Củng cố về chất lượng và đa dạng sản phẩm để chinh phục thị trường 

Thời gian qua, thủy sản đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Ai Cập. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập, ông Đặng Ngọc Quang cho biết, 3 năm trở lại đây, Thủy sản luôn chiếm 1/3 tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Nếu doanh nghiệp đầu tư lớn cho chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm sẽ nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu vào sứ sở Kim tự tháp. 

Từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng của mặt hàng thủy sản Việt Nam trong kim ngạch XK của Việt Nam vào thị trường Ai Cập luôn đạt mức trên 20%, trong đó năm 2008 và năm 2009 có tỷ trọng chiếm tương đối lớn đạt đến 37%. 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch XK của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Ai Cập đạt 92,3 triệu USD. Trong đó tính riêng mặt hàng thủy sản đã chiếm đến gần 26 triệu USD, chiếm 28% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Ai Cập. 

Chủ động khai thác tiềm năng thị trường
Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thủy sản tại Ai Cập rất lớn. Ngoài dân số khá đông, 82 triệu người thì còn một nguyên do nữa là người dân nơi đây theo đạo hồi giáo là chính, cho nên kiêng thịt heo. Bởi vậy, họ rất chuộng các mặt hàng thủy sản. Nhưng do thiếu thông tin nên chỉ từ năm 2005 đến nay, người dân Ai Cập mới biết đến mặt hàng hải sản của Việt Nam, sau sự kiện xúc tiến thương mại cho hàng thủy sản tại các nước Ả Rập bằng một cuộc hội thảo tổ chức vào tháng 8/2005.Từ đó đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam mới có chỗ đứng trên thị trường Ai Cập. Không những vậy, kể từ năm 2008, Ai Cập còn trở thành nước nhập khẩu thủy sản Việt nam nhiều nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi. 

Như vậy, có thể nói rằng, các DN Việt Nam đang thực hiện đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản vào thị trường này. Hải sản của Việt Nam đang có mặt ở thị trường Ai Cập gồm: các loại cá ngừ, các loại tôm từ tôm thẻ đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, ngoài ra còn có mực, bạch tuộc, ghẹ, nghêu. Bên cạnh các Basa chiếm tỷ trọng lớn, mặt hàng tôm Việt Nam tăng đáng kể từ 11% ( năm 2008) lên 31% ( năm 2010). Các loại hải sản khác cũng được tăng số lượng và mặt hàng bán tại thị trường này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, mặc dù hàng hải sản Việt Nam tại thị trường Ai Cập đã bước đầu đa dạng về chủng loại, nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. 

Nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm của Ai Cập vẫn tiếp tục tăng. Nước này đang nằm trong nhóm top ten về nhập khẩu thực phẩm. Mỗi năm, họ phải bỏ ra từ 10- 15 tỷ USD để mua thực phẩm từ bên ngoài về tiêu thụ. Chỉ riêng thủy sản, mỗi năm, thị trường này cần đến hàng trăm tấn. Sản lượng Việt Nam xuất vào đây mới chỉ dừng lại ở mức 30.000 tấn/ năm. Do vậy, đây là thị trường có khả năng khai thác lâu dài và số lượng lớn, và của nhiều chủng loại khác nhau. 

Trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất vào Ai Cập, các sản phẩm cá basa chiếm chủ lực, với 87% trị giá XK của hàng thủy sản. Riêng 6 tháng đầu năm 2010 tỉ lệ cá basa có phần sụt giảm do người tiêu dung nơi này lo ngại về tin đồn thất thiệt không có lợi cho mặt hàng basa Việt Nam hồi năm 2009, nên tỉ lệ giảm xuống chỉ còn 65%. 

Xây dựng hình ảnh để giữ thị phần cá basa
Hiện đang có 50 nhà XK thủy sản Việt Nam vào thị trường Ai Cập, và số lượng nhà nhập khẩu ở nước này cũng tương ứng với con số trên.Theo Tham tán Đặng Ngọc Quang, hiện những công ty nhập khẩu Ai Cập đang bị sụt giảm về doanh số bán hàng mặt hàng cá Basa, bởi nguồn hàng được mua từ nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau nên chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều, người tiêu dùng đương nhiên sẽ lựa chọn những sản phẩm chất lượng, từ đấy dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau. Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá của mặt hàng basa sụt giảm trong thời gian qua. 

Để khắc phục tình trạng sụt giảm thị phần về mặt hàng basa, doanh nghiệp cần sự đa dạng sản phẩm ngay trong cùng một mặt hàng về quy cách, phương thức chế biến, bao bì, và cung cấp những mức giá khác nhau theo từng chất lượng sản phẩm, rồi nghiên cứu mặt hàng mới theo thị hiếu người tiêu dùng.
Tham tán Quang cho biết thêm, các nhà nhập khẩu mặt hàng basa tại Ai Cập không tin là sản phẩm các basa của Việt Nam có giá cả hợp lý, đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng nước họ nên đã chiếm thị phần tương đối khá trên thị trường. Cho nên, theo các nhà nhập khẩu, Việt Nam cần thực hiện một chiến lược quảng bá hình ảnh về cá basa Việt Nam, trong cách nuôi trồng, chế biến, nhằm tạo niềm tin với người tiêu dùng Ai Cập. 

Đồng thời, các nhà chế biến cần nâng cao về sản lượng những mặt hàng basa có chất lượng trên thị trường. Qua đấy, giúp củng cố về uy tín và khôi phục giá bán. Cùng với nhu cầu nhập khẩu thực phẩm lớn của thị trường, và thủy sản Việt Nam chiếm được vị trí khá tốt trên thị trường Ai Cập. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần củng cố về chất lượng sản phẩm, tranh thủ xúc tiến thị trường để mở rộng hơn thị phần kinh doanh tại Ai Cập.

  • Tags: