Công đoàn Công Thương: Bảy trọng tâm thúc đẩy chương trình “1 triệu sáng kiến”

Với hơn 112.586 sáng kiến được cập nhật lên cổng thông tin trực tuyến của Chương trình 1 triệu sáng kiến, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số các công đoàn ngành có nhiều sáng kiến nhất của Chương trình.

Trân trọng mọi sáng kiến

Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) phát động từ ngày 01/09/2021 đến ngày 01/09/2023, bao gồm hai giai đoạn, thực sự đã có tác động rất mạnh mẽ đến tất cả người lao động trên dải đất hình chữ S, trong đó có người lao động ngành Công Thương.

Trong thời gian qua, các cán bộ, đoàn viên, người lao động trong Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã tích cực hưởng ứng Chương trình. Tiểu biểu là Công đoàn Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với các đơn vị như Công đoàn Honda và Công đoàn Toyota đã có hàng chục nghìn sáng kiến. Công đoàn Tổng công ty Thép - CTCP đã có hàng chục công trình được gắn biển chào mừng nhân 15 năm ngày thành lập CĐCTVN.

Tính đến ngày 20/11/2022, toàn ngành Công Thương đã có 112.586 sáng kiến được cập nhật lên cổng thông tin trực tuyến của Chương trình, đưa CĐCTVN vươn lên đứng thứ 2 trong số các đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN có số lượng sáng kiến đăng ký lớn.  

Công đoàn Công Thương: Bảy trọng tâm thúc đẩy chương trình “1 triệu sáng kiến”
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam động viên Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam - đơn vị có nhiều sáng kiến hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến

 

Để đạt được kết quả trên, ông Trần Quang Huy - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐCTVN cho biết, kể từ khi Chương trình được phát động, CĐCTVN đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu của Chương trình 1 triệu sáng kiến; đồng thời vận động đoàn viên, người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo ở từng lĩnh vực công tác, ra sức thi đua, nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng từ những công việc cụ thể.

Bên cạnh đó, CĐCTVN đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai Chương trình đến 100% các công đoàn cơ sở; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc Công đoàn cơ sở đăng ký, cập nhật đề tài, sáng kiến để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Các số lượng sáng kiến, các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động chuyên môn cũng thường xuyên được cập nhật trên hệ thống. Các giải pháp quản lý, tổ chức, điều hành mang lại hiệu quả cao trong công tác, giải pháp trong hoạt động công đoàn, mô hình hoạt động hay, cách làm mới, giải pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19… bất kỳ sáng kiến nào đều được trân trọng và hỗ trợ thông qua “Tổ hỗ trợ sáng kiến” đã được xây dựng ở một số đơn vị.

Chương trình 1 triệu sáng kiến đã thực sự khơi dậy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của đội ngũ đoàn viên, người lao động” - ông Trần Quang Huy, Chủ tịch CĐCTVN chia sẻ.

Bảy trọng tâm thúc đẩy chương trình 1 triệu sáng kiến

Trong thời gian tới đây, Công đoàn Công Thương Việt Nam tiếp tục đề nghị các cấp công đoàn trong Ngành tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Xác định Chương trình tiếp tục là hoạt động thi đua cốt lõi, trọng tâm của năm 2023 để chào mừng đại hội công đoàn các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023). Các cấp công đoàn trực thuộc đưa nội dung Chương trình vào chỉ tiêu nhiệm vụ công tác hàng tháng, quý và năm để đánh giá thi đua. 

2. Tiếp tục đẩy mạnh các công tác truyền thông về Chương trình, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, tập trung vào con người và sáng kiến cụ thể, đặc biệt là sáng kiến tiêu biểu của đoàn viên, người lao động trong khu vực doanh nghiệp; hiệu quả, tác động và giá trị làm lợi của sáng kiến, những đóng góp cho sự phát triển của đơn vị trên các lĩnh vực công tác, qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong công nhân, viên chức, người lao động, lan tỏa ý nghĩa tích cực cho toàn xã hội.

Công đoàn Công Thương: Bảy trọng tâm thúc đẩy chương trình “1 triệu sáng kiến”
Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐVN và Công đoàn Công Thương Việt Nam động viên người lao động có sáng kiến hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến

 

3. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp công đoàn, tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế của đơn vị trong thời gian vừa qua, nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn, quyết liệt triển khai Chương trình đảm bảo hoàn thành vượt mức chỉ tiêu hiện nay. Tạo điều kiện về mặt thời gian và có chính sách động viên, khích lệ đối với những cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn, tổng hợp, quản trị phần mềm tại đơn vị. 

4. Các cấp công đoàn tích cực phối hợp với người sử dụng lao động đẩy mạnh Chương trình; quan tâm, thương lượng về chế độ, chính sách động viên về vật chất, tinh thần cho sự nỗ lực, vượt khó, sáng tạo của người lao động; kịp thời phát huy hiệu quả sáng kiến, sáng tạo của đoàn viên, người lao động trong sản xuất, công tác; xây dựng tiêu chí khen thưởng phù hợp với từng cấp công đoàn.

5. Duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình “Tổ hỗ trợ sáng kiến”; kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, CNVCLĐ lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến; cập nhập đầy đủ, trung thực về nội dung, hiệu quả và giá trị làm lợi của sáng kiến (thống nhất kê khai giá trị làm lợi ước tính trong 01 năm). Rà soát, đánh giá cụ thể về giá trị làm lợi của sáng kiến; tổng hợp các sáng kiến có giá trị làm lợi kinh tế lớn, sáng kiến có ý nghĩa xã hội và cộng đồng sâu sắc, có sức ảnh hưởng và lan tỏa cao, rà soát tính hợp lệ và các thủ tục để chuẩn bị công tác khen thưởng khi kết thúc Chương trình.

6. Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ CNVCLĐ cập nhật sáng kiến trên phần mềm trực tuyến; sàng lọc sáng kiến trùng lặp, bổ sung một số tính năng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị, tổng hợp sáng kiến.

7. Tổ chức đánh giá, tổng kết Chương trình tại các cấp công đoàn, biểu dương, khen thưởng, ghi nhận và tôn vinh các cá nhân có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu, nhất là tại công đoàn cơ sở, tạo động lực cho sự cống hiến và phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, đăng ký cập nhật trên cổng trực tuyến từ 7h00, ngày 08/01/2022 và kết thúc trước 24h00 ngày 01/9/2023 (các sáng kiến tính từ ngày 01/09/2021 đến ngày 01/09/2023) nhằm vận động, động viên người lao động phát huy, đề xuất các sáng kiến, cách làm hay để hiến kế giúp cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu quả. Qua đó khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần thi đua lao động của công nhân, viên chức, lao động để có những sáng kiến mang tính ứng dụng và giá trị thiết thực ở đơn vị, địa phương.

Theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến vào lúc 15 giờ 34 phút ngày 3/10/2022 - hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng (332 ngày). Tính đến thời điểm tháng 10/2022, giá trị làm lợi của các sáng kiến tham gia Chương trình ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng.

Hoàng Hồ