Có lẽ, người ta đã dựa vào màu lam đặc trưng của thứ đặc sản để đặt tên cho món ăn. ở các vùng dân tộc thiểu số, những bậc già làng Bana Kriêm cho rằng, mùa “ninh nơng” là mùa cơm Lam, thường được tổ chức vào độ tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm. Lúc này, cơm Lam mới có mùi thơm đặc trưng của nó. Người miền núi thường dùng món cơm Lam để đi làm rẫy, hoặc thết đãi bạn bè nhân dịp lễ tết truyền thống...
Vào tháng 9, lúa trải vàng khắp nương rẫy, thân cây tre rừng cũng chuyển sang màu ngà. ống tre được sử dụng để Lam cơm phải là cây tre cái, không mỏng, không dày. Khi lắc thấy trong ống còn nước là có thể đem về nấu cơm. Nếu tre non quá, khi lam cơm dễ nứt vỡ, nhưng tre quá già thì sẽ không còn lớp màng lụa mỏng, cơm sẽ thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. ống tre đúng độ tuổi mới có nước ngọt đọng trong thành ống. Khi nấu sẽ tạo ra hương thơm riêng biệt độc đáo của núi rừng.
Để lam cơm, không chỉ tuyển chọn ống tre, mà các cô sơn nữ còn phải tự tay chọn loại gạo nếp dẻo thơm vừa thu hoạch từ rẫy về. Gạo nếp đem vo xong, ngâm nước chừng hơn 2 giờ, sau đó vớt ra, cho vài hạt muối, rồi dồn gạo vào ống tre đang có sắn nước tự nhiên, đổ thêm cho nước xăm xắp gạo, nút đậy bằng lá chuối khô buộc lại. Sau đó, dựng các ống tre xung quanh đống lửa. Khoảng mười lăm phút thì cơm sôi, bắt đầu giảm lửa, dùng chiếc đũa nhọn châm ở miệng ống nhằm tránh nứt vỡ và trào cơm ra ngoài. Sau đó tiếp tục đảo ống vài lần, để thêm một thời gian cho cơm chín hẳn, vỏ tre nguội dần, dùng dao tước vỏ cháy đen bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn, đem bóc vỏ còn lại, bẻ lõi cơm thành từng khoanh và mời nhau thưởng thức. Thỏi cơm được phủ bằng lớp màng mỏng trắng mịn từ thành ống tre. Cơm Lam ăn với muối vừng, thịt khô là đúng điệu. Cách nấu cơm Lam không quá khó, hương vị cơm Lam cũng chân chất như đức tính thật thà của đồng bào miền núi Nam Trung Bộ./.