Công nghệ tài chính thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam

ThS. Đỗ Huy Cảnh (Trường Tài chính - Quản trị kinhd oanh)

TÓM TẮT:

Bài viết giới thiệu tổng quan về công nghệ tài chính (Fintech) thúc đẩy tài chính toàn diện (TCTD) tại Việt Nam, thực trạng phát triển của Fintech thúc đẩy TCTD, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm phát triển Fintech hỗ trợ TCTD, như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kết cấu hạ tầng Fintech, tăng cường kiểm soát từ phía cơ quan nhà nước, đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ tín dụng và tăng cường tuyên truyền rộng rãi về lợi ích của TCTD, cũng như hướng dẫn đối với người dân và doanh nghiệp.

Từ khóa: công nghệ tài chính, tài chính toàn diện, Fintech.

1. Tổng quan về Fintech thúc đẩy tài chính toàn diện

Fintech có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển TCTD thông qua việc làm giảm thời gian, chi phí cũng như tăng tính tiện lợi trong quá trình người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tài chính.

TCTD được định nghĩa là sự sẵn có và bình đẳng của các cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhằm mục tiêu hỗ trợ các cá nhân và đối tượng trong nền kinh tế, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế, dễ dàng hơn để tiếp cận các dịch vụ tài chính phù hợp mà không bị phân biệt đối xử (Sarma, 2008). Khái niệm này đề cập tới việc các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính (như giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm) hữu ích và bền vững với mức giá cả phải chăng, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của các đối tượng sử dụng. Hiện nay, TCTD là một trong những ưu tiên chính của nhiều nước đang phát triển, là một yếu tố hỗ trợ cho 7 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc - với thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mục tiêu của TCTD bao gồm: (1) hỗ trợ tiếp cận dịch vụ tài chính, thanh toán, chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm đối với tất cả các đối tượng trong nền kinh tế, ở mức chi phí hợp lý; (2) hỗ trợ sự phát triển bền vững đối với nền kinh tế; (3) hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng, mở rộng sự lựa chọn cũng như nhu cầu của mọi cá nhân trong nền kinh tế thông qua thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

TCTD có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Vai trò của TCTD được thể hiện cụ thể trong các khía cạnh: (i) Thúc đẩy ổn định xã hội, luân chuyển tiền tệ, phát triển và tăng trưởng nền kinh tế; (ii) Hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thu nhập cũng như tiêu dùng của các cá nhân dễ bị tổn thương trong nền kinh tế; (iii) Tăng cường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đóng góp của các cá thể tới nền kinh tế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với các ứng dụng thông minh đột phá của công nghệ số đang ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ tới mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc áp dụng các thành tựu của công nghệ vào tài chính khiến việc tìm kiếm thông tin, tra cứu số liệu, thực hiện giao dịch thông qua mạng internet, các ứng dụng được trang bị trên thiết bị di động (máy tính, điện thoại)… được thực hiện một cách đơn giản, dễ dàng, không bị giới hạn về không gian và thời gian, khiến tài chính đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, phát triển Fintech đang được coi như một trong những công cụ hữu hiệu để thúc đẩy TCTD.

Fintech được nhìn nhận như một đổi mới quan trọng của ngành Tài chính, đề cập đến việc sử dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp tài chính. Nhờ môi trường quy định thuận lợi và những lợi thế đến từ sự cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng cũng như sự gia tăng của công nghệ ứng dụng. Fintech đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu. Fintech tạo cơ sở định hình lại ngành Tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, đồng thời tạo ra một nền tảng tài chính đa dạng và ổn định hơn, cho phép sự kết nối rộng khắp từ mức độ cá nhân tới quốc gia và quốc tế, nhờ sử dụng công nghệ làm cốt lõi. Các yếu tố cấu thành hệ sinh thái Fintech bao gồm: (1) các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech (các công ty thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, gọi vốn cộng đồng, insuretech,...); (2) các công ty phát triển công nghệ (các công ty phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tiền mã hóa, công ty chuyên biệt về truyền thông xã hội,...); (3) các tổ chức/định chế tài chính truyền thống (công ty tài chính, công ty chứng khoán, ngân hàng truyền thống, công ty bảo hiểm,...); (4) Chính phủ và các cơ quan quản lý; và (5) khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính (Diemer và các cộng sự, 2015).

Các nghiên cứu đã chỉ ra, Fintech giúp phát triển TCTD thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, quy mô và mức độ tiếp cận tốt hơn, nhiều tiện ích trải nghiệm cho khách hàng, minh bạch, giảm nguy cơ rửa tiền, tiền giả, in và quản lý tiền mặt cho nhà quản lý. TCTD phát huy hiệu quả tối đa thông qua ứng dụng Fintech để giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt trong các trường hợp thiên tai hoặc đại dịch.

Với sự hỗ trợ của Fintech, các đối tượng yếu thế có thể: (i) Nhận được các khoản hỗ trợ, tài trợ trực tiếp nhanh chóng và hiệu quả nhất thông qua cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số; (ii) Làm việc online để có thu nhập, hoặc tạo thu nhập thông qua tham gia vào các công việc vận chuyển hàng hóa; (iii) Giao dịch mua sắm và thanh toán online cho hầu hết các nhu cầu; (iv) Minh bạch hóa về tài chính, đảm bảo việc hỗ trợ đồng đều giữa những đối tượng yếu thế; (v) Vay khẩn cấp mà không cần đến ngân hàng do công cụ định danh khách hàng điện tử hoặc vay trên các nền tảng cho vay ngang hàng;…

Tuy nhiên, thực tế tại các quốc gia đang phát triển, số lượng cá nhân chưa đủ điều kiện hoặc không muốn tham gia các dịch vụ tài chính vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Hầu hết dân số tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chủ yếu xuất phát từ đối tượng có độ tuổi từ 24 đến 35, có mức thu nhập cao, trình độ học vấn không bị hạn chế, có khả năng sử dụng công nghệ và cập nhật công nghệ với tốc độ nhanh chóng. Điều này cho thấy, khoảng cách hiện có giữa khả năng tài chính, khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ tài chính. Tại các quốc gia này, hầu hết đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội sống ở nông thôn hoặc các khu vực địa lý xa xôi, hầu như không có thu nhập ổn định, thiếu tài sản đảm bảo và trình độ giáo dục hạn chế, vì vậy khi tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ tài chính, họ có thể dễ dàng rơi vào tình trạng bị thiếu hụt kiến thức, việc không sử dụng hiệu quả các công cụ này có thể đẩy họ đến nguy cơ nợ nần cao hơn. Ngoài ra, do sự hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật đối với việc phát triển Fintech còn hạn chế, hầu như các đối tượng tham gia không được bảo vệ khi tham gia vào các dịch vụ mà các công ty Fintech cung cấp. Các quan ngại về mức độ bảo mật thông tin và an ninh mạng cũng là một rào cản lớn đối với khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

Mặc dù Fintech có vai trò tích cực nhưng nếu không được kiểm soát tốt, Fintech có thể gây ra các tác động tiêu cực, đặc biệt là cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Do vậy, quản lý, phát triển Fintech được xem là cơ hội và là phương pháp hiệu quả nhất về thời gian, chi phí và mức độ lan tỏa để các nước đang phát triển đạt được mục tiêu TCTD. Do vậy, vấn đề quản lý Fintech được đặt ra không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là để đảm bảo khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế trong xã hội, bảo vệ họ trước những nguy cơ tiềm ẩn từ sự phát triển các dịch vụ Fintech của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.

2. Thực trạng phát triển Fintech thúc đẩy TCTD tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có sự cam kết mạnh mẽ cho TCTD và nhận diện rõ tầm quan trọng của phát triển Fintech. Chiến lược TCTD quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020. Theo đó, một trong các quan điểm quan trọng là “Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy TCTD”. TCTD phát huy hiệu quả tối đa thông qua ứng dụng Fintech để giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội Việt Nam (người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa), đặc biệt trong các trường hợp thiên tai hoặc đại dịch như Covid-19 hiện nay.

Để thúc đẩy Fintech, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan, như: Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014); Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016); Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016); Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/ 2016); Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017); Thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017); Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017).

Hiện nay, Việt Nam có lợi thế nhất định về cơ sở hạ tầng cho Fintech, với 70% dân số sử dụng internet, 145,8 triệu thuê bao đăng ký điện thoại (150% dân số) trong đó 95% là điện thoại thông minh, tỷ lệ sử dụng các mạng xã hội đạt 73%. Theo Báo cáo của Appota (12/5/2021) về thị trường ứng dụng di động 2021, Việt Nam nằm trong top 12 những quốc gia có giá thành internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 Đông Nam Á về tốc độ internet trên thiết bị di động. Trong khi đó, Fintech là lĩnh vực còn khá mới mẻ Việt Nam, dù các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008 với 9 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ các startup Fintech mới vào cuộc, mà nhiều ngân hàng thương mại đã và đang dần chuyển đổi, vận hành hệ thống ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại, như: BIDV, Vietinbank, VPBank, TPBank,… nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt. Đến nay, Việt Nam đã có 48 công ty Fintech và 48% công ty tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam còn khá ít (Singapore có hơn 300 công ty, Thái Lan có 208 công ty) (Nguyễn Thu Hiền, 2021).

Tuy nhiên trên thực tế, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech vẫn bị đánh giá là chưa đầy đủ, mới chỉ đáp ứng một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán là chủ yếu. Hoạt động của các công ty Fintech ở Việt Nam vẫn chủ yếu là trong lĩnh vực thanh toán mà chưa có nhiều lĩnh vực khác. Sự kết nối giữa các công ty Fintech với các tổ chức tài chính - ngân hàng còn đang ở giai đoạn sơ khai, chưa có nhiều dịch vụ phối hợp. Vai trò của các công ty Fintech trong đẩy mạnh TCTD ở Việt Nam vẫn chưa đúng tiềm năng.

3. Một số khuyến nghị chính sách

Trong bối cảnh, TCTD được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như đảm bảo mục tiêu phát triển xã hội ổn định, bền vững, công bằng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp có liên quan, trong đó phát triển mạnh mẽ và hiệu quả Fintech được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng. Một số giải pháp cần tập trung trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển Fintech. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái Fintech; tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm Fintech; quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu;…

Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển Fintech gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và với định hướng phát triển TCTD.

Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng Fintech, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn. Mục tiêu của TCTD là mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân ở nông thôn, những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu. Hạ tầng Fintech bao gồm: hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống internet, các thiết bị di động, ứng dụng hỗ trợ các dịch vụ tài chính); hệ thống các tổ chức tín dụng (chủ yếu là các ngân hàng thương mại, công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán) và hệ thống các công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Hạ tầng Fintech tại nông thôn cần được xây dựng phù hợp với khả năng sử dụng cũng như những nhu cầu của người dân.

Cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp quản lý đối với một số vấn đề trọng tâm như việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain)/Sổ cái phân tán (DLT); cho vay ngang hàng (P2P Lending); định danh khách hàng điện tử (e-KYC); giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và thanh toán điện tử (e-payments),... để áp dụng nhanh chóng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực khác, do những lợi ích từ công nghệ này là rất lớn, tránh nguy cơ tụt hậu trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, có giải pháp hỗ trợ, định hướng, ưu đãi để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ứng dụng và quản lý Fintech, có cơ chế khuyến khích đào tạo nhân lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển Fintech. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế, như: ADB, WBG,... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các doanh nghiệp Fintech.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, đảm bảo an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng sự hạn chế thông tin, kiến thức và kỹ năng của đối tượng vay để trục lợi. Đây là việc làm rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng, tạo lòng tin của người sử dụng các dịch vụ, qua đó mở rộng, phát triển dịch vụ hướng tới mục tiêu TCTD.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật. Chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông tin.

Thứ năm, tăng cường các biện pháp thông tin, hướng dẫn đối tượng sử dụng dịch vụ. Tiếp cận dịch vụ tài chính theo phương thức mới với sự ứng dụng Fintech chắc chắn gây ra nhiều khó khăn, nhất là khi đối tượng sử dụng là những người ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích của TCTD, đồng thời hướng dẫn sử dụng đối với các đối tượng bằng các biện pháp cụ thể, rõ ràng thông qua các buổi đào tạo, kèm theo đó là sự tư vấn, hướng dẫn thường xuyên, giải đáp kịp thời các khó khăn, khúc mắc của người sử dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thu Hiền. (2021). Fintech: Nắm bắt xu hướng để phát triển. Truy cập tại http://vjst.vn/vn/tin-tuc/4871/fintech--nam-bat-xu-huong-de-phat-trien.aspx
  2. Đào Hồng Nhung, Trần Thanh Thu, Nguyễn Minh Tuấn. (2020). Tác động của Fintech đối với tài chính toàn diện: Bằng chứng thực nghiệm tại các quốc gia và một số khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 276, 41-48.
  3. Chúc Anh Tú. (2019). Nhận diện bản chất về tài chính toàn diện nhằm thực hiện việc thúc đẩy phát triển bền vững. Hội thảo quốc gia "Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam: Những vấn đề lý luận, kinh nghiệm thực tiễn của các nước", tháng 4/2019, (pp. 11-16). Hà Nội: NXB Tài chính.
  4. Sarma, M., Pais, J. (2008). Financial Inclusion and Development: A Cross Country Analysis 30. [Online] Avalabile at https://www.icrier.org/pdf/Mandira%20Sarma-Paper.pdf
  5. Diemers, D., Lamaa, A., Salamat, J. & Steffens, T. (2015). Developing a FinTech ecosystem in the GCC. [Online] Avalabile at https://www.strategyand.pwc.com/m1/en/reports/developing-a-fintech-ecosystem-in-the-gcc.pdf

FINTECH FOR FINANCIAL INCLUSION IN VIETNAM

• Master. DO HUY CANH

University of Finance - Business Administration 

ABSTRACT:

This paper introduces an overview of financial technology (Fintech) to promote financial inclusion in Vietnam and presents the current development of Fintech for financial inclusion in Vietnam. Based on the papers findings, some policy recommendations are proposed to support the development of Fintech for financial inclusion in Vietnam, including perfecting the legal system, developing the infrastructure of Fintech, strengthening the management of state agencies, improving quality of credit officers via training activities, promoting more about benefits of financial inclusion and providing more information about financial inclusion to individuals and businesses.

Keywords: financial technology, financial inclusion, Fintech.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]