Năng suất - con đường duy nhất
Năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được thành lập. Lúc bấy giờ, vấn đề nan giải nhất đối với TKV là các mỏ có mức độ cơ giới hóa thấp, khai thác từ lò chợ cơ giới hóa chỉ chiếm 3%, khấu than bằng khoan nổ mìn, xúc bốc thủ công chiếm 97%sản lượng than hầm lò.
Chi phí lớn, năng suất lao động thấp, điều kiện làm việc của thợ mỏ nặng nhọc, chưa bảo đảm an toàn lao động, khiến số lượng thợ mỏ bỏ việc có xu hướng tăng cao, trái ngược với phương châm phát triển bền vững của TKV là “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”.
Trong thời điểm khó khăn đó, đó, những người làm công tác khoa học công nghệ Bộ Công Thương và TKV đã ngồi lại với nhau, cùng nhau đi khảo sát các đơn vị sản xuất. Những chuyến khảo sát cho thấy những vấn đề ngành than đang phải đối mặt hết sức cấp bách: các mỏ lộ thiên dần cạn kiệt, việc khai thác chủ yếu là hầm lò, nhiều lò đã xuống âm 50, âm 300… Mà càng khai thác xuống sâu, công tác đi lại, vận chuyển vật tư, than, đất đá… khó khăn, chi phí sản xuất lớn. Suất đầu tư năm 2000 khoảng gần 50 USD/tấn, đến 2005-2007 tăng lên 100-120 USD/tấn công suất mỏ hầm lò, hệ số bóc đất cũng tăng 3,1 lần, cung độ vận chuyển đất tăng 3,5 - 4 lần.
Những chuyến khảo sát đã đưa ra kết luận, TKV chỉ có một con đường tăng năng suất lao động bằng hiện đại hóa công nghệ sản xuất; và kết quả cụ thể là xây dựng được “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” thuộc Đề án “Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, Chương trình đã giao cho các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 61 đề tài và 8 dự án sản xuất tài nguyên với kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn NSSN trên 183 tỷ đồng và kinh phí huy động từ các nguồn khác gần 200 tỷ đồng.
Mũi nhọn hầm lò
Các dự án, đề tài đã đưa ra các giải pháp nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ các mỏ trong 5 lĩnh vực: khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường. Trong đó, cơ giới hóa khai thác và đào chống lò ở các mỏ hầm lò đóng vai trò quan trọng.
Đề tài “Nghiên cứu nâng cao mức độ cơ giới hoá và hiện đại hoá khai thác than hầm lò và định hướng ứng dụng cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh” đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuấttại nhiều mỏ hầm lò như Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Khe Chàm II-IV… mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng suất và mức độ an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc của công nhân trong hầm lò.
Tính đến 2015, hầu hết các hầm lò thủ công bằng chống gỗ, buồng cột và đào lò lấy than đã chuyển sang công nghệ khai thác than tiên tiến bằng cột chống thủy lực và khung giá thủy lực để chống giữ lò. Lò chợ được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu đào than đến khâu vận chuyển, sử dụng máy khấu than combai, khoan tự hành tam-rốc, máy đào lò hiện đại AM-50Z, máy xúc đá, máy cào vơ vận chuyển bằng băng tải, xe điện ở lò bằng, tời trụ ở giếng nghiêng…
Có hàng chục lò chợ cơ giới hóa đồng bộ bằng dàn chống 2AHIII tại Công ty Than Mạo Khê, Hồng Thái, dàn chống tự hành VIALTA tại Công ty Than Vàng Danh, Nam Mẫu và nhiều đơn vị đã áp dụng thành công đào lò bằng máy combai AM-45 và AM-50Z để nâng cao tiến độ đào lò phục vụ mở rộng diện sản xuất.
Trong cùng một điều kiện, ở lò chợ cơ giới hóa số lao động trung bình 90 người/phân xưởng, sản lượng đạt 230 - 400 ngàn tấn/năm, so với lò chợ khoan nổ mìn 120 - 180 người/phân xưởng và sản lượng 120 - 180 ngàn tấn/năm; năng suất lao động tăng 1,5- 2,5 lần, giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ 1,5 - 2 lần
Đối với các lĩnh vực khai thác lộ thiên, sàng tuyển than, quản lý mỏ an toàn đã có nhiều đề tài nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất trong quá trình cơ giới hóa, gắn liền với thực tiễn sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Trao truyền công nghệ
Giai đoạn 2010-2015 có hàng chục đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa trên 5 lĩnh vực khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, tuyển than, quản lý an toàn mỏ, bảo vệ môi trường.
Đã có nhiều đánh giá với hàng chục chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật so sánh năm 2010 với 2015 cho thấy hiệu quả rõ ràng của các giải pháp kỹ thuật mà những người làm công tác khoa học công nghệ của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp thuộc TKV đưa vào thực tiễn sản xuất. Nhưng có lẽ sản phẩm có ý nghĩa thực sự của “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” là các quy trình công nghệ, mà ngay cả sau khi đã hết Chương trình, vẫn được nhiều doanh nghiệp khác trong Tập đoàn tham quan, học tập và chủ động đầu tư, ứng dụng vào sản xuất.
Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu thực tế về công nghệ giàn chống mềm ZRY tại Than Hồng Thái và một số đơn vị sản xuất hầm lò, năm 2017 Than Nam Mẫu đã triển khai việc áp dụng công nghệ khai thác này tại lò chợ vỉa 6A phân xưởng Khai thác 5. Chỉ sau hơn 1 tháng đưa vào vận hành đã cho thấy các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt được tương đối khả quan, năng suất lao động tăng, đạt 6,5 tấn/công; sản lượng khai thác tăng, đạt 8.000 tấn/tháng; chi phí mét lò chuẩn bị và tổn thất than đều giảm so với các lò chợ áp dụng công nghệ khai thác lò dọc vỉa phân tầng.
Hay như Công ty Than Khe Chàmđưa vào áp dụng thành công lò chợ khấu than bằng máy com-bai tay ngắn, chống lò chợ bằng giàn thủy lực tự hành cho năng suất đạt 2.500 tấn/ngày, đã mở đường áp dụng công nghệ này tạiThan Vàng Danh, Than Nam Mẫu và nhiều công ty khác trong TKV có điều kiện địa chất tương tự. Cũng có thể nói về sự lan tỏa của công nghệ dàn chống 2ANSHA, công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp, công nghệ sử dụng hóa chất làm tường cách ly nhân tạo...
Hình thành đội ngũ chuyên nghiệp
Một sản phẩm khác của Chương trình có ý nghĩa hết sức lớn lao, đó là thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ đã tạo ra một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi, lao động lành nghề, làm chủ công nghệ tiên tiến trong khai thác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.Với các đơn vị tham gia Chương trình, các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã đào tạo, tham gia đào tạo 70 thạc sĩ, tiến sĩ, được cấp giấy xác nhận 52 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. công bố được 155 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Tuy nhiên đội ngũ ấy không chỉ được tạo ra ở đơn vị tham gia “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” mà được nhân rộng ở nhiều đơn vị khác. Khi Công ty than Mạo Khê thực hiện cơ giới hóa từng phần trong khai thác, ngoài giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ thợ lò tại các cơ sở đào tạo của ngành Than, Công ty còn lựa chọn công nhân đi học tập tại các đơn vị đã sử dụng công nghệ này. Sau khi vận hành thuần thục làm chủ công nghệ, đội ngũ đã được trực tiếp hướng dẫn này sẽ truyền đạt lại cho các thợ lò tại Công ty theo cách cầm tay chỉ việc.
Công nghệ dàn chống tự hành kết hợp với máy khấu than combain ở Than Nam Mẫu cũng tương tự. Việc đầu tiên, Than Nam Mẫu hùn cùng với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ nghiên cứu Việt hóa giàn chống tự hành. Việc thứ hai là đưa hàng loạt kỹ sư, công nhân tay nghề bậc cao đưa sang Cộng hòa Séc, nơi khai sinh ra công nghệ này để đào tạo. Những người này khi trở về sẽ truyền nghề cho những người ở nhà.
Than Nam Mẫu còn mời các chuyên gia Séc sang đào tạo trực tiếp, và thuê chuyên gia Séc bảo trì, bảo dưỡng, vận hành cho đến khi làm chủ công nghệ thì thôi. Sự hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và chuyên gia Cộng Hòa Séc đã tạo ra những thế hệ công nhân tiếp nối qua nhiều năm của Than Nam Mẫu hoàn toàn chủ động trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và có thể xử lý mọi sự cố liên quan đến công nghệ này.
Đây chỉ là 2 ví dụ của ngành Than về ảnh hưởng tích cực của ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới đến hình thành và nâng cao chất lượng đội ngũ thợ lò, làm chủ công nghệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò. Trên thực tế, cùng với việc thực hiện “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” hàng năm, các đơn vị thuộc ngành Than đã gửi hàng trăm cán bộ, công nhân ra nước ngoài tu nghiệp, học tập tại các nước có ngành công nghiệp mỏ phát triển như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... Kết hợp thuê chuyên gia giỏi nước ngoài về lĩnh vực khai thác mỏ hầm lò để truyền đạt, huấn luyện đội ngũ thợ lò. Điều này mang lại động lực để thợ lò phấn đấu nâng cao tay nghề, gắn bó lâu dài với ngành Than.
Đội ngũ ấy tiếp tục làm nòng cốt đi đầu khi TKV định hướng tập trung vào 6 chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm đến 2020 gồm: Cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất; nâng cao năng lực quản lý về tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của Tập đoàn.