TÓM TẮT:
Vốn hóa thị trường là tổng giá trị thị trường của cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đang niêm yết, là một chỉ số để định giá công ty. Vốn hóa thị trường đã và đang có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam. Để đánh giá những tác động này, cần dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc. Trong phạm vi bài viết, tác giả hệ thống một số lý thuyết phổ biến đang được sử dụng để đánh giá tác động của vốn hóa thị trường đến hiệu quả tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam, làm cơ sở cho các doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Từ khóa: công ty bảo hiểm, hoạt động tài chính, vốn hóa thị trường, cổ phiếu, niêm yết.
1. Vốn hóa thị trường và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp
1.1. Vốn hóa thị trường
Xét từ khía cạnh thị trường, vốn hóa thị trường là tổng giá trị thị trường của cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đang niêm yết. Vốn hóa thị trường được tính bằng cách lấy số cổ phiếu của một công ty đang lưu hành nhân với giá thị trường của một cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường là thước đo quy mô và giá trị thị trường của một doanh nghiệp. Ngày nay, vốn hóa thị trường được chấp nhận rộng rãi như là một chỉ số để định giá doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của công ty được thể hiện trên kết quả lợi nhuận ròng và giá trị vốn hóa thị trường cao. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp một doanh nghiệp đang hoạt động tốt nhưng giá trị vốn hóa thị trường thấp nếu như sản phẩm và danh tiếng của công ty không thu hút được sự yêu thích của công chúng.
1.2. Hiệu quả hoạt động tài chính
Hiệu quả hoạt động tài chính của một doanh nghiệp là tổng lời và lỗ trong một khoảng thời gian xác định. Lợi nhuận là mục tiêu cuối cùng đối với sự tồn tại mọi tổ chức thương mại. Khi phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận là điều quan trọng nhất. Khả năng sinh lời là thước đo mức độ hiệu quả của doanh nghiệp và cuối cùng là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh. Để đánh giá tình hình tài chính toàn diện của công ty, kế toán đưa ra hai báo cáo chính, báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cung cấp các số liệu quan trọng, phản ánh kết quả tích lũy mọi hoạt động kinh doanh của một công ty, doanh nghiệp tại thời gian nhất định. Tuy nhiên, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được lập dựa trên tính cân đối giữa doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh, các chỉ số lợi nhuận phản ánh khả năng sinh lời và thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng trong việc ra các quyết định quản trị, cũng như quyết định đầu tư cho vay.
2. Một số lý thuyết xác định tác động của vốn hóa thị trường và hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam
Hiện nay, thị trường bảo hiểm của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đầy hứa hẹn. Tính đến ngày 31/12/2019, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 16 doangh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 21 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Có 10 doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm: Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (HOSE: BMI), Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HOSE: PGI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI), Công ty cổ phần PVI (HNX: PVI), Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR), Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (UPCoM: MIG). Trong những năm gần đây, các công ty bảo hiểm có tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 10 - 15% mỗi năm [7]. Đối với các nhà đầu tư tổ chức, cổ phiếu bảo hiểm rất được quan tâm. Việc mua cổ phiếu bảo hiểm của các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các công ty nước ngoài sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.
Để xác định tác động của vốn hóa thị trường và hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam có thể dựa vào một số lý thuyết sau:
2.1. Về lý thuyết tổng quan
Thứ nhất, lý thuyết về mô hình định giá tài sản vốn (CAPM).
Mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) của William Sharpe (1964) và John Lintner (1965) đánh dấu sự ra đời của lý thuyết định giá tài sản vốn. CAPM là một công cụ hữu ích để ước tính chi phí vốn cho các công ty và lợi nhuận mong đợi của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào tài sản của công ty. CAPM giải thích sự cân bằng giữa lợi nhuận của tài sản và rủi ro hệ thống của chúng, rủi ro hệ thống của một tài sản phụ thuộc vào sự hiệp phương sai của nó với danh mục thị trường. Tổng rủi ro của tài sản bao gồm rủi ro có hệ thống còn được gọi là rủi ro thị trường hay rủi ro không thể thay đổi, và không có hệ thống, còn được gọi là rủi ro xác định cụ thể hoặc có thể đa dạng.
Điểm mạnh của CAPM là những dự đoán trực quan và mạnh mẽ về cách đo lường rủi ro và mối quan hệ giữa những rủi ro đó với lợi nhuận kỳ vọng. Theo mô hình CAPM mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro được diễn tả bởi công thức sau:
E (Ri) = Rf + βi (E(Rm)-Rf)
Rf là lợi nhuận không rủi ro; βi là hệ số beta của cổ phiếu i.
Rm là lợi nhuận kỳ vọng của danh mục thị trường.
(E(Rm )-Rf) là phần bù thị trường (chênh lệch giữa kỳ vọng lợi suất thị trường và lãi suất phi rủi ro).
Đây là mô hình mô tả mối quan hệ giữa rủi ro có hệ thống và lợi nhuận kỳ vọng. Còn rủi ro phi hệ thống không được xem xét trong mô hình này do rủi ro phi hệ thống là phần rủi ro tổng thể của tài sản có thể được loại bỏ bằng cách đa dạng các danh mục đầu tư. Trong mô hình này, lợi nhuận kỳ vọng của một chứng khoán bằng lợi nhuận không rủi ro (risk-free) cộng với một khoản bù đắp rủi ro dựa trên cơ sở rủi ro toàn hệ thống của chứng khoán đó (β). Hệ số β được định nghĩa như là hệ số đo lường mức độ biến động lợi nhuận cổ phiếu cá biệt so với mức độ biến động lợi nhuận danh mục cổ phiếu thị trường. Lợi nhuận kỳ vọng của một chứng khoán có quan hệ đồng biến với hệ số β của nó. Cổ phiếu có beta càng lớn thì rủi ro càng cao, do đó, đòi hỏi lợi nhuận cao để bù đắp rủi ro. Mô hình CAPM có ưu điểm là đơn giản và có thể ứng dụng được trên thực tế. Tuy nhiên, CAPM không tránh khỏi những hạn chế và sự chỉ trích về tính hiện thực.
Thứ hai, lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT).
Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại được Harry Markowitz giới thiệu trong bài “Lựa chọn danh mục đầu tư” xuất bản trên Tạp chí Tài chính vào năm 1952. Lí thuyết này dùng các mô hình toán học nhằm nhấn mạnh tính đa dạng hóa của danh mục đầu tư có độ rủi ro san sẻ chung thấp hơn so với việc lựa chọn các đầu tư các tài sản riêng lẻ. Khả năng này, có thể được nhìn thấy bằng trực giác vì các loại tài sản, chứng khoán khác nhau thường thay đổi giá trị theo những cách trái ngược nhau. Nhưng đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ làm hạn chế các rủi ro một cách đáng kể ngay cả khi lợi nhuận của các chứng khoán này không có tương quan cùng chiều với nhau một cách hoàn hảo, nhờ vậy biến động giảm lợi nhuận của chứng khoán này có thể được bù đắp bằng biến động tăng lợi nhuận của chứng khoán khác. Một kiểu đơn giản hóa của lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại là “Đừng bỏ tất cả trứng vào một cái giỏ”. Thay vào đó, lợi tức đầu tư của một cá nhân không quan trọng bằng hiệu quả của một khoản đầu tư khi so sánh với toàn bộ danh mục đầu tư.
2.2. Về lý thuyết thực nghiệm
Về mặt thực nghiệm, có thể kể đến một số lý thuyết sau:
Marc Reinganum (1999) cho rằng, vốn hóa thị trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến lợi nhuận của danh mục đầu tư. Tác giả kết luận rằng tỷ lệ vốn hóa thị trường phản ánh các quyết định kế tiếp của nhà đầu tư. Có thể thấy rằng sự linh hoạt trong việc dịch chuyển vốn hóa thị trường tác động thuận đến lợi nhuận. Ông khuyến nghị rằng, nên cung cấp sự linh hoạt hơn để thay đổi mức chênh lệch vốn hóa, hoặc nhà đầu tư hoặc chuyên gia tư vấn của họ nên điều chỉnh đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Ming-Chin Chen, Shu-Ju Cheng and Yuhchang Hwang (2005) đã tìm hiểu mối tương quan giữa sự tạo ra giá trị hiệu quả, việc định giá thị trường và hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty. Kết quả cho thấy rằng, vốn trí tuệ của công ty có ý nghĩa giải thích cao hơn đối với việc định giá thị trường và hiệu suất tài chính, và có khả năng sẽ là một chỉ số quan trong việc đánh giá hiệu quả tài chính trong tương lai. Bên cạnh đó, nghiên cứu nhấn mạnh rằng nhà đầu tư có thể đặt các giá trị tương ứng không đồng nhất vào 3 yếu tố cấu thành nên tạo ra giá trị hiệu quả (nguồn vốn hữu hình, nguồn vốn nhân lực và nguồn vốn cơ cấu). Kết quả cũng mở rộng kiến thức về vai trò của vốn trí tuệ trong việc tạo ra giá trị doanh nghiệp và xây dựng lợi thế bền vững cho các công ty ở các nền kinh tế mới nổi, nơi những tiến bộ công nghệ khác nhau có thể mang lại những tác động khác nhau cho việc định giá vốn trí tuệ.
Gopinath N (2005) đã tiến hành một nghiên cứu xác định mô hình biến động giá cổ phiếu dựa trên vốn hóa thị trường của 10 công ty khác nhau tại Ấn Độ, dựa trên dữ liệu hàng tháng và hàng quý trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 1996 đến tháng 3 năm 2009. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa giá cổ phiếu và tỷ số giá trên lợi nhuận, vốn hóa thị trường, tỷ lệ doanh thu giá trị sổ sách và lợi nhuận thị trường. Hiểu được mối tương quan đáng kể giữa hoạt động tài chính và hành vi cổ phiếu, nghiên cứu đóng góp ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vai trò của tăng trưởng kinh tế đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Prasetyantoko & Rachmadi (2008) đã tập trung nghiên cứu các công ty niêm yết trong giai đoạn 1994-2004 tại sàn chứng khoán Jakarta, và cho rằng quy mô của một công ty ảnh hưởng tới sự thay đổi của tỷ suất sinh lời nhưng không liên quan đến vốn hóa thị trường. Tác giả cùng khẳng định các yếu tố vĩ mô là những biến quan trọng hơn đối với hoạt động của công ty, thay vì các yếu tố nội bộ của công ty. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy quyền sở hữu đóng vai trò thiết yếu đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tốt hơn nhiều, xét về tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và tăng trưởng vốn hóa thị trường so với các công ty có vốn đầu tư trong nước.
Dastgerdi (2012) đã nghiên cứu tác động của lợi nhuận và các yếu tố kinh tế vĩ mô lên giá trị vốn hóa thị trường của các ngân hàng Trung Đông. Nghiên cứu thu thập dữ liệu tại 44 ngân hàng hoạt động từ năm 2005 đến năm 2014 ở các quốc gia Trung Đông khác nhau. Kết quả của nghiên cứu cho thấy giá trị vốn hóa thị trường có mối quan hệ tích cực với Return on Investment (ROI) và tiêu cực với rủi ro tín dụng, lạm phát và giả năm đối với các ngân hàng Trung Đông. Hơn nữa, không có mối tương quan nào giữa vốn hóa thị trường với Return on Asset (ROA), Return on Equity (ROE), sự tăng trưởng và tỷ giá hối đoái của các ngân hàng tại Trung Đông.
Munther Al-Nimer và Nimer Alslihat (2015) tiến hành trên khía cạnh hiệu quả hoạt động tài chính, chủ yếu là 3 tỷ suất sinh lời (ROA, ROE và ROI) suốt thời gian 4 năm từ năm 2010 đến năm 2013, bao gồm 25 công ty trong lĩnh vực bảo hiểm Jordan niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Amman (ASE), phân tích dữ liệu trích xuất từ báo cáo tài chính công bố hàng năm. Kết quả chỉ ra rằng, khả năng sinh lời được đo lường bằng 3 tỷ số ROA, ROI, ROE có mối tương quan tích cực đối với vốn hóa thị trường tại các công ty hoạt động bảo hiểm niêm yết trên sàn ASE trong giai đoạn trên.
Trên đây là một số lý thuyết tổng quan và lý thuyết thực nghiệm để xác định tác động của vốn hóa thị trường và hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam. Những lý thuyết này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Các nhà quản trị doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết tại Việt Nam có thể tham khảo để đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Dastgerdi. (2012). Profitability levels and relation between earnings, equity value and equity book value. Journal of Strategic Management, 15, 58-64.
- Marc Reinganum. (Summer 1999). The Significance of Market Capitalization of Market in Portfolio Management over Time. Journal of Portfolio Management, 25(4), 39-50.
- Ming-Chin Chen, Shu-Ju Cheng and Yuhchang Hwang. (2005). An Empirical Investigation of the Relationship between Intellectual Capital, Firm’s Market Value and Firm’s Financial Performance. Journal of Intellectual Capital, 6(5), 159-176.
- Munther Al-Nimer and Nimer Alslihat. (2015). The Effect of Profitability Ratios on Market Capitalization in Jordanian Insurance Companies Listed in Amman Stock Exchange. Journal of Economics and Sustainable Development, 6(6).
- Prasetyantoko and Rachmadi Parmomo. (2008). Determinants of Corporate Performance of Listed Companies in Indonesia. MPRA Paper, 6777.
- Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm quốc gia Việt Nam (2020), Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu số 1, số 107, số 108, số 109) . <https://www.mof.gov.vn/>
SOME THEORIES ON EVALUATING THE IMPACTS OF MARKET CAPITALIZATION ON THE FINANCIAL PERFORMANCE OF LISTED INSURANCE COMPANIES IN VIETNAM
Master. NGUYEN BA HUY
Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment
ABSTRACT:
Market capitalization refers to the total value of all a company's shares of stock and it is an indicator of the company's valuation. The company’s market capitalization has had a strong impact on the financial performance of listed insurance companies in Vietnam. Evaluating this impact should be based on solid theories. This paper reviews some popular theories on evaluating the impact of market capitalization on the financial performance of insurance companies listed in Vietnam. This paper is expected to suggest a basis strategic orientation for businesses in the coming time.
Keywords: insurance companies, financial activities, market capitalization, stocks, listing.