TÓM TẮT:
Tài chính toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước, là tiền đề quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng bền vững. Bài viết giới thiệu về vai trò của công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện, từ đó đưa ra những ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Từ khóa: tài chính toàn diện, công nghệ, ngân hàng di động, kênh phân phối.
1. Vai trò của công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện
Sự phát triển vượt bậc của nhiều công nghệ mới trong 2 thập kỷ qua đã mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Chi phí giao dịch và rào cản địa lý là những trở ngại chính đối với việc cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, cho đến nay, những phát kiến công nghệ như ngân hàng di động, hệ thống thông tin tín dụng điện tử, định dạng cá nhân sinh trắc học đã giảm mạnh những chi phí này và nhờ đó khắc phục được các rào cản tồn tại đối với tiếp cận tài chính.
Đáng kể nhất là công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới (ICT) đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của dịch vụ tài chính trên khắp toàn cầu. Công nghệ ICT làm cho dịch vụ tài chính hiện diện ở bất cứ nơi nào, với chi phí thấp hầu như không đáng kể, giúp hàng trăm triệu người lần đầu tiên đã có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính. Công nghệ cũng hứa hẹn triển vọng về những dịch vụ thuận tiện hơn, phù hợp và mang tính đáp ứng nhiều hơn, thậm chí đối với cả những khách hàng chưa từng sử dụng chúng. Những công nghệ mới và những sáng kiến đổi mới còn làm thay đổi mô hình kinh doanh, đem lại những chuyển biến to lớn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho mọi người.
Các dịch vụ thanh toán dựa vào công nghệ thẻ đã được phổ biến ở nhiều nước trong những năm qua, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ viễn thông và kỹ thuật xử lý thông tin tinh vi. Hệ thống ATM không chỉ còn là những máy rút tiền thuần túy cho các chủ thẻ, mà đã trở thành điểm giao dịch để khách hàng thực hiện nhiều giao dịch từ thanh toán hóa đơn, đến gửi tiền tiết kiệm, thậm chí cả tín dụng. Trong những năm gần đây, các loại thẻ trả trước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi các tổ chức tài chính và các công ty tài chính phi ngân hàng hướng tới cả các đối tượng lao động di cư và không có tài khoản ngân hàng. Tất cả những sự phát triển này có được chính là nhờ những đổi mới công nghệ lưu trữ thông tin, khả năng truy cập và xác thực giao dịch giúp nâng cao hiệu quả, giảm mạnh thời gian và chi phí giao dịch. Rõ ràng những đổi mới công nghệ trong hệ thống thanh toán bán lẻ đã mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và chắc chắn vẫn là phương thức giao dịch quan trọng ở nhiều nước.
Những năm gần đây đã cho thấy vai trò lớn của ứng dụng ngân hàng di động đối với tài chính toàn diện. Nhờ công nghệ thông tin hiện đại, các ngân hàng hiện nay đã có thể phục vụ khách hàng ở những nơi không có sự hiện diện của ngân hàng, ví dụ như thông qua ngân hàng đại lý. Những kỹ thuật mới được áp dụng cho báo cáo thông tin tín dụng và xác thực nhân thân người đi vay đã giúp giảm mạnh chi phí trung gian và cho phép ngân hàng cung cấp dịch vụ tới những người trước kia bị loại trừ, do những rào cản thu nhập hoặc thủ tục giấy tờ phức tạp. Nhờ khả năng xử lý của máy tính được tăng lên, các ngân hàng dựa trên những cơ sở dữ liệu lớn về hành vi tín dụng lịch sử để đánh giá rủi ro tốt hơn và từ đó cung cấp tín dụng cho cả những người trước kia chưa từng đi vay.
Công nghệ đang cho thấy vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay. Những dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ mang lại những lợi thế vượt trội mà các dịch vụ truyền thống không thể có được. Cụ thể là:
- Tiếp cận tức thì: Khả năng của công nghệ có thể mang dịch vụ đến cho mọi người ở bất kỳ nơi nào và chỗ nào họ cần, đó chính là động lực lớn nhất thúc đẩy tài chính toàn diện đầy đủ.
- Chi phí thấp không đáng kể: Với việc cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả hơn, công nghệ giúp dịch vụ trở thành chấp nhận được với cả những khách hàng thu nhập thấp và điều này khiến cho nhiều người sử dụng hơn.
- Bảo đảm an toàn: Khi không sử dụng đến tiền mặt, dịch vụ tài chính sẽ trở nên an toàn hơn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả chính phủ.
- Sản phẩm và kênh phân phối đổi mới đa dạng: Những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ có thể mở ra nhiều sản phẩm và phương thức phân phối mới dễ dàng sử dụng và thêm nhiều giá trị gia tăng đối với các sản phẩm truyền thống. Chẳng hạn, máy ATM lắp thêm thiết bị âm thanh trợ giúp người mù chữ hay người khuyết tật tiếp cận được chúng mà trước đây họ bị loại trừ.
- Nâng cao năng suất: Khi sản phẩm được cung cấp thuận tiện hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, khách hàng được lợi nhiều hơn với nguồn lực của hộ gia đình và doanh nghiệp không thay đổi.
2. Các mô hình ứng dụng công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện
Những ứng dụng của công nghệ để thúc đẩy tài chính toàn diện thể hiện rõ nét nhất ở những mô hình sau:
- Ngân hàng di động và thanh toán di động: Sự phủ sóng rộng khắp, cũng như tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ điện thoại di động đã làm giảm mạnh chi phí thông tin liên lạc, đáp ứng khả năng của cả những người có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển. Việc kết hợp giữa các công ty cung cấp viễn thông với các ngân hàng đã mở ra những triển vọng to lớn, cho phép khách hàng nhận, chuyển và gửi tiền qua mạng lưới điện thoại di động. Có 2/3 số người trưởng thành ở Kenya đã sử dụng dịch vụ thanh toán và chuyển tiền bằng điện thoại di động, 50% chủ sở hữu điện thoại di động ở Tanzania cài đặt ứng dụng tài khoản tiền điện tử (KPMG, 2016). Tuy nhiên, ở nhiều nước vẫn còn khoảng cách lớn giữa tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và sử dụng dịch vụ ngân hàng di động. Khối lượng và giá trị giao dịch qua ngân hàng di động vẫn phổ biến ở mức thấp.
Ngân hàng di động và công nghệ thanh toán đóng vai trò quan trọng cho việc sử dụng dịch vụ tài chính chính thức. Hiện tại, tất cả các ngân hàng đều hỗ trợ ứng dụng ngân hàng di động trên điện thoại thông minh của tất cả các ngôn ngữ hệ điều hành. Các giao dịch từ tài khoản ngân hàng có thể thực hiện thông qua điện thoại dựa vào hệ thống PIN trên nền tảng ngân hàng di động. Tuy nhiên, thách thức trước mắt vẫn là thiết kế những ứng dụng di động an toàn bảo mật và dễ sử dụng cho các giao dịch hàng ngày. Do ngân hàng di động và công nghệ thanh toán có lợi thế kinh tế theo quy mô, nên chúng sẽ hiệu quả hơn khi có nhiều người tham gia vào hệ thống. Điều này có nghĩa là thành công của ngân hàng di động và hệ thống thanh toán phụ thuộc cơ bản vào số người sử dụng tiềm năng.
Tại các nước đang phát triển - nơi sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến, cần lưu ý thêm những yếu tố quyết định việc chấp nhận thanh toán trên nền tảng di động là số điểm gửi vào và rút tiền ra (cash in/cash out) từ hệ thống di động. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là cơ quan quản lý phải đồng hành để tạo ra các khuyến khích cho việc phát triển các nền tảng thanh toán di động và yêu cầu những nền tảng này phải có đủ độ mở. Nhờ đó, các nền tảng ngân hàng điện tử và nền tảng thanh toán khác nhau, như ví điện tử có khả năng kết nối liên thông sao cho người sử dụng tương tác qua lại giữa các ứng dụng ngân hàng di động mà không gặp phải các rào cản kỹ thuật hay bị áp thêm phí.
Bên cạnh những vấn đề về cơ cấu và điều tiết thị trường, những chính sách của Nhà nước sẽ thúc đẩy việc sử dụng ngân hàng di động. Ở nhiều nước, một chính sách có nhiều triển vọng là các khoản thanh toán trợ cấp của chính phủ cho cá nhân (G2P). Thanh toán G2P tạo ra cơ hội lớn để đưa những người trước đây chưa có tài khoản ngân hàng đến được với dịch vụ tài chính chính thức. Nhiều chính phủ đã bắt đầu thử nghiệm sử dụng công nghệ thanh toán điện thoại di động trên phạm vi nhỏ để trả tiền trợ cấp cho những người thu nhập thấp. Pakistan là trường hợp điển hình của việc sử dụng thanh toán G2P qua hệ thống điện thoại di động, với hơn 10 triệu khoản thanh toán hàng tháng.
Hiện tại, có khoảng hơn 1,8 triệu tài khoản ngân hàng di động và 75% trợ cấp G2P sử dụng kênh thanh toán này. Việc kết hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong trường hợp này mang lại nhiều ý nghĩa. Trong khi việc trả trợ cấp qua hệ thống di động giúp Chính phủ giảm được chi phí quản lý hành chính và nâng cao tính minh bạch, thì các công ty điện thoại cũng có được cơ hội mở rộng cơ sở khách hàng của mình tới phân khúc những người thu nhập thấp.
Đổi mới kênh phân phối: Bên cạnh khả năng thúc đẩy trực tiếp tài chính toàn diện, công nghệ ngân hàng di động và thanh toán mới còn tạo ra những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ, mở rộng khả năng tiếp cận tới những dịch vụ tài chính cơ bản. Ngân hàng đại lý là mô hình sử dụng kết hợp công nghệ thẻ và điện thoại di động để cung cấp dịch vụ cho những người trước đây không có tài khoản ngân hàng.
Trong mô hình ngân hàng đại lý, đại diện của một ngân hàng (nhưng không phải nhân viên ngân hàng) có trách nhiệm vận hành các giao dịch nhân danh của một hay nhiều ngân hàng ở bên ngoài phạm vi mạng lưới chi nhánh của ngân hàng đó. Đại lý ngân hàng có thể là một địa điểm cố định cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để hưởng hoa hồng ở những nơi trước đây không có ngân hàng, hoặc là những nhân viên ngân hàng di động định kỳ đi đến những địa điểm xa xôi để cung cấp dịch vụ tài chính cơ bản. Cả 2 hình thức ngân hàng đại lý này đang phát triển nhanh chóng, nhờ có các công nghệ ngân hàng di động và thanh toán mới, nhờ đó giảm được chi phí giao dịch và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính bên ngoài phạm vi bao phủ của mạng lưới chi nhánh truyền thống.
- Công nghệ cải thiện công tác xác thực nhân thân và báo cáo tín dụng: Những công nghệ làm giảm tình trạng thiếu hụt thông tin là một hình thức đổi mới công nghệ thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhiều thị trường tài chính đang bị cản trở bởi vấn đề thiếu thông tin mà được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bị loại trừ. Thông thường các tổ chức cho vay bù đắp cho việc không đủ thông tin tin cậy về nhân thân hay lịch sử tín dụng của người đi vay bằng cách tăng yêu cầu tài sản thế chấp, tăng cường thẩm định trước cho vay hoặc thậm chí từ chối cho vay đối với một số phân khúc khách hàng. Điều này khiến cho một số người bị loại trừ tài chính.
Hầu hết các nước phát triển đã có một hệ thống định danh quốc gia giúp việc xác thực nhân thân và tra cứu lịch sử tín dụng một cách thuận tiện. Để một hệ thống báo cáo tín dụng hoạt động hiệu quả, cần phải có khả năng xác thực nhân thân của từng cá nhân. Điều này là một thách thức lớn ở nhiều nước đang phát triển khi chưa có được một hệ thống định danh của tất cả mọi người. Ngay cả khi có được một hệ thống định danh chính thức nào đó cũng khó tiến hành xác thực nhân thân khi gặp phải vấn đề chia sẻ thông tin, đặc biệt là chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ (bên thứ ba). Điều này khiến cho các tổ chức tín dụng e ngại cung cấp dịch vụ nhất là đối với những khách hàng mới.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều nước đã áp dụng những giải pháp công nghệ mới để cải thiện công tác xác thực nhân thân người đi vay. Chẳng hạn, Chính phủ sử dụng các hình thức định danh sinh trắc học đối với một cá nhân như vân tay và được liên kết với lịch sử tín dụng của cá nhân đó. Ấn Độ là quốc gia đã ứng dụng hệ thống định danh sinh trắc học từ năm 2014. Theo đó, mỗi cá nhân có một số định danh (số căn cước) được kết nối với dữ liệu sinh trắc học, bao gồm ảnh, quét mống mắt và vân tay, được liên kết với hồ sơ tín dụng của từng cá nhân. Điều này giúp các ngân hàng và các tổ chức tài chính vi mô dễ dàng xác thực nhân thân của người đi vay, cải thiện tính minh bạch và giảm vấn đề thông tin bất đối xứng ở thị trường tín dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adele Atkinson, Flore - Anne Messy. (2013). Promoting Financial Inclusion through Financial Education - OECD/INFE Evidence, Policies and Practice. OECD Working Papers on Finance, Insurance and Private Pensions.
- Asli Demirgüç-Kunt and Aleora Klapper. (2013). Measuring Financial Inclusion: Explaining Variation in Use of inclusion through the crisis. Washington, DC:CGAP
- World Bank. (2018). Financial inclusion - Overview. Retrieved from http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusion/overview)
- https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ttsk/ttsk
The role of technology in facilitating the development of financial inclusion
Master. Nguyen Thi Thanh Thuy
Faculty of Finance and Banking, University of Economic and Technical Industries
Abstract:
Financial inclusion plays a great important role in Vietnam’s socio-economic development, especially in the national poverty reduction and sustainable growth. This paper presents the role of technology in facilitating the financial inclusion. The paper also introduces some technology applications to promote the financial inclusion development in Vietnam.
Keywords: financial inclusion, technology, mobile banking, distribution channel.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]