Đó là kỳ vọng chung của công đoàn các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương trong Hội nghị “Tổng kết công tác Công đoàn khối trường năm học 2018 - 2019 và Công đoàn tham gia hoạt động kết nối giữa khối trường đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương”.
Hội nghị do Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức tại thành phố Hải Dương, nhằm đánh giá vai trò của công đoàn trong việc tham gia vào hoạt động kết nối giữa khối trường đào tạo và doanh nghiệp.
Giải bài toán nguồn nhân lực
Khai mạc Hội nghị, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết, trong năm học 2018-2019, hoạt động công đoàn các trường đã có nhiều chuyển biến trong việc tích cực, chủ động đổi mới cách thức tổ chức hoạt động công đoàn.
Đáng chú ý, năm học 2018-2019, với cơ chế chính sách được đổi mới nên các ngành nghề và loại hình đào tạo được mở rộng; công tác giáo dục được đổi mới, đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch; công tác bồi dưỡng chuyên môn được chú trọng nên chất lượng giáo dục được nâng cao.
Chính nhờ chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao, năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020, kết quả tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng ngành Công Thương đạt khá cao.
Năm 2019 - 2020, kết quả tuyển sinh ước đạt 69.573 người, hoàn thành 89,3% chỉ tiêu, tăng 102,7% so với năm trước. Trong đó, trình độ đào tạo sau đại học tăng tới 209,6% so với năm học 2018 - 2019. Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các trình độ. So các chỉ tiêu được giao, trình độ đào tạo đại học hoàn thành với mức cao nhất 94%, đạt 20.850 người, ông Trần Quang Huy cho biết.
Song song đó, Chủ tịch CĐCTVN cũng cho rằng, trong năm học 2018-2019, Công đoàn các trường đã phát huy tốt nhiệm vụ tăng cường quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia xây dựng các quy định, quy chế và giám sát việc thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ... Trong đó, trọng tâm là chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chế độ phụ cấp, chế độ lao động, BHXH, BHYT, dạy thêm giờ, chế độ nghỉ hưu, chế độ phụ cấp thâm niên...
Sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và chuyên môn đồng cấp đã tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn đạt kết quả tốt. Các phong trào thi đua cũng thiết thực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa giáo dục, ngày càng đi vào chiều sâu, Chủ tịch CĐCTVN nhấn mạnh.
Làm rõ hơn hiệu quả của công tác phối hợp giữa các trường, doanh nghiệp và khối công đoàn , bà Dương Thị Bích - Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, những năm trước, cũng như nhiều trường cao đẳng khác trên cả nước nói chung và các trường thuộc Bộ Công Thương nói riêng, Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, như: việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thiếu việc làm trầm trọng cho cán bộ viên chức, đời sống cán bộ viên chức vô cùng khó khăn...
Trước thực trạng đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và Công đoàn đã tìm nhiều biện pháp để cải thiện tình hình, trong đó có giải pháp phát huy vai trò của công đoàn trong việc đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường.
Từ khi thực hiện chủ trương này, trường đã ký kết biên bản Ghi nhớ hợp tác với cả trăm doanh nghiệp và xúc tiến hợp tác sâu với hàng chục doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định, bà Dương Thị Bích vui mừng chia sẻ.
Với mục tiêu, trong năm học 2019-2020, ký kết được với 10-20 doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ... nhà trường mong muốn, sau Hội nghị này, CĐCTVN sẽ tiếp tục là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp để các trường có điều kiện được tiếp cận, hợp tác với doanh nghiệp, để các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, làm việc đúng ngành... Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Anh, đại diện Công đoàn Công ty Honda Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, CĐCTVN đã chung sức cùng doanh nghiệp đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động tại Công ty. CĐCTVN đã hỗ trợ, giúp sức, đồng hành cùng Công ty cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho người lao động, duy trì môi trường làm việc hài hòa, an toàn, bình đẳng...
Tuy nhiên, ông Phan Tuấn Anh cho biết, việc tuyển dụng nhân sự vào Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Đó là do sự cạnh tranh của doanh nghiệp khác; là do lượng ứng tuyển không cao, bởi ứng viên có rất nhiều cơ hội, sự lựa chọn tương tự nhưng điều kiện làm việc thuận lợi hơn.
Ngoài ra, ông Phan Tuấn Anh cũng cho biết, đó còn do đặc thù của Công ty, bởi chủ là người nước ngoài, họ có sự khác biệt về truyền thống, văn hóa. Nhất là sự khắt khe trong cường độ lao động, kỷ luật lao động... Thêm vào đó đó, yêu cầu chất lượng ứng viên của Công ty cũng khá cao, đây là rào cản trong việc tuyển dụng nhân sự vào công ty.
Do đó, để công tác tuyển dụng lao động được thuận lợi, đại diện Công đoàn Công ty Honda Việt Nam đề xuất, CĐCTVN cần có nhiều hơn các hoạt động kết nối ứng viên, gia tăng mức độ tuyển dụng thông qua các chương trình kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
“Nhà trường phải nâng cao chất lượng, tay nghề của sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Các bạn sinh viên cũng cần chủ động trau dồi ngoại ngữ, cần có ý thức làm việc tốt, đặc biệt trong môi trường tác phong công nghiệp”, ông Tuấn Anh đề nghị.
Tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp
Ghi nhận đánh giá cao sự gắn kết giữa các trường thuộc ngành Công Thương và doanh nghiệp, ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm học 2018 - 2019, hoạt động công đoàn các trường thuộc ngành Công Thương đã có nhiều chuyển biến trong việc tích cực chủ động phối hợp với Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu.
Các trường đã đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, đáp ứng bước đầu yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và CĐCTVN
Với mục tiêu “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”, năm học 2019 - 2020, các trường thuộc Bộ Công Thương ngoài việc thực hiện tốt mục tiêu chung của ngành giáo dục đặt ra, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, các trường cần nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Chú ý đến công tác hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo để đáp ứng những đòi hỏi cần thiết của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị và yêu cầu các trường thực hiện tự chủ, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng giao nhiệm vụ, yêu cầu các trường tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Ghi nhận những đóng góp của các cấp công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cho đơn vị và doanh nghiệp tại Hội nghị, lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam đã trao tặng các phần thưởng cao quý cho nhiều cá nhân và tập thể trong ngành.