Fintech - xu hướng phát triển tài chính hiện đại

ThS. TRẦN LƯƠNG MỘNG TRINH (Khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Văn Hiến)

TÓM TẮT:

Sự xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nghiệp với mô hình kinh doanh ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến cùng những đổi mới trong dịch vụ thanh toán, cho vay, đầu tư, hay huy động vốn đã và đang mở ra một xu hướng phát triển hiện đại trong lĩnh vực tài chính. Thuật ngữ Fintech, vì vậy, cũng trở nên phổ biến và thu hút nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Bài viết tập trung xem xét các nội dung của “Fintech”, đồng thời phân tích phạm vi ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, bài viết cũng giới thiệu sơ nét về thị trường “Fintech” Việt Nam trong năm 2020 với một số đánh giá được ghi nhận.

Từ khóa: công nghệ tài chính, Fintech, thanh toán điện tử, ví điện tử, huy động vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, tiền ảo.

1. Khái quát về Fintech và các bộ phận cấu thành

1.1. Định nghĩa Fintech

Thuật ngữ “Fintech” là dạng rút gọn của cụm từ “Financial Technology”. Hiện nay, thuật ngữ này đã được mở rộng với nhiều ý nghĩa khác nhau và chưa có một định nghĩa thống nhất chung về Fintech. Theo Dorfleitner và cộng sự (2017), Fintech biểu thị các công ty hoặc đại diện của nó cung cấp các dịch vụ tài chính kết hợp với các công nghệ hiện đại và sáng tạo. Ngoài ra, Dorfleitner và cộng sự cũng đưa ra những mô tả chung về các đặc điểm của Fintech và liệt kê các phân khúc riêng lẻ tạo nên thị trường Fintech.

Trong một nghiên cứu của Ban Ổn định Tài chính (FSB, 2017) bàn về những hàm ý chính sách nhằm ổn định tài chính từ Fintech, Fintech được định nghĩa là sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính được hỗ trợ bởi công nghệ dẫn đến các mô hình kinh doanh, các ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới có ảnh hưởng trọng yếu đến việc cung cấp dịch vụ tài chính. Định nghĩa này cũng được sử dụng bởi Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF, 2018) trong nghiên cứu xem xét toàn cảnh sự phát triển của Fintech ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi - Afghanista - Pakistan, Trung Á và Caucasas.

1.2. Xác định các phân khúc hoạt động của Fintech

Theo FSB (2017), các hoạt động của Fintech được chia thành 5 loại dịch vụ tài chính, gồm: (i) thanh toán và thanh toán bù trừ; (ii) nhận tiền gửi, cho vay và huy động vốn tài trợ; (iii) bảo hiểm; (iv) quản lý đầu tư; và (v) các dịch vụ hỗ trợ thị trường.

Hình 1: Phân loại các hoạt động Fintech theo loại hình dịch vụ tài chính

hân loại các hoạt động Fintech theo loại hình dịch vụ tài chính

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ FSB, 2017 và Dorfleitner và cộng sự, 2017

1.2.1. Đối với dịch vụ thanh toán

Những cải tiến công nghệ trong dịch vụ thanh toán gồm các dịch vụ và ứng dụng liên quan đến các giao dịch thanh toán nội địa và quốc tế trên nền tảng mạng và thiết bị di dộng. Các nền tảng thanh toán quốc tế như Alipay, Android Pay, PayPal, Samsung Pay,... cho phép cho người sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến hay chuyển khoản ngân hàng bằng các thiết bị cầm tay như máy tính bảng, điện thoại thông minh với chi phí giao dịch thấp hơn các phương thức thanh toán truyền thống (FSB, 2017). Ngoài ra, thời gian gần đây, thuật ngữ “ví điện tử” (E-Wallet) cũng được phổ biến khá rộng rãi. Ví điện tử là một nơi lưu trữ tiền tệ (có thể bao gồm tiền kỹ thuật số) và thông tin thanh toán cho các hệ thống thanh toán khác nhau, các thông tin thanh toán sau đó có thể được sử dụng trong quá trình thanh toán mà không cần nhập lại (Dorfleitner và cộng sự, 2017). Với chức năng lưu trữ, ví điện tử thường được tích hợp vào tài khoản thanh toán trực tuyến của người dùng để hỗ trợ các giao dịch được thực hiện nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Tiếp đến, công nghệ Blockchain và tiền kỹ thuật số là những cải tiến công nghệ nhằm cung cấp các loại tiền ảo để thay thế cho tiền thông thường cũng như các phương tiện thanh toán hợp pháp có thể lưu trữ, sử dụng và trao đổi tiền điện tử (Bafin, 2016). Trong quá trình này, vai trò trung gian của ngân hàng không còn cần thiết nữa. Một trong những đồng tiền điện tử được biết đến với giá trị vốn thị trường hóa lớn nhất là Bitcoin. Dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain, các giao dịch tiền ảo được bảo mật gần như tuyệt đối nhưng vẫn đảm bảo tính công khai, minh bạch (Bưhme và cộng sự 2015). Tuy nhiên, tính hợp pháp của tiền ảo vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trên toàn thế giới.

1.2.2. Đối với dịch vụ nhận ký gửi, cho vay và huy động vốn

Thứ nhất, cho vay cộng đồng chỉ những nền tảng công nghệ trực tuyến giúp cho các cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cho vay hoặc nhận các khoản vay trực tiếp lẫn nhau, đồng thời đảm bảo an toàn cho các khoản vay này. Các cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia vào các nền tảng này hoặc là người đầu tư tiền nhàn rỗi, hoặc là người đi vay và không có chủ thể nào đóng vai trò trung gian trong quan hệ tín dụng này, do đó nó còn có một tên gọi phổ thông khác là cho vay ngang hàng (Peer-to-peer lending). Trong đó, người đi vay có thể trả lãi suất thấp hơn so với một số khoản tín dụng khác, còn người cho vay có thể đạt được tỷ lệ hoàn vốn cao hơn so với việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng hay chứng chỉ tiền gửi (Emekter và cộng sự, 2014). Về mặt tích cực, cải tiến này có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của những chủ thể chưa đạt chuẩn vay vốn của các tổ chức tài chính truyền thống. Nhờ vậy những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn có thể huy động vốn để đầu tư phát triển, tài trợ vốn lưu động hoặc giải quyết các nhu cầu tài chính đột ngột (Segal, 2015). Tuy nhiên, những rủi ro tín dụng phát sinh đối với hình thức cho vay này là một vấn đề cần quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, đã có nhiều nền tảng cho vay cộng đồng hoạt động khá sôi nổi, chủ yếu ở Anh và Mỹ như Prosper, Zopa, Lending Club, Funding Circle, Upstart,...

Tiếp đến, huy động vốn cộng đồng mô tả một hình thức gọi vốn mở, chủ yếu thông qua Internet, để huy động các nguồn tài chính dưới hình thức quyên góp đổi lại bằng sản phẩm hoặc một số hình thức hoàn trả (bằng tiền hoặc phi tiền tệ) trong tương lai nhằm hỗ trợ các sáng kiến cho một dự án cụ thể (Belleflamme, 2014). Nhìn chung, đây là một hình thức huy động vốn với ý tưởng tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để gây quỹ từ cộng đồng. Một số nền tảng huy động vốn nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như Kickstarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp...

1.2.3. Đối với dịch vụ quản lý đầu tư

Fintech trong quản lý đầu tư bao gồm những cải tiến nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, lựa chọn và quản lý danh mục đầu tư và các chỉ số phân tích tổng hợp về tài chính cá nhân. Một cải tiến mang tính cách mạng đối với hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính trong vài năm gần đây là nền tảng giao dịch xã hội. Đây là một hình thức đầu tư trong đó người giao dịch (Followers) có thể quan sát, thảo luận và sao chép các chiến lược đầu tư hoặc danh mục đầu tư của các nhà đầu tư có kinh nghiệm (Leaders) trong cùng mạng xã hội (Liu et al., 2014). Mỗi nhà đầu tư cá nhân được hưởng lợi từ trí tuệ tập thể của một số lượng lớn các nhà đầu tư cùng tham gia vào mạng. Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của nền tảng giao dịch xã hội, người dùng có thể bị tính phí chênh lệch giá, phí đặt mua hoặc tỷ lệ phần trăm của số tiền đầu tư (Dorfleitner và cộng sự, 2017). Hiện nay, giao dịch xã hội được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực đầu tư ngoại hối với các nền tảng quốc tế nổi tiếng như Zulutrade, eToro, OctaFX, InstaForex, FBS,… ; trong đó, eToro có một đối tác tư vấn và hỗ trợ nhà đầu tư tại Việt Nam là Investing.vn.

Kế tiếp, công nghệ Robo-advice là một cải tiến đột phá liên quan đến hệ thống quản lý danh mục đầu tư nhằm đưa ra những tư vấn đầu tư dựa trên những thuật toán tự động và đôi khi hỗ trợ người dùng đưa ra quyết định đầu tư (ESA, 2015). Nhà đầu tư cần khai báo khả năng chấp nhận rủi ro, thời hạn đầu tư ưa thích cũng như các mục tiêu khác để ứng dụng đưa ra những tư vấn thích hợp (Fein, 2015). Các nhà cung cấp nền tảng Robo-advice thường được tài trợ bởi các nhà đầu tư thông qua hai khoản phí: một là phí ban đầu tương ứng với tổng số tiền đầu tư, hai là phí tính theo hiệu quả đầu tư (Dorfleitner và cộng sự, 2017). Theo thống kê của Hãng nghiên cứu Statista (Đức), các nền tảng đầu tư với Robo-advice quản lý hơn 980 tỷ đô la Mỹ tài sản trên toàn thế giới và dự báo giá trị này sẽ tăng khoảng 27% đến năm 2023.

Cuối cùng, công nghệ quản lý tài chính cá nhân (PFM) chỉ các ứng dụng phần mềm hỗ trợ xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân. PFM cho phép khách hàng theo dõi được tài sản mà họ đã ký gửi với các tổ chức tài chính khác nhau cũng như các khoản vay từ các bên cho vay khác nhau trong một giao diện. Các ứng dụng này thường yêu cầu người dùng trả phí một lần hoặc trả hàng năm (Dorfleitner và cộng sự, 2017). Đồng thời, các ứng dụng này còn hỗ trợ tính năng phân tích khả năng tài chính từ ngân sách của người dùng và đưa ra các lời khuyên hữu ích với những mục tiêu cụ thể.

1.2.4. Đối với dịch vụ bảo hiểm

Những cải tiến công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm thường được gọi là “InsurTechs” (công nghệ bảo hiểm). Một trong những sáng kiến InsurTechs tiêu biểu là những thiết bị đeo trên người có kết nối Internet (Wearables IoT), chẳng hạn như một chiếc đồng hồ thông minh được dùng để theo dõi và phân tích thông tin sức khỏe của khách hàng, từ đó giúp các công ty bảo hiểm đưa ra những đề xuất mang giá trị riêng cho từng cá nhân. Bằng cách theo dõi và giám sát các chỉ số sức khỏe chủ yếu, các thiết bị này có thể gửi thông tin đó đến một công ty bảo hiểm, sau đó công ty này có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn và phù hợp hơn (Nicoletti, 2017).

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm đã tận dụng sự phát triển của công nghệ số để tiếp cận với khách hàng tiềm năng trên các cổng thông tin trực tuyến và mạng xã hội thông qua các thiết bị di động với mục tiêu là tăng sự tương tác chủ động của khách hàng và tăng hiệu quả hoạt động (Nicoletti, 2017). Hơn nữa, Insurtech còn giúp cải thiện tốc độ trả lời khiếu nại, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, ví dụ cổng thông tin EasyClaims của Công ty Bảo hiểm Manulife, cổng GenClaims của Công ty Bảo hiểm Generali,…

1.2.5. Các dịch vụ hỗ trợ thị trường khác

Các dịch vụ hỗ trợ thị trường như: công nghê điện toán đám mây, Big data, xác minh nhận dạng kỹ thuật số, Retech,… là những giải pháp công nghệ giúp cho các nền tảng mạng, các ứng dụng, phần mềm có thể hoạt động một cách an toàn, ổn định và hiệu quả, góp phần củng cố cơ sở hạ tầng thị trường. Điện toán đám mây là một giải pháp điện toán mới cho phép sử dụng một mạng trực tuyến (gọi là “đám mây”) với các bộ xử lý lưu trữ để tăng quy mô và tính linh hoạt trong khả năng tính toán (FSB, 2017). Công nghệ này không những giải phóng các công ty khỏi các trung tâm dữ liệu cố định mà còn cho phép phân tích các bộ dữ liệu rất lớn (Big data) và phát triển nhiều ứng dụng Fintech khác. Trong đó, Big data là một thuật ngữ chung mô tả một khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra bởi việc sử dụng ngày càng nhiều các công cụ kỹ thuật số và hệ thống thông tin.

Một giải pháp khác là xác minh nhận dạng kỹ thuật số, gồm một loạt các công nghệ được sử dụng để xác nhận danh tính của các tác nhân trong các giao dịch tài chính hoặc các ứng dụng khác, do đó giúp ngăn chặn gian lận và đảm bảo an ninh cho người dùng (FSB, 2017). Cuối cùng, công nghệ Regtech gồm các giải pháp nhằm đảm bảo cho các tổ chức tài chính tuân thủ các yêu cầu về pháp lý và báo cáo theo quy định. Các giải pháp này có thể được cung cấp bởi những công ty độc lập có liên kết chặt chẽ với các cơ quan giám sát, hoặc là những cải tiến ứng dụng của chính các cơ quan giám sát (FSB, 2017).

2. Sơ nét thị trường Fintech Việt Nam năm 2020

Dù bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2005 với sự thành lập của công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đầu tiên là VTPay (Tâm và Hạnh, 2018) nhưng thị trường Fintech Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2015 đến nay, với nhiều biến động. Sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech dần trở nên xu hướng thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo báo cáo của Fintech News Singapore, số lượng những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% trong giai đoạn 2017- 2020, trong đó dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31%. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 41 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Đồng thời, theo Báo cáo toàn cảnh công nghệ thông tin Việt Nam 2020 của TopDev (một nền tảng tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin), số lượng người dùng dịch vụ thanh toán điện tử (giao dịch qua mạng Internet và điện thoại di động) là khoảng 36,2 triệu người, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt của người dân.

Tuy nhiên, xét trên tổng dân số cả nước, tỷ lệ người người dùng dịch vụ thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 37%, chủ yếu tập trung ở các vùng đô thị và thành phố lớn, nơi số lượng người dân có tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ cao. Theo đó, thị trường thanh toán điện tử trong nước được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Mặt khác, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Điều này thực sự tạo nên sự cạnh tranh khắc nghiệt đối với thị trường này.

Trong khi các công ty Fintech trong phân khúc thanh toán tại Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, hoạt động cho vay ngang hàng và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất với hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020 (“2020 Fintech Vietnam Report and Startup Map: Fintech Startups Tripled since 2017”, 2020). Trong đó, 5 nền tảng cho vay ngang hàng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay gồm: Validus, Lendbiz, VNVon, Eloan và Vay Mượn. Trong đó Validus là nền tảng đến từ Singapore, 4 nền tảng còn lại được sở hữu bởi các công ty của Việt Nam. Hoạt động lưu trữ và mua bán tiền điện tử trong 3 năm trở lại đây cũng khá sôi nổi và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng cũng như việc phát hành, lưu trữ và mua bán tiền điện tử. Do đó, nhiều tổ chức và cá nhân đã lợi dụng khe hở của pháp luật để thực hiện cho vay nặng lãi, thao túng giá mua bán tiền điện tử dẫn đến những tiêu cực cho nền kinh tế và xã hội.

Năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam cũng chứng kiến sự xuất hiện của công nghệ bảo hiểm, ngân hàng kỹ thuật số và các doanh nghiệp tài chính vừa và nhỏ. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình ngân hàng kỹ thuật số với các chủ thể tiên phong như ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng Tiền Phong (TP Bank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), ngâNn hàng Quân Đội (MB Bank). Hầu hết các ngân hàng này đều đi theo con đường liên kết hoặc mua lại một công ty Fintech để phát triển mô hình ngân hàng số.

Nhìn chung, Fintech Việt Nam đã có bước phát triển đáng chú ý nhưng vẫn còn non trẻ khi so sánh với các nước cùng khu vực như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Bên cạnh đó, nhiều phân khúc vẫn chưa có công ty thành lập hoạt động kinh doanh như quản lý đầu tư và huy động vốn cộng đồng.

3. Kết luận

Sự bùng nổ của Fintech đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính cũng như chính phủ các nước trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Với các phân khúc của Fintech như đã trình bày ở phần 1, Fintech là một xu hướng tất yếu để cải tiến hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia và phát triển kinh tế trong thời đại công nghệ số.

Thị trường Fintech Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất cao và sẽ tiếp tục thu hút nguồn tài trợ từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, áp lực cạnh tranh trên thị trường sẽ  ngày càng gia tăng, nhất là trong mảng thanh toán. Hiện nay, thanh toán là phân khúc phát triển mạnh nhất, tiếp đến là cho vay ngang hàng. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và giảm thiểu chi phí trong việc phát triển công nghệ mới, các ngân hàng xu hướng thực hiện sáp nhập và mua lại các công ty Fintech. Vì vậy, xu hướng sáp nhập và mua lại trên thị trường Fintech có thể gia tăng trong tương lai.

Sự phát triển mạnh mẽ của Fintech mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia nhưng cũng kèm theo nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính. Rủi ro lớn nhất là khuôn khổ pháp lý cho Fintech bởi vì phạm vi hoạt động của nó khá rộng với nhiều phân khúc khác nhau. Bên cạnh đó, Fintech là lĩnh vực không ngừng đổi mới, sáng tạo nên xây dựng các quy định pháp lý thường sẽ chậm hơn với sự vận hành của thị trường. Ngoài ra, rủi ro về công nghệ cũng là một vấn đề mà các chủ thể trên thị trường phải đối mặt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BaFin. (2016). Virtuelle Wahrungen/Virtual currency (VC). Truy xuất từ: https://www.bafin.de/DE/Aufsicht/ FinTech/VirtualCurrency/virtual_currency_node. html
  2. Belleflamme, P., Lambert, T., & Schwienbacher, A. (2014). Crowdfunding: Tapping the right crowd. Journal of Business Venturing, 29(5), 585-609.
  3. Bohme, R., Christin, N., Edelman, B., & Moore, T. (2015). Bitcoin: Economics, technology, and governance. Journal of Economic Perspectives, 29(2), 213-238.
  4. Dorfleitner G., Hornuf L., Schmitt M., Weber M. (2017) The FinTech Market in Germany. In: FinTech in Germany. Springer, Cham.
  5. Emekter, R., Tu, Y., Jirasakuldech, B., & Lu, M. (2015). Evaluating credit risk and loan performance in online Peer-to-Peer (P2P) lending. Applied Economics, 47(1), 54-70.
  6. ESA. (2015). Joint committee discussion paper on automation in financial advice. European Supervisory Authorities. Truy suất từ: https://www.eba.europa.eu/documents/10180/1299866/JC+2015+080+Discussion+ Paper+on+automation+in+financial+advice.pdf
  7. Fein, M. L. (2015). Robo-advisors: A closer look. Banking & Insurance Journal, 7(174), 1-33.
  8. Financial Stability Board (2017). Financial stability implications from fintech. Truy suất từ: https://www.fsb.org/ wp-content/uploads/R270617.pdf
  9. Le Nhat, H., Le Thanh, T. (2018). Fintech for Promoting Financial Inclusion in Vietnam: Fact Findings and Policy Implications. Business & Social Sciences Journal, 3(1), 12-20.
  10. Liu, Y.-Y., Nacher, J. C., Ochiai, T., Martino, M., & Altshuler, Y. (2014). Prospect theory for online financial trading. PLoS ONE, 9(10), 1-7.
  11. Lukonga, M. I. (2018). Fintech, inclusive growth and cyber risks: focus on the MENAP and CCA regions. USA: IMF Working Paper.
  12. Nicoletti, B., Nicoletti, W., & Weis. (2017). Future of FinTech. Basingstoke, UK: Palgrave Macmillan.
  13. Segal, M. (2015). Peer-to-peer lending: A financing alternative for small businesses. Issue Brief, 10. Truy suất từ: https://www.mbda.gov/sites/default/files/migrated/files- attachments/Issue-Brief-10-P2P-Lending_0.pdf
  14. 2020 Fintech Vietnam Report and Startup Map: Fintech Startups Tripled since 2017. (2020). Truy suất từ: https://fintechnews.sg/45354/vietnam/2020-fintech-vietnam-report-and-startup- map/
  15. Vietnam IT Landscape 2020 - Vận hội mới của ngành IT Việt Nam trước sóng đầu tư. (2020). Truy xuất từ: https://topdev.vn/TopDev_VietnamITLandscape_2020.pdf

FINTECH - THE MODERN DEVELOPMENT TREND

OF FINANCIAL SECTOR 

• Master. TRAN LUONG MONG TRINH

Faculty of Accounting – Finance, Van Hien University

ABSTRACT:

The emergence of businesses which use technological advances in payment services, lending, investment and capital mobilization has usher in a new development era of financial sector. The term of Fintech also becomes more popular and attracts a great attention from researchers. This paper examines major contents of Fintech and analyzes its impacts on the financial sector. In addition, this paper provides an overview on the development of Fintech in Vietnam in 2020.

Keywords: financial technology, Fintech, digital payment, e-wallet, crowdfunding, peer-to-peer lending, cryptocurrencies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]