Việc ký kết và thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thời gian qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên khoảng 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD vào năm 2000, lên trên 56 tỷ USD vào năm 2019.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD vào năm 2000, lên 41 tỷ USD vào năm 2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% (giai đoạn 2019 - 2013); từ 4,75% đến 5,3% (giai đoạn 2024 - 2033). EVFTA sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra hàng loạt thách thức.
Đón đầu 4 cơ hội mới
Cơ hội miễn thuế
Đối với doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng DNNVV Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế (hiện nay là 42% dòng thuế), tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Luỹ kế đến 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ), với thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau lộ trình ngắn. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận, đây sẽ là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá cả hàng hóa xuất khẩu khi so sánh với giá của các quốc gia trong khu vực, xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường EU.
Cơ hội thu hút thêm đầu tư từ các thành viên nước EU
Nền kinh tế của Việt Nam có điều kiện và các cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định về bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào thực thi. Các doanh nghiệp nước ngoài từ các nước EU, theo các cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam, sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư tại Việt Nam, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam khi hợp tác, làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh dịch Covid - 19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, EVFTA có tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc miễn giảm các loại thuế XNK từ Hiệp định EVFTA mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, khi giá thành các sản phẩm giảm xuống, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN
Các nước ASEAN đang chạy đua quyết liệt để tìm chỗ đứng tại thị trường châu Âu, nhưng cho đến nay mới chỉ có Singapore và Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với khối kinh tế này.
Cả 2 nước đều xuất khẩu những mặt hàng khác nhau qua châu Âu, nên lợi thế dành cho Việt Nam là rất lớn. Trong một thập niên tới, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp trong khu vực vì được tiếp cận sớm với các ưu đãi thương mại.
Đối mặt với nhiều thách thức ngay tại “sân nhà”
Thị trường EU là thị trường rất lớn với 27 quốc gia với dân số khoảng hơn 450 triệu người, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, đây là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Chính vì vậy đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức về rào cản kỹ thuật
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Sức ép cạnh tranh với hàng hoá của EU
Khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh rất cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà.
Thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại
Theo các chuyên gia thương mại, khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp, các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ sản xuất nội địa và EU cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí EU là một thị trường thường xuyên sử dụng các công cụ này, đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động
Khi nền kinh tế mở cửa theo các cam kết EVFTA, các quá trình dịch chuyển sản xuất bắt đầu hình thành và làn sóng các nhà đầu tư từ EU sẽ tràn vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn lao động trong các ngành, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ trong các ngành nghề.
Doanh nghiệp thiếu thông tin, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hoá sang EU
DNNVV rất mong muốn được thử sức với một thị trường mới, nhưng lại không chủ động cập nhật thông tin, kiến thức về các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và nhu cầu tiêu thụ của nước sở tại.
Nguyên nhân bởi trình độ ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn của cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động còn hạn chế, nên nhiều khi còn ngại ngùng vì biết chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian để tìm hiểu những thông tin trên.
Thách thức về nguồn vốn dành cho sản xuất, kinh doanh
DNNVV chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đến trên 70%. Bước vào hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở, vì nguồn vốn của họ không nhiều, trong khi các điều kiện về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa... của EVFTA là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn.