc triển khai CBAM đòi hỏi Canada phải xây dựng một hệ thống giám sát và báo cáo lượng phát thải chặt chẽ, đồng thời đảm bảo rằng các biện pháp đánh thuế không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự thành công của chính sách này sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa các mục tiêu khí hậu và thương mại, cũng như hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Mặc dù còn nhiều thách thức, CBAM của Canada được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một nền kinh tế phát thải thấp và góp phần vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
2.4. Trung Quốc: Thị trường giao dịch khí thải nội địa
Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã triển khai Thị trường Giao dịch Phát thải (ETS)[9] nội địa từ năm 2021 như một phần quan trọng trong chiến lược giảm phát thải và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Hệ thống ETS của Trung Quốc tập trung vào các ngành công nghiệp nặng và sản xuất năng lượng - hai lĩnh vực đóng góp phần lớn vào tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Đây là hệ thống giao dịch phát thải lớn nhất thế giới về quy mô, bao phủ hơn 2.200 doanh nghiệp từ ngành năng lượng và sẽ mở rộng thêm trong tương lai.
Hệ thống ETS của Trung Quốc hoạt động dựa trên nguyên tắc "hạn chế và giao dịch" (cap-and-trade). Theo đó, chính phủ ấn định hạn ngạch phát thải cho từng doanh nghiệp. Những doanh nghiệp phát thải vượt quá hạn ngạch phải mua tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp có lượng phát thải thấp hơn, tạo ra động lực kinh tế để giảm phát thải. Điều này không chỉ giúp kiểm soát lượng khí nhà kính mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và nâng cao hiệu quả năng lượng.
Dù chưa triển khai một cơ chế CBAM tương tự EU hay Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát lượng phát thải trong nước. Điều này không chỉ hỗ trợ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc mà còn giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các cơ chế CBAM quốc tế. Các nỗ lực này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, nơi nhiều ngành công nghiệp xuất khẩu như thép, xi măng và hóa chất có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các rào cản carbon từ các đối tác thương mại lớn như EU và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hệ thống ETS của Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề chính là tính minh bạch và độ tin cậy trong việc báo cáo dữ liệu phát thải, khi nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và hệ thống giám sát còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, việc mở rộng hệ thống ETS sang các lĩnh vực khác như giao thông và nông nghiệp cũng đặt ra yêu cầu cải thiện hạ tầng kỹ thuật và quản lý. Trung Quốc cũng phải tìm cách hạn chế các tác động tiêu cực của các cơ chế CBAM quốc tế đối với ngành xuất khẩu, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này.
3. Gợi mở chính sách cho Việt Nam
Cơ chế CBAM không chỉ đặt ra thách thức, mà còn là động lực để Việt Nam đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế xanh và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ CBAM, Việt Nam cần có các chiến lược và chính sách phù hợp. Phần này sẽ đưa ra các gợi mở chi tiết trên 3 khía cạnh chính: khung pháp lý, năng lực kiểm kê phát thải và hỗ trợ doanh nghiệp.
3.1. Hoàn thiện khung pháp luật về định giá carbon và giảm phát thải khí nhà kính
Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng và vận hành một hệ thống định giá carbon hiệu quả, bao gồm thuế carbon và thị trường giao dịch khí thải. Đây là những công cụ quan trọng không chỉ giúp kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao tính minh bạch trong quá trình sản xuất hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu từ các cơ chế quốc tế như CBAM.
Thứ nhất, xây dựng cơ chế định giá carbon. Một trong những yêu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay là xây dựng và vận hành hệ thống định giá carbon bao gồm thuế carbon và thị trường giao dịch khí thải. Đây là những công cụ quan trọng để kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng tính minh bạch trong quá trình sản xuất hàng hóa. Chính phủ cần nghiên cứu và áp dụng thuế carbon tương tự các quốc gia tiên tiến. Nguồn thu từ thuế carbon có thể được tái đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và cải thiện cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh lộ trình triển khai thị trường carbon nội địa như đã quy định trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Việc này bao gồm xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho giao dịch tín chỉ carbon, vận hành sàn giao dịch thử nghiệm và phát triển các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Thứ hai, bên cạnh việc xây dựng cơ chế định giá carbon, Việt Nam cần tập trung rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo sự đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước thích ứng với các yêu cầu về phát thải toàn cầu mà còn tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững. Đối với Luật Bảo vệ môi trường, cần bổ sung các quy định chi tiết về kiểm kê và giám sát lượng phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo trách nhiệm báo cáo và minh bạch trong dữ liệu phát thải từ các ngành công nghiệp. Đồng thời, Luật này cần đưa ra các lộ trình giảm phát thải cụ thể và thiết lập cơ chế trao đổi tín chỉ carbon nội địa, kết nối với các thị trường quốc tế để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ giao dịch carbon toàn cầu. Về Luật Thuế, việc ban hành các quy định về thuế carbon là cấp thiết, trong đó mức thuế nên được tính dựa trên lượng phát thải và triển khai theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước. Đặc biệt, cần bổ sung cơ chế khấu trừ thuế carbon cho các hàng hóa xuất khẩu đã tuân thủ nghĩa vụ phát thải tại nguồn, tránh tình trạng bị đánh thuế hai lần và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu. Luật Thương mại cần được sửa đổi để tích hợp các cơ chế phòng vệ thương mại, đảm bảo các ngành sản xuất nội địa không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các cơ chế như CBAM. Việc xây dựng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với rào cản thương mại, tăng cường hướng dẫn và nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp với các yêu cầu quốc tế sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam bảo vệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
3.2. Tăng cường năng lực kiểm kê và báo cáo phát thải
Năng lực kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính (GHG) là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ CBAM. Việc xây dựng một hệ thống kiểm kê phát thải hiệu quả không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định quốc tế mà còn góp phần cải thiện năng lực quản lý môi trường ở cấp quốc gia. Chính phủ cần triển khai các biện pháp toàn diện để phát triển hệ thống kiểm kê và giám sát phát thải.
Đầu tiên, việc phát triển hệ thống kiểm kê khí nhà kính cần được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần ban hành các hướng dẫn cụ thể về quy trình đo lường, báo cáo và xác minh lượng phát thải theo các tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phát thải khí nhà kính là cấp bách. Một hệ thống dữ liệu tập trung và dễ truy cập sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn hóa báo cáo, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy trong việc đánh giá lượng phát thải.
Tăng cường năng lực kiểm kê và báo cáo phát thải không chỉ đáp ứng các yêu cầu hiện tại từ CBAM mà còn đặt nền móng cho một nền kinh tế phát thải thấp, bền vững và minh bạch hơn trong tương lai. Đây là cơ hội để Việt Nam cải thiện quản lý môi trường, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
3.3. Đàm phán quốc tế và tận dụng ưu đãi
Trong bối cảnh cơ chế CBAM đang dần trở thành một rào cản thương mại mới trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần chủ động tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương và song phương để đạt được những điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất khẩu. Việc tăng cường đàm phán quốc tế không chỉ giúp giảm thiểu các rủi ro từ CBAM mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam nhận được các ưu đãi đặc thù dành cho quốc gia đang phát triển. Tại các diễn đàn quốc tế như WTO, ASEAN, hoặc các cuộc đối thoại với EU, Việt Nam có thể yêu cầu áp dụng các cơ chế miễn trừ thuế carbon hoặc gia hạn thời gian tuân thủ CBAM cho doanh nghiệp trong nước. Đây là những chính sách ưu đãi phổ biến nhằm hỗ trợ các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế thấp hơn, giúp họ có thời gian và nguồn lực để thích ứng với các yêu cầu mới.
Ngoài ra, việc xây dựng các phương án phòng vệ thương mại là yếu tố quan trọng để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp bị áp thuế carbon không hợp lý. Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai các biện pháp pháp lý phù hợp theo đúng quy định của WTO nhằm đối phó với các trường hợp CBAM được sử dụng như một công cụ bảo hộ thương mại trá hình.
Hơn nữa, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia pháp lý và thương mại có kinh nghiệm trong các vấn đề về phát thải và CBAM để hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề phát sinh. Việc cung cấp thông tin, tư vấn pháp lý và đại diện quyền lợi cho các doanh nghiệp bị áp thuế không hợp lý là một phần thiết yếu trong chiến lược này. Bằng cách chủ động tham gia đàm phán và thiết lập các cơ chế phòng vệ hiệu quả, Việt Nam có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực từ CBAM, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
3.4. Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng
Việc hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với cơ chế CBAM là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro cho các ngành sản xuất xuất khẩu. Chính phủ cần triển khai các chương trình đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy đổi mới công nghệ và khuyến khích hợp tác quốc tế, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có đủ nguồn lực và khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.
Trước hết, nâng cao nhận thức và năng lực nội bộ của doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên. Nhiều doanh nghiệp hiện chưa hiểu rõ về CBAM và các yêu cầu liên quan, điều này có thể gây khó khăn trong việc tuân thủ và tận dụng cơ hội từ cơ chế này. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể tổ chức các chương trình tuyên truyền và đào tạo dưới dạng hội thảo, lớp học trực tuyến hoặc các buổi tư vấn trực tiếp, nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách CBAM hoạt động, các tiêu chuẩn phát thải và các giải pháp giảm thiểu rủi ro. Song song đó, cần cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết về các bước kiểm kê phát thải, lập kế hoạch giảm phát thải và quy trình nộp báo cáo theo yêu cầu của CBAM, đảm bảo doanh nghiệp có thể thực hiện đúng và hiệu quả.
Tiếp theo, để giảm chi phí carbon và tăng cường khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh. Đây là chìa khóa để tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải khí nhà kính. Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc miễn thuế cho các dự án đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong các ngành có mức phát thải cao như thép, xi măng, hóa chất và năng lượng. Ngoài ra, việc xây dựng các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để triển khai các giải pháp tiên tiến, từ đó giảm phát thải và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu từ CBAM.
Cuối cùng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế là một chiến lược không thể thiếu. Doanh nghiệp cần chủ động thiết lập quan hệ đối tác với các công ty và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ hiện đại và chia sẻ các giải pháp giảm phát thải.
3.5. Định hướng dài hạn cho Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa xanh và những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát thải khí nhà kính, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm không chỉ thích ứng với các cơ chế như CBAM, mà còn tận dụng cơ hội để chuyển đổi sang một nền kinh tế phát thải thấp, bền vững và minh bạch.
Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế carbon thấp là mục tiêu cốt lõi. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng và áp dụng các công nghệ sản xuất sạch. Các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và công nghiệp sản xuất pin lưu trữ có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế mới. Chính phủ cần tạo ra các cơ chế hỗ trợ như ưu đãi thuế, quỹ đầu tư xanh và chính sách khuyến khích nghiên cứu, đổi mới công nghệ để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực này.
Thứ hai, tăng cường minh bạch là yếu tố then chốt để đảm bảo sự hiệu quả và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các quy trình liên quan đến CBAM, từ kiểm kê phát thải, báo cáo, đến nộp thuế hoặc giao dịch tín chỉ carbon, cần được thực hiện minh bạch, dễ tiếp cận và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống dữ liệu quốc gia về phát thải khí nhà kính, cung cấp thông tin công khai để doanh nghiệp và cơ quan quản lý có thể dễ dàng tra cứu và đánh giá. Việc minh bạch không chỉ giúp tăng cường niềm tin của doanh nghiệp mà còn giảm thiểu rủi ro bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại do không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.
Những định hướng dài hạn này không chỉ giúp Việt Nam thích ứng hiệu quả với CBAM mà còn tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao vị thế kinh tế và môi trường của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính phủ cần triển khai các chiến lược đồng bộ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng để hiện thực hóa những mục tiêu dài hạn này.
4. Kết luận
Sự ra đời của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và các chính sách tương tự trên toàn cầu thể hiện nỗ lực mạnh mẽ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ sự công bằng trong thương mại quốc tế. EU đã đi đầu với CBAM, tạo chuẩn mực mới, trong khi Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc cũng đang triển khai các chính sách giảm phát thải với những đặc thù riêng. Những cơ chế này không chỉ thúc đẩy trách nhiệm môi trường, mà còn đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam.
Đối với Việt Nam, CBAM tạo áp lực đáng kể lên các ngành xuất khẩu như thép, xi măng, nhôm, khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và yêu cầu khắt khe về phát thải. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp luật về giảm phát thải, xây dựng thị trường carbon nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động tận dụng các cơ hội từ các thỏa thuận quốc tế để đảm bảo sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhìn chung, CBAM không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Việt Nam định vị lại chính sách, bảo vệ lợi ích quốc gia và đồng hành cùng xu thế phát triển kinh tế xanh toàn cầu.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Báo cáo được công bố ngày 16/1 tại Hội nghị Thường niên Lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) thành phố Davos (Thụy Sĩ)
[2] Thanh Tuấn (tháng 2/2024). Việt Nam nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/viet-nam-no-luc-giam-thieu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-va-mat-an-ninh-luong-thuc-152915.
[3] Tăng Thế Cường (2021). Kỳ vọng lớn từ Hội nghị COP26. Truy cập tại: https://nhandan.vn/ky-vong-lon-tu-hoi-nghi-cop26-post676874.html
[4] EU Emissions Trading System (EU ETS) | climate action. European Commission (2023), https://ec.europa.eu/clima/policies/ets_en
[5] An Nhiên (2023). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/eu-la-thi-truong-nhap-khau-lon-thu-5-cua-viet-nam.html
[6] Ian Tiseo (2024). EU-ETS allowance prices in the European Union 2022-2024. Available at: https://www.statista.com/statistics/1322214/carbon-prices-european-union-emission-trading-scheme/
[7] S.3422 - Clean Competition Act. Available at: https://www.congress.gov/bill/118th-congress/senate-bill/3422?s=1&r=13
[8] Exploring Border Carbon Adjustments for Canada. Available at: https://www.canada.ca/en/department-finance/programs/consultations/2021/border-carbon-adjustments/exploring-border-carbon-adjustments-canada.html
[9] Amy Lv and David Stanway (Sept 2024). What's China's carbon market and how does it work? Available at: https://www.reuters.com/sustainability/whats-chinas-carbon-market-how-does-it-work-2024-09-12/
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cổng thông tin điện tử Quốc hội (2023). Việt Nam cần nghiên cứu định giá carbon trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng. Truy cập tại: https://quochoi.vn/pages/tim-kiem.aspx?ItemID=78349
- Thanh Tuấn (tháng 2/2024). Việt Nam nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực. Truy cập tại: https://tuyengiao.vn/viet-nam-no-luc-giam-thieu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-va-mat-an-ninh-luong-thuc-152915.
- An Nhiên (2023). EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/eu-la-thi-truong-nhap-khau-lon-thu-5-cua-viet-nam.html
- Brauch M., Everard F., Klonsky E., & Arnold J. (2022). Event highlights: Carbon border adjustments in the EU, the U.S., and beyond. Columbia Center on Sustainable Investment. Available at: https://ccsi.columbia.edu/content/event-highlights-carbon-border-adjustments-eu-us-and-beyond.
- Canada D. of F. (2023, June 2). Exploring border carbon adjustments for Canada. Available at: https://www.canada.ca/en/department-finance/programs/consultations/2021/border-carbon-adjustments/exploring-border-carbon-adjustments-canada.html.
- Columbia Center on Sustainable Investment. (2022). Event highlights: Carbon border adjustments in the EU, the U.S., and beyond. Available at: https://ccsi.columbia.edu/content/event-highlights-carbon-border-adjustments-eu-us-and-beyond.
- Clean Competition Act 118th Congress (2023-2024). Available at: https://www.congress.gov/bill/118th-congress/senate-bill/3422?s=1&r=13.
- Convery F. J. (2009, March 17). Origins and development of the EU ETS - environmental and Resource Economics, SpringerLink. Available at: https://link.springer.com/article/10.1007/s10640-009-9275-7.
- European Commission (2021). Carbon Border Adjustment Mechanism. Taxation and Customs Union. Available at: https://taxation-customs.ec.europa.eu/carbon-border-adjustment-mechanism_en.
- Available at: https://www.statista.com/statistics/1322214/carbon-prices-european-union-emission-trading-scheme/.
- Weforum (Jan 2024). Quantifying the Impact of Climate Change on Human Health. Available at: https://www.weforum.org/publications/quantifying-the-impact-of-climate-change-on-human-health/.
Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM):
International experiences and policy implications for Vietnam
Master. Nguyen Thi Thao Trang
Lecturer, Institute for Public Policy and Rural Development
Abstract:
Climate change presents an unprecedented challenge to humanity, prompting nations to implement robust measures to mitigate greenhouse gas (GHG) emissions. As part of its European Green Deal, the European Union (EU) introduced the Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) to achieve carbon neutrality by 2050. CBAM is poised to reshape global trade dynamics, with significant implications for developing nations like Vietnam. This study examines CBAM through an interdisciplinary legal lens, comparing it with carbon pricing policies in the United States, Canada, and China. The analysis offers targeted policy recommendations to help Vietnam adapt to CBAM, bolster its trade resilience, and enhance its competitiveness in the global market.
Keywords: Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM), carbon pricing, greenhouse gas emissions, trade policy, environmental law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]