Các lĩnh vực được bình chọn gồm:
Cơ chế chính sách; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học ứng dụng; tôn vinh nhà khoa học; hội nhập quốc tế.
Đây là năm thứ 18 sự kiện bình chọn trên được Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức.
Sau đây là 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2023:
Sự kiện thứ nhất, ở lĩnh vực cơ chế chính sách là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 45-/NQTW "về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".
Sự kiện thứ hai là việc chính thức bàn giao quyền quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là dự án quan trọng được Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện và quản lý nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Đây là Khu Công nghệ cao đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ thành lập từ năm 1998.
Sự kiện thứ ba thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của khu vực Đông Nam Á với chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại nổi tiếng trên thế giới. Hệ thống hiện có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ bao gồm Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia.
Sự kiện thứ tư về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là việc phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Cuối tháng 11/2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam) đã công bố "Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ". Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê Sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Sự kiện thứ 5 ở lĩnh vực khoa học ứng dụng. Đó là việc làm chủ công nghệ sơn phản xạ nhiệt dùng vật liệu nano tự sản xuất trong nước. Tiếp thu và kế thừa những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng, trong năm 2023, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phát triển thành công công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời.
Sự kiện thứ 6 là các ca ghép tạng giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về ghép tạng ở châu Á.
Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận. Một ca ghép thành công khác, ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt, khi "quả tim" của người hiến từ Thành phố Hồ Chí Minh ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.
Sự kiện thứ 7 là việc phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Theo đó, công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021. Trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến tháng 9/2023, VKIST đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Sự kiện thứ 8, Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới.
Tháng 11/2023, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech, thuộc Tập đoàn Viettel) công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm. Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực.
Sự kiện thứ 9 vinh danh 5 nhà khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023. Website Research.com- Cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới, đã công bố xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới 2023. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người nước ngoài, gồm: GS, TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TS Thái Hoàng Chiến (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, xếp hạng 762) và TS Hoàng Nhật Đức (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Sự kiện thứ 10 với việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Ngày 28/10, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia có các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.