TÓM TẮT:
Sự ổn định trong thu nhập (Earnings smoothness) là một chủ đề đang và đã nhận được nhiều tranh luận. Do đó, bài nghiên cứu được thực hiện nhằm phát hiện và xác định các nhân tố làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với mục tiêu nghiên cứu khám phá và khẳng định các nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp đang niêm yết để đưa ra các hàm ý cho những nhà quản trị doanh nghiệp. Trong bài nghiên cứu này, tác giả tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định của thu nhập thông qua các nghiên cứu trước và cơ sở lý thuyết xem xét các quan hệ và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định của thu nhập, đó là: (i) Quy mô công ty (Size); (ii) Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI); (iii) Tỷ suất lợi nhuận thuần; (iv), Đòn bẩy tài chính của công ty; (v) Tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu; (vi) Quyết định của ban giám đốc; (vii) Công ty kiểm toán.
Từ khóa: Ổn định thu nhập, quản lý thu nhập, báo cáo tài chính.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang khôi phục sau những khủng hoảng và trì trệ để hòa mình vào nền kinh tế thế giới, ngoài các tác động tích cực từ Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp cũng thể hiện năng lực vốn để vươn ra tầm quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đang trong tình trạng “khát vốn”, nhưng hầu hết họ khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các phía nhà đầu tư. Việc khó huy động vốn một phần do yếu tố khách quan là lãi cho vay khá cao, một phần là do nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp. Việc một nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư từ hay một ngân hàng đưa ra quyết định cho vay, họ thường dựa và kết quả, các chỉ tiêu đánh giá mức độ hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời của doanh nghiệp để ra quyết định. Vì vậy, thông tin kế toán là yêu cầu cơ bản nhất để các nhà đầu tư thu nhập các thông tin tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Một nguồn thông tin kế toán đó là các báo cáo tài chính. Các báo tài chính này là thông tin về tình hình tài chính và hoạt động tài chính của doanh nghiệp (Rilla, 2015), để đáp ứng được các yêu cầu đó, các doanh nghiệp sử dụng các thủ thuật tạo sự ổn định trong thu nhập. Các đối tượng sử dụng thông tin này gồm các nhân viên công ty, quản lý, giám đốc công ty hoặc các chủ nợ, các nhà đâu tư,… nên các thông tin được trình bày trong các báo cáo tài chính phải hiểu được, có liên quan, đáng tin cậy và so sánh với mô tả tình trạng của công ty vào các dự án trong quá khứ và tương lai. Một trong những thông tin được các nhà đầu tư quan tâm nhất là chỉ tiêu lợi nhuận. Việc một doanh nghiệp có chỉ tiêu lợi nhuận giữa các năm không ổn định có nhiều biến động, lúc cao lúc thấp thì các nhà đầu tư sẽ nghi ngờ khả năng hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp đó. Vì vậy, để các nhà đầu tư yên tâm đưa ra các quyết định đầu tư, các doanh nghiệp cần thể hiện sự ổn định trong thu nhập của mình vì sự định trong thu nhập là tín hiệu dự báo về tương lai ổn định, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vì vậy, việc nhận diện được thông tin về sự ổn định trong thu nhập của các nhà quản trị nhằm giúp các đối tượng sử dụng thông tin, đặc biệt nhà đầu tư có được thông tin chính xác để đưa ra các quyết định đúng đắn và có thể mang lại lợi ích cho nhà đầu tư là một đề có ý nghĩa rất lớn. Nhận thấy được ý nghĩa thiết thực đó, bài báo này làm rõ bản chất của sự ổn định thu nhập trong các doanh nghiệp và xây đựng mô hình các yếu tố tác động đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết.
2. Sự ổn định trong thu nhập và các nghiên cứu trước đây
2.1. Khái niệm
Theo Beidleman (1993) định nghĩa, sự ổn định trong thu nhập là việc các nhà quản lý nỗ lực làm giảm thiểu biến động bất thường trong thu nhập trong phạm vi cho phép của nguyên tắc kế toán. Và quản lý tốt thu nhập được mô tả như một sự lựa chọn quản lý, đó là các nhà quản lý di chuyển thu nhập từ những năm đỉnh cao đến năm thấp để các dòng thu nhập báo cáo xuất hiện ít biến động.
Theo Eckel (1981) cho rằng làm ổn định trong thu nhập được chia thành hai trường hợp; một cách ổn định tự nhiên và cố ý ổn định của các nhà quản trị. Trong trường hợp đầu tiên, việc ổn định thu nhập xảy ra một cách tự nhiên, và quá trình này vốn đã tạo ra một dòng thu nhập ổn định cho công ty. Trong khi ở trường thứ hai, việc ổn định thu nhập xảy ra vì các nhà quản trị sử dụng các kỹ thuật thực làm ổn định hoặc cố ý tạo ra sự ổn định trong thu nhập (sử dụng các kỹ thuật kế toán). Trong nghiên cứu về sự ổn định trong thu nhập của Moses (1987) thừa nhận rằng, các phương pháp kế toán để giảm biến động thu nhập chứ không phải là tối đa hóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu được sử dụng rộng rãi trong quản lý. Hoặc như một số nhà quản lý và các nhà nghiên cứu cho rằng sự ổn định trong thu nhập che giấu thông tin (Levitt 1998). Theo quan điểm này, người trong cuộc làm ổn định thu nhập để che giấu hành động của họ và tránh can thiệp của bên ngoài để tạo điều kiện khai thác lợi ích cá nhân. Ví dụ, các nhà quản lý có thể làm ổn định thu nhập để đáp ứng các mục tiêu tiền thưởng (Healy 1985) và bảo vệ công việc của họ. Việc tạo sự ổn định thu nhập nhằm đạt được vị trí thu nhập mong muốn trong báo cáo thu nhập của công ty để thu hút sự quan tâm của thị trường trong việc đầu tư vào công ty, bởi vì sự chú ý của nhà đầu tư thường chỉ tập trung vào các việc công ty sử dụng nguồn vốn để tạo ra thu nhập thông tin. Ngoài thu nhập, nhà quản trị tác động lên thu nhập nhằm mục đích tăng sự hài lòng của các cổ đông của mình thông qua sự tăng trưởng và ổn định trong thu nhập thông qua các báo cáo, nhưng vẫn trong giới hạn của nguyên tắc kế toán áp dụng.
2.2. Mục đích của ổn định thu nhập
Thứ nhất, việc thực hiện hành vi ổn định thu nhập nhằm thể hiện nỗ lực của bộ phận quản lý doanh nghiệp nhằm giảm các thay đổi bất thường trong thu nhập của doanh nghiệp, cải thiện hình ảnh của công ty trong mắt các nhà đầu tư.
Thứ hai, sự ổn định của thu nhập là tín hiệu báo về tương lai ổn định, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thứ ba, cải thiện sự hài lòng của các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của bên ngoài về khả năng quản lý doanh nghiệp của các nhà quản trị.
Thứ năm, tăng mức hài lòng của cổ đông dành cho nhà quản lý doanh nghiệp.
3. Các nhân tố của mô hình
3.1. Các yếu tố của mô hình
Quy mô công ty: Trong một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, các công ty lớn thường có động cơ rất lớn trong việc thực hiện hành vi tạo sự ổn định trong thu nhập nhiều hơn các công ty có quy mô nhỏ do các công ty lớn chịu nhiều sự quan tâm từ nhà nước, các nhà đầu tư và công chúng (Moses (1987); Tucker và Zarowin (2006). Vì khi các công ty có tốc độ tăng lợi nhuận quá nhanh sẽ dẫn đến việc đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước. Ngược lại, khi các công ty lợi nhuận bị suy giảm một cách đáng kể thì thể hiện công ty đang có dấu hiệu bất ổn trong việc kinh doanh, điều đó làm cho doanh nghiệp không thu hút được vốn đầu tư; đồng thời tình hình lợi nhuận của doanh nghiệp không ổn định, biến động quá lớn dẫn đến sự chú ý và can thiệp của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, các công ty muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư, tránh sự chú ý của các cơ quan nhà nước, họ luôn khuynh hướng tạo ra sự ổn định trong thu nhập chính là để các đối tượng sử dụng thông tin thấy được sự bền vững và tương lai ổn định thu nhập. Tuy nhiên, cũng có các nghiên cứu thực nghiệm của Tseng và Lai (2007) và Habib (2005) đã đưa ra kết quả là các công ty nhỏ có xu hướng tạo sự ổn định trong thu nhập hơn các công ty lớn, vì do là công ty nhỏ nên nó ít bị giám sát bởi các nhà đầu tư, các nhà phân tích. Trong nghiên cứu này, tác giả đưa ra nhân tố tác động của quy mô doanh nghiệp đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty.
Giả thuyết 1: Quy mô công ty có ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết?
Tỷ lệ sinh lợi (ROA): Lợi nhuận luôn luôn là chỉ tiêu mà các nhà đâu tư quan tâm nhất. Để ra được các quyết định đầu tư, các nhà đầu tư cần phải nghiên cứu các thông tin về tình hình lợi nhuận của các công ty mà mình quan tâm. Vì vậy, một chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoạt động của doanh nghiệp mà nhà đầu tư quan tâm đó là chỉ tiêu khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Biến khả năng sinh lời cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn vay và nguồn vốn sở hữu. Hai nguồn vốn này dùng để tài trợ cho các hoạt động của công ty, hiệu quả của việc chuyển vốn đầu tư thành lợi nhuận được thế hiện qua biến này. Vì khi biến này càng cao, thể hiện doanh nghiệp đang kiếm được nhiều tiền hơn trên số lượng vốn đầu tư hiện có. Để kiểm định giải thuyết này, một số nghiên cứu thực nghiệm của Edward (2015) đã đưa ra kết quả là biến ROA không có ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các doanh nghiệp niêm yết, tuy nhiên cũng có nghiên cứu của Mod (2014) chỉ ra được biến này có ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định trong thu nhập. Vậy, biến ROA này có hay chăng ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp.
Giả thuyết 2: Khả năng sinh lời (ROA) ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết
Tỷ suất lợi nhuận thuần (ROS): Tỷ suất lợi nhuận thuần thể hiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua chỉ tiêu doanh thu. Một nghiên cứu của Khadejeh (2013) đã kiểm định sự tác động của biến này lên sự ổn định trong thu nhập và kết quả biến này không tác động đáng kể đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp. Tuy nghiên, cũng có một số nghiên cứu khác cho kết quả ngược lại. Vậy, có hay chăng sự ảnh hưởng của tỷ suất lợi nhuận thuần lên sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp.
Giả thuyết 3: Tỷ suất lợi nhuận thuần ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết
Đòn bẩy tài chính (LEV): Là khái niệm dùng để chỉ sự kết hợp giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trong việc điều hành chính sách tài chính của doanh nghiệp. Đòn bẩy tài chính sẽ rất lớn trong các doanh nghiệp có tỷ trọng nợ phải trả cao hơn tỷ trọng của vốn chủ sở hữu. Ngược lại, đòn bẩy tài chính sẽ thấp khi tỷ trọng nợ phải trả nhỏ hơn tỷ trọng của vốn chủ sở hữu. Theo Hanafi (2004), đòn bẩy tài chính có thể được hiểu là độ lớn của gánh nặng tài chính của các công ty trước các khoản nợ vay. Và các công ty phải luôn luôn có một khoản tài chính để cố định để thanh toán lãi suất của các khoản nợ phát sinh của công ty. Vì vậy, đòn bẩy tài chính cung cấp cho các nhà phân tích một công cụ quan trọng để dự kiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu. Tác giả thực hiện nghiên cứu để kiểm định biến đòn bẩy tài chính có hay không ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp.
Giả thuyết 4: Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các các công ty niêm yết.
Tỷ số nợ (D/E): Tỷ số này cho biết quan hệ giữa vốn huy động bằng đi vay và vốn chủ sở hữu. Tỷ số này nhỏ chứng tỏ doanh nghiệp ít phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ; có thể hàm ý doanh nghiệp chịu độ rủi ro thấp. Vậy, chúng ta đi kiểm nghiệm giả thuyết biến này có ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp.
Giả thuyết 5: Tỷ số nợ ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết.
Quyết định của ban giám đốc (BGD): Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, so với chủ sở hữu của công ty thì những người quản lý công ty như ban giám đốc thường có xu hướng tạo sự ổn định trong thu nhập đáng kể hơn, do các nhà quản trị muốn chứng minh năng lực và giá trị bản thân vì mục đích cá nhân chẳng hạn như vì mục tiêu tiền thưởng theo Burns và Kedia (2006) ghi lại các động lực để các nhà quản trị thực hiện việc ổn định trong thu nhập là để bảo vệ công việc. Và Beidleman (1973) và Ronen và Sadan (1981) đã ghi nhận động lực để thực hiện việc tạo sự ổn định trong thu nhập, vì sẽ có chế độ đãi và các khoản thưởng tốt hơn.
Giả thuyết 6: Giám đốc tài chính có ảnh hưởng đến sự ổn định tronh thu nhập của các công ty niêm yết.
Chất lượng kiểm toán (AUD): Chủ thể kiểm toán là một phần không thể thiếu trong BCTC của doanh nghiệp niêm yết. Chính về thế, những doanh nghiệp được thực hiện bởi các công ty kiểm toán lớn như 4 big (Công ty kiểm toán KPMG, Ernst & Young, Deloitte, PWC) thì một ý kiến kiểm toán viên là việc gián tiếp xác nhận chủ quan về mức độ tin cậy của BCTC của doanh nghiệp. Khi nhận được ý kiến kiểm toán uy tín, chuyên nghiệp thì doanh nghiệp tự tin và sẵn sàng công bố thông tin về thu nhập và mức độ công bố sẽ cao hơn. Kết quả nghiên cứu của Owusu - Ansah và Yeoh (2005) nghiên cứu đã xác định rằng loại và kiểm toán có quan hệ mật thiết đến mức độ công bố thông tin bắt buộc của doanh nghiệp. Vì vậy, khi công ty kiểm toán bởi công ty kiểm toán có quy mô lớn và chuyên nghiệp thì thông tin công bố về mức ổn định thu nhập của doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn.
Giả thuyết 7: Việc lựa chọn công ty kiểm toán bởi các công ty kiểm toán lớn big 4 (Công ty kiểm toán KPMG, Ernst & Young, Deloitte, PWC) có ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết.
3.2. Mô hình nghiên cứu tổng quát
Hình 1: Mô hình nghiên cứu tổng quát
4. Mô hình các nhân tố tác động đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết
4.1. Chỉ số đo lường sự ổn định trong thu nhập
Nghiên cứu này được sử dụng các hệ số của phương pháp biến đổi phát triển bởi Eckel (1981) để xác định sự hiện diện của hành vi ổn định thu nhập. Trong phương pháp này, các hệ số của các biến thể được sử dụng để đo lường sự thay đổi của doanh thu và thu nhập. Chỉ số nhận diện sự ổn định thu nhập trong doanh nghiệp được tính như sau: IS = CV ΔI/CV ΔS
Trong đó: ΔI là thay đổi thu nhập ròng hàng năm, ΔS là thay đổi doanh thu bán hàng hàng năm, CV là biến hệ số, CV ΔI là hệ số biến đổi đối với sự thay đổi trong thu nhập, CV ΔS là hệ số biến đổi đối với sự thay đổi trong doanh số bán hàng (CV ΔI < CV ΔS là nhóm ổn định trong thu nhập, CV ΔI > CV ΔS là nhóm không ổn định trong thu nhập).
4.2. Xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự ổn định trong thu nhập của các công ty niêm yết
IS = β0 + β1SIZE + β2ROA + β3ROE + β4D/A + β5LEV + β6BGD + β7AUD + ε
Trong đó: IS là sự ổn định trong thu nhập; β0 là hệ số chặn; SIZE, ROA, ROE, D/A, LEV, BGD, AUD là biến phụ thuộc; β1,… , β7 là hệ số ước lượng của mô hình; ε là sai số ngẫu nhiên.
5. Kết luận
Với mục tiêu nghiên cứu khám phá và khẳng định các nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định trong thu nhập của doanh nghiệp đang niêm yết đưa ra các hàm ý cho những nhà quản trị doanh nghiệp. Nghiên cứu đã đưa xây dựng mô hình nghiên cứu được đề xuất có 8 nhân tố với 7 giả thuyết, trong đó các biến độc lập bao gồm: Quy mô công ty (SIZE), Khả năng sinh lời (ROA); Tỷ suất lợi nhuận thuần; Đòn bẩy tài chính (LEV); Tỷ số nợ; Quyết định của ban giám đốc; Chất lượng kiểm toán (AUD).
Từ mô hình đã được xây dựng trong nghiên cứu trên, nhà đầu tư áp dụng mô hình này để tiến hành khảo sát và đo lường sự ổn định trong thu nhập của các doanh nghiệp, xác định được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của của doanh nghiệp và từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Beidleman, C. (1973). Income smoothing: The role of management. The Accounting Review, 48 (4), 653-667.
- Burns, N., Kedia, S., (2006). The impact of performance-based compensation on misreporting. Journal of Financial Economics, 79, 35-67.
- Eckel, N. (1981). The income smoothing. Hypothesis revisited, 14 (1), 50-90.
- Heavy, Paul, (1985), The effect of bonus schemes on accounting decisions, Journal of Accounting and Economics. 7, 85-107.
- Khadijeh Khodabakhshi Parijan (2013). “Income smoothing practices: An Empirical Investigation Of listed firms in Tehran stock exchange (TSE)”, Indian Streams Research Journal, 0.2105.
- Levitt, A. (1998), The numbers game. Unpublished remarks, Available at http:// www.sec.gov/ news/speeches,spch220.txt.
- Moses, O.D. (1987). “Income Smoothing and Incentives: Empirical Tests Using Accounting Changes”. The Accounting Review, 62 (2), 358-377.
- Owusu-Ansah,.S & Yeoh, J. (2005). The Effect of Legislation on Corporate Disclosure Practices. ABACUS, 41 (1), 92-109.
- Tucker, J., & Zarowin, P. (2006). Does income smoothing improve earnings informativeness? The Accounting Review, 86(1), 251. doi: 10.2308/accr.2006.81.1.251
- Habig, A. (2005). Firm specific determinants of income smoothing in Bangladesh: An empirical evaluation”. Advanes in International Accounting, 18, 53-71.
- Rilla, G.(2015).” Effect of Managerial Ownership Structure, Financial Risk and Its Value on Income Smoothing in the Automotive Industry and Food & Beverage Industry Listed in Indonesia Stock Exchange”. Research Journal of Finance and Accounting, 6 (4), 48-55.
- Ronen, J., and S. Sadan. (1981). Smoothing Income Numbers: Objectives, Means, and Implications. Boston, MA: Addison-Wesley Publishing Company.
- Tseng, L.J and Lai, C.W.(2007), The relationship between incom smoothing and company profitability: An empirical study. International Journal of Manggement, 24(4), 727-823.
- Tucker, J., & Zarowin, P. (2006). Does income smoothing improve earnings informativeness? The Accounting Review, 86(1), 251. doi: 10.2308/accr.2006.81.1.251.
ESTABLISHING THE MODEL OF FACTORS AFFECTING
THE EARNING SMOOTHNESS OF LISTED COMPANIES
• Master. LE THI NGA
Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT:
Earnings smoothness is a debatable issue. This study identifies some factors affecting the earnings smoothness of enterprises, especially listed companies. This study is to research, explore and affirm the factors affecting the earnings smoothness of listed companies in order to draw implications for business executives. This study summaries some factors affecting the earnings smoothness by reviewing previous studies and theoretical basis which examines the relationships and the influencing level of each factor, namely (i) Company size (Size), (ii) Return on investment (ROI); (iii) Net profit margin; (iv), Financial leverage; (v) Debt to equity ratio; (vi) Decision of management; (vii) Auditing firm.
Keywords: Imcome smoothing, earning management, financial statements.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]