Con đường của sáng tạo

Ấn tượng của tôi về một người công nhân đất mỏ cao lớn, vạm vỡ, có hàm râu quai nón dữ tợn, song nụ cười lại hiền lành và đôi mắt sáng, nhanh nhẹn, mang cái tên giản dị như chính con người anh, thật đ

Từ ý kiến hay trở thành sáng kiến

Cuộc sống hiện đại của con người ngày càng phức tạp, mà trong đó mỗi sáng kiến trong mỗi lĩnh vực đều được giữ gìn tới mức hơi bất thường bằng cách quàng vào cho chúng những cái “ách” nghe qua thì có vẻ ngọt ngào: đăng ký bảo hộ bản quyền. Tất cả những điều đó sẽ trở nên không mấy ý nghĩa nữa khi đến đây, đến với vùng đất mà nếu nhìn từ trên cao xuống, màu đen của than luôn chiếm nhiều hơn các sắc màu khác, vùng đất mà sáng kiến có thể ra đời từ mỗi ngày bình thường, bởi những con người làm công việc lao động bình thường nhằm mục đích giảm bớt tổn hao, vất vả, nguy hiểm và rủi ro cho mọi người thợ mỏ. Với họ, khái niệm bản quyền trong lao động sáng tạo, hay nói một cách rõ ràng hơn là độc quyền trong sử dụng sáng kiến chẳng có mấy ý nghĩa và họ vừa cười, vừa lắc đầu khi tôi đặt câu hỏi “Các anh không bất bình khi các công ty than khác bắt chước sử dụng những sáng kiến của Công ty mình à?”. Và thường thì có rất nhiều sáng tạo nhưng chỉ có một nguyên nhân ra đời: do lao động mà thôi. Những sáng kiến của anh công nhân Phạm Như Nhanh ra đời cũng không nằm ngoài nguyên nhân đó.

12 bằng khen cấp Tổng công ty và Bộ Công nghiệp, gần 10 bằng khen cấp Phân xưởng, tổng cộng tất cả hơn 20 bằng khen tương đương với bấy nhiêu sáng kiến lớn nhỏ trong hai mươi năm gắn bó với nghề, anh em trong Công ty Than Vàng Danh vẫn đùa “ông Nhanh là đại lý sáng kiến” để chỉ sự phi thường trong khối óc người công nhân có vẻ ngoài hết sức bình thường ấy. Anh Nhanh hồ hởi kể về sáng kiến đầu tiên của mình có tên “Tách bóc than cám xuất khẩu” được Công ty đánh giá là sáng kiến lớn, làm lợi cho Công ty 120 triệu đồng, và cũng là sáng kiến để lại cho anh nhiều ấn tượng khó quên nhất. Năm 1997, hàng ngày, anh phải trực tiếp tham gia vào chu trình sản xuất sàng tuyển than. Nhận thấy một sự thiếu khoa học, thừa thao tác trong chu trình tách bóc than cám 3, anh đã quyết định thử nghiệm cho thêm một chiếc máng mà toàn bộ dây chuyền không thay đổi trong khi lại tiết kiệm được thời gian cũng như dầu mỡ. Nhưng cũng phải đến tận 3 năm sau, sáng kiến của anh mới được Công ty công nhận và đem vào áp dụng. 3 năm đó cũng chính là quãng thời gian anh không ngừng tìm cách chứng minh cho lãnh đạo thấy rõ tính ưu việt của sáng kiến của mình. “Cái khó nhất của những người công nhân chúng tôi trong việc trình bày và chứng minh tính đúng đắn trong sáng kiến của mình, đó là chúng tôi không được học hành một cách bài bản, nên khó có thể trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc với những luận chứng mang tính khoa học. Nhiều lúc, tôi thấy bực vô cùng vì cảm thấy mình bất lực. Rõ ràng mình đã làm thử và đã thành công, hiệu quả lao động trước và sau khi áp dụng sáng kiến rất rõ ràng, vậy mà không làm cách nào giải thích cho thông, cho dễ hiểu. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua là mỗi ngày, mỗi giờ Công ty phải tốn tiền cho những công đoạn thừa ấy”- anh Nhanh tâm sự. Tuy nhiên, ngay cả lúc buồn bực nhất thì người công nhân đầy tâm huyết ấy chưa bao giờ nản chí. Anh cố gắng thuyết phục ban lãnh đạo Công ty bằng mọi cách, mục đích cuối cùng của anh là: chỉ cần các đồng chí lãnh đạo chịu khó ngồi nghe anh trình bày từ đầu đến cuối và chấp nhận để anh có cơ hội chứng minh bằng thực tế. “Luận án” của anh thành công hay không, anh cũng không biết, chỉ thấy là sau buổi sáng đó, ý kiến của anh đã được kiểm nghiệm thực tế và được công nhận trở thành sáng kiến. Chặng đường gian nan ấy cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại anh Nhanh vẫn cảm thấy tự hào, bởi nó thêm một lần nữa khẳng định một chân lý: lao động là sáng tạo- những sáng kiến bao giờ cũng nảy sinh từ cuộc sống lao động. Anh đã không hề giấu giếm: “Làm quản đốc phân xưởng, tôi phải quan tâm, sâu sát với công việc, những ý kiến hay của công nhân tôi đều ghi chép và nghiên cứu. Có những ý kiến hay trở thành sáng kiến, có những việc khó trong quá trình giải quyết nảy sinh cách làm hay và phát triển. Đó chính là con đường hình thành của sáng kiến”

Tiếp nối những sáng kiến

Số tiền Công ty thưởng cho anh Nhanh vì sáng kiến “Tách bóc than cám xuất khẩu” là 21 triệu. Cầm trên tay số tiền lớn, và lại là số tiền có được từ chính suy nghĩ, tìm tòi của mình, Nhanh cảm thấy vui vô hạn. Phần này để đóng góp cho Công ty, phần này để giành cho anh em công nhân cùng phân xưởng, à, còn quà biếu các bạn cộng sự đã cùng anh trong suốt chặng đường 3 năm qua. Không thể thiếu một buổi liên hoan thật to giữa các anh em công nhân đất mỏ cùng chia vui với nhau… Những “kế hoạch” cứ lan man trong đầu anh. Cuối cùng, anh công nhân Phạm Như Nhanh không quên sắm một bộ sa lông cho gia đình mình, đánh dấu kỷ niệm ấm áp, đáng tự hào về một sáng kiến nhỏ bé đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Công ty.

Nếu như thói quen “mỗi khi được Công ty thưởng một khoản tiền cho một sự cố gắng nào đó, tôi đều để ra một ít để mua một món quà kỷ niệm dù lớn dù nhỏ” của anh vẫn còn được duy trì cho đến hôm nay, thì có lẽ, trong tổ ấm bé nhỏ của mình, những món quà mang tên kỷ niệm sẽ không còn chỗ mà bày. Tôi muốn nhắc tới hơn 20 sáng kiến sau này cứ lần lượt nối đuôi nhau “chui” ra từ “hệ quả của đôi bàn tay- khối óc” người thợ mỏ thông minh, nhiều sáng tạo ấy. Tất cả, hoàn toàn không phải là những sáng kiến “đội đá vá giời” to tát, mà chỉ là những “Cải tiến lắp đặt băng tải số 110 nhà máy tuyển”, “Đề xuất”… rất đơn giản, song vô cùng hữu ích và đặc biệt là không ai nghĩ ra. Khi chưa có sáng kiến, băng 108, băng 110 làm nhiệm vụ tải than cám từ lưới dưới sàng 54 đổ xuống băng 245. Sáng kiến đề nghị thay hai băng tải trên bằng một băng tải số 110 kéo dài lắp đặt tại tầng 4 khi tuyển. Sáng kiến đã tiết kiệm được 02 lao động, 01 động cơ, 01 bộ chuyển động, một lần vận chuyển tiết kiệm được 8 mét băng B800. Tổng cộng, sáng kiến làm lợi được hơn 43 triệu đồng/năm. Hay là sáng kiến Thiết kế lắp đặt tuyến nhận than 2B tuyển than. Trong những năm gần đây, sản lượng than nguyên khai tăng liên tục, vượt công suất thiết kế ban đầu của nhà máy tuyển của Công ty. Vấn đề đặt ra là phải mở rộng sản xuất, tăng năng lực giải phóng gòong trên đường sắt 900mm. Công trình của nhóm tác giả trong đó anh Phạm Như Nhanh làm trưởng nhóm đã đề xuất thiết kế lắp tuyến 2B để tăng năng lực nhận than, giải phóng sân ga vận tải lò lên gấp đôi (năm 2001). Sau khi đưa tuyến 2B vào hoạt động, việc sàng phân loại than cám tốt đã hoàn toàn chủ động trong sản xuất, làm cho việc giải phóng goòng nhanh hơn trước và chủ động sàng than cám tốt. Anh Nhanh đã được đồng nghiệp vui tính trìu mến phong tặng danh hiệu “đại lý sáng kiến” vì sức làm việc và khả năng phân tích, nhận biết vô cùng dồi dào đó.

Tôi muốn kết thúc bài viết về tấm gương không ngừng lao động sáng tạo của anh công nhân Phạm Như Nhanh- Công ty Than Vàng Danh bằng việc trở lại với vấn đề đăng ký bảo hộ bản quyền ở khía cạnh độc quyền sử dụng. Có thể sẽ là khập khiễng khi so sánh tầm quan trọng của sáng kiến này với sáng kiến khác, mức độ ứng dụng của sáng kiến này với sáng kiến khác, nhưng nếu đã một lần đến với Công ty Than Vàng Danh, tiếp xúc một lần với những con người say mê lao động sáng tạo vì lợi ích của cộng đồng như anh Phạm Như Nhanh, hiểu về công việc nặng nhọc và nhiều rủi ro của những người thợ mỏ, thì chắc chắn, không ai có thể đánh giá thấp vai trò của bất kỳ một sáng kiến nào của những con người nơi đây, bởi dù lớn hay nhỏ, mỗi sáng kiến đều kết tinh từ màu đen của than và màu xám của trí tuệ.

  • Tags: