Công đoàn tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI

Bái báo Công đoàn tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI do ThS. Nguyễn Xuân Hùng (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - TS. Phùng Thế Hùng (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong các doanh nghiệp FDI, tổ chức công đoàn thể hiện vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTA), trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA. Vì vậy, Công đoàn cần phải tích cực tham gia, phối hợp với chuyên môn định hướng và tạo điều kiện để người lao động được học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề... Bài viết tập trung vào phân tích thực trạng công đoàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp tăng cường vai trò của công đoàn trong lĩnh vực này.

Từ khóa: công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng tay nghề; kỹ năng nghề nghiệp, người lao động; doanh nghiệp FDI.

1. Đặt vấn đề

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến năm 2023, sau 35 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,  có tất cả 36.881 dự án của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, với số vốn đăng ký xấp xỉ 444,1 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 278,3 tỷ USD, tương đương 62.7% tổng số vốn đã đăng ký. Tuy nhiên, chất lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI chưa đảm bảo đồng bộ, cụ thể. Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%. Tính đến quý I năm 2023, cả nước có khoảng 51,2 triệu lao động, trong đó tỷ lệ lao động trong các ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 35%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28%, dịch vụ chiếm 37%. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, khi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 28%, nhưng chỉ có 10% có trình độ đại học trở lên. Trong đó, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 4,8 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng lực lượng lao động của cả nước, tập trung chủ yếu ở các ngành Sản xuất chế tạo (khoảng 60%), tiếp theo là các ngành Dịch vụ và Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 15% lao động thuộc các doanh nghiệp FDI có trình độ đại học trở lên. Khoảng 50% lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật.

Công đoàn tham gia vào các hoạt động nâng cao chất lượng người lao động trong các doanh nghiệp FDI thể hiện vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp. Bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp FDI nói riêng luôn mong muốn được học tập, nâng cao trình độ, năng lực... để tăng thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, khi chất lượng của người lao động được nâng lên sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh trước các doanh nghiệp khác. Bài viết tập trung phân tích thực trạng công đoàn tham gia, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó đề xuất một số giải pháp tăng cường vai trò của công đoàn tham gia, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Thực trạng công đoàn tham gia, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, chỉ có khoảng 28% lực lượng lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng (có trình độ sơ cấp trở lên) trên toàn quốc. Tại các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động dưới đại học vẫn chiếm hơn 80% và con số này chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ năm 2011 đến nay. Đây là một thách thức lớn khi yêu cầu về kỹ năng ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn.

Theo kết quả Điều tra PCI - FDI 2022 (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đối với các doanh nghiệp FDI) cho thấy có 33,7% doanh nghiệp FDI cho rằng chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động trong năm 2021… chất lượng lao động ở các tỉnh chưa được như các doanh nghiệp mong muốn: có tới 54% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức trung bình. Khoảng 1/3 doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động đáp ứng phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có 9% doanh nghiệp FDI hoàn toàn hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực, giảm so với mức 15% năm 2021. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho người lao động trong các doanh nghiệp FDI rất cần thiết. Việc đào tạo, bồi dưỡng này có vai trò của tổ chức công đoàn. Công đoàn tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động nhằm tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ là điều hết sức cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Điều này đã được thể hiện thông qua các nghị quyết, chương trình và đề án về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp nói chung và trong các doanh nghiệp FDI nói riêng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cụ thể: “Công đoàn với nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp của công nhân viên chức lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”[1]; “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”[2]. “Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động giai đoạn 2020 -2023 và định hướng đến năm 2023”[3].

Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp FDI năm 2024 ở 5 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An và Quảng Ninh cho thấy hơn 90% người lao động trong các doanh nghiệp FDI đều cho rằng “Công đoàn có tổ chức trực tiếp và tham gia các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động” và tổ chức thông qua các hình thức như: đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ chiếm 75%; cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp ngắn hạn chiếm 25%.

Bảng 1. Công đoàn tại doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp

STT

Nội dung

Tỷ lệ %

Đúng

Không đúng

1

Hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp

17

83

2

Vận động người lao động trong doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp

50

50

3

Vận động chủ sử dụng lao động trong doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian và công việc cho những người được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp

 

39

61

4

Tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc giữa các đồng nghiệp trong doanh nghiệp

30

 

70

 

5

Công đoàn tổ chức những lớp đào tạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động

 

29

71

                                                                                  Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả

Qua Bảng 1 cho thấy, có khoảng 50% tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI thực hiện vận động người lao động trong doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; 39% tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian và công việc cho những người được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; 30% tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc giữa người lao động trong doanh nghiệp FDI; 29% tổ chức những khóa, lớp đào tạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động trong doanh nghiệp FDI, 17% hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp... Ngoài ra, 100% tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động khác hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong quá trình tham gia các hoạt động học tập, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp.

 Như vậy, có thể thấy, 100% tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI có tham gia vào các hoạt động nâng cao chất lượng người lao động, nhưng mức độ tham gia vào các hoạt động khác nhau và ở mức khá thấp; chỉ có 50% tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI thực hiện vận động người lao động trong doanh nghiệp hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, còn lại đều ở mức độ dưới 40%.

3. Một số giải pháp tăng cường vai trò của công đoàn tham gia, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Để Công đoàn tăng cường tham gia và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp FDI, cần tập trung vào thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường và đổi mới đa dạng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động tại các doanh nghiệp FDI học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động, nhất là tại các doanh nghiệp FDI về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của tổ chức Công đoàn đặc biệt là về mục đích, ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc đào tạo chuyển đổi nghề, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của người lao động, để người sử dụng lao động quan tâm, tạo điều kiện và người lao động tự nguyện tham gia các chương trình đào tạo, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của bản thân đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp.

Các cơ quan truyền thông của tổ chức công đoàn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên thông tin, đưa tin; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí ngoài hệ thống công đoàn để tuyên truyền chủ trương, định hướng, quy định của Đảng, Nhà nước về đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, ý nghĩa, tác dụng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề đối với cơ hội tìm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tham quan và chia sẻ kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu về đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền cho người lao động tiếp cận thông tin về kinh tế - xã hội, đặc biệt là thông tin về chính sách đào tạo chuyển đổi nghề, lao động, việc làm và về doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn nhằm thúc đẩy và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp FDI.

Tổ chức khảo sát, tham khảo ý kiến của người sử dụng lao động doanh nghiệp FDI về nhu cầu và nội dung đào tạo; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Bởi nội dung đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh việc khảo sát ở mức độ vi mô doanh nghiệp, cũng cần phân tích, đánh giá nhu cầu đào tạo việc làm ở mức độ vĩ mô các ngành của nền kinh tế quốc gia, theo đó nội dung đào tạo tập trung vào đào tạo trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm (làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, khả năng thích ứng nền kinh tế hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, IoT,...).

Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở dạy nghề, đẩy nhanh chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề đảm bảo năng lực chuyên môn; phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề; đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề. Đồng thời, trước tình hình hướng tới tự chủ toàn diện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của công đoàn cần chủ động tích cực phối hợp với phía doanh nghiệp FDI và công đoàn các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề hiệu quả cho người lao động, góp phần đảm bảo chế độ tự chủ của đơn vị.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp FDI.

Nâng cao kỹ năng đối thoại của cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp FDI, chất lượng thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Nắm vững trình độ nghề nghiệp của người lao động, tình hình thực tế của doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động để có cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho người lao động vào nội dung thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để họ chủ động tham gia học tập.

Đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, động viên người lao động rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tự học hỏi, phát huy sáng kiến thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và cải thiện thu nhập người lao động. Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xác định nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và nguyện vọng học tập nâng cao chuyên môn, tay nghề của người lao động; đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động

Thực hiện tốt vai trò, chức năng của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nơi chưa có công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc đề xuất với công đoàn cấp trên trong việc phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất với ủy ban nhân dân cùng cấp, các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tham gia nghiên cứu, góp ý chính sách, tổ chức nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường chức năng tham gia vào việc góp ý, tham vấn, đề xuất các chính sách, quy định pháp luật, trong đó có nội dung liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Việc đứng ở vị trí người lao động, đại diện cho người lao động tham vấn kịp thời các chính sách, quy định sẽ góp phần tăng tính hiệu quả, hữu dụng của các văn bản ban hành.

Tăng cường liên kết, phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai các chính sách của nhà nước về đào tạo nghề cho người lao động, chủ động đề xuất các hình thức, nội dung đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chủ động tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn chủ chốt, cán bộ công đoàn giáo dục các cấp nắm vững chủ trương và các biện pháp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, vừa có thể tham vấn trực tiếp với bên chuyên môn, vừa có kỹ năng trong công tác trực tiếp đào tạo.

Thứ năm, huy động nguồn tài chính cho hoạt động bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động tại các doanh nghiệp FDI.

Hỗ trợ tài chính hoặc có kế hoạch tài chính cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động như:

Sử dụng tài chính của công đoàn hỗ trợ cho công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, đào tạo lại cho người lao động, công tác tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn về lĩnh vực này; bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo và giáo dục nghề của tổ chức công đoàn.

Đánh giá, căn cứ vào tình tài chính của doanh nghiệp, vận động doanh nghiệp trích kinh phí hợp lý để hỗ trợ công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động của doanh nghiệp.

Huy động các nguồn từ xã hội để hỗ trợ cho công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động; thành lập quỹ học bổng dành cho công nhân, lao động, tặng học bổng cho người lao động có thành tích cao trong đào tạo nghề.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Nghị quyết 4b/NQ-BCH ngày 06/01/2005 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

2 Chương trình số 1614/CTr-TLĐ ngày 08/10/2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

3 Đề án số 668/ĐA-TLĐ ngày 07/7/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Đầu tư 2020.

2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2019). Bộ luật Lao động 2019.

3. Tổng cục Thống kê (2024). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (2023). Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam, năm 2022.

5. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2005). Nghị quyết số 4b/NQ-BCH ngày 06/01/2005 về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới.  

6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2013). Chương trình số 1614/CTr-TLĐ ngày 08/10/2013 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn.

7. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2020). Đề án số 668/ĐA-TLĐ ngày 07/7/2020 về việc Công đoàn tham gia đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

The participation of trade unions in training and fostering qualifications and professional skills of workers in FDI enterprises

Master. Nguyen Xuan Hung1

Ph.D Phung The Hung2

1Vietnam General Conferderation of Labor

2Trade Union University

Abstract:

In foreign-invested enterprises, trade unions’ activities aim to improve the quality of workers and protect the legal and legitimate rights and interests of union members and workers, especially when Vietnam has joined new-generation free trade agreements (FTAs), notably the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) and the EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA). Therefore, it is important for trade unions to actively participate and coordinate with professionals to orient and create conditions for workers to study, improve their qualifications and professional skills, etc. This study analyzed the current participation of trade unions in training and fostering qualifications, skills, and abilities of workers in FDI enterprises. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to strengthen the role of trade unions in these activities. 

Keywords: union, training and fostering skills, professional skills, employees, FDI enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]

Tạp chí Công Thương