TÓM TẮT:
Mục tiêu của nghiên cứu này phân tích các nhân tố tác động đến mức độ áp dụng kế toán môi trường tại các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả 280 bảng câu hỏi khảo sát và các báo cáo thường niên. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường bao gồm: (1) Hệ thống pháp luật; (2) Kinh tế; (3) Tính cạnh tranh; (4) Hệ thống đào tạo kế toán; (5) Nhà quản lý.
Từ khóa: Kế toán môi trường, chất lượng thông tin, doanh nghiệp niêm yết.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm đầu thế kỷ 21, với sự sụp đổ của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Mỹ như ENRON, WORLDCOM… đã gây chấn động dư luận Hoa Kỳ và thế giới. Qua đó, nhiều bài học quý giá đã được rút ra liên quan đến lĩnh vực kế toán, quản trị công ty và đặc biệt là chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc công khai hóa thông tin kế toán của các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết để một doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững hoạt động kinh doanh của mình.
Trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực kế toán - kiểm toán nói riêng, việc công bố các thông tin tài chính luôn giữ vai trò quan trọng để ra các quyết định kinh doanh. Tính minh bạch, trung thực của thông tin tài chính đóng vai trò to lớn trong việc ổn định thị trường chứng khoán và ổn định xã hội. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống thông tin kế toán và báo cáo tài chính minh bạch, cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định của nhà đầu tư, bên cạnh đó cần phải quan tâm hơn các thông tin phi tài chính, đặc biệt thông tin về môi trường hiện nay. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường tại Việt Nam.
Xuất phát từ những lý do đó, chúng tôi đã quyết định chọn đề tài: “Các nhân tố tác động đến mức độ áp dụng kế toán môi trường tại các DNNY ở Việt Nam”.
2. Tổng quan nghiên cứu
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng rất nhiều luật lệ và quy định về môi trường đã được ban hành nhằm buộc các doanh nghiệp chịu trách nhiệm giải trình về trách nhiệm môi trường của họ. Mặc dù các quy định đã nêu rõ về trách nhiệm môi trường và các biện pháp chế tài khá nặng. Tuy nhiên, việc hình thành quy định về kế toán môi trường như hạch toán, báo cáo là cần thiết, việc nâng cao ý thức của sự phát triển bền vững và sản xuất tương thích với việc bảo tồn hệ sinh thái. Kết quả thực nghiệm cho thấy, một số đặc điểm và nhân tố góp phần làm nên sự thành công trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế chẳng hạn như cam kết trách nhiệm xã hội, hình thành chiến lược môi trường, công nhận và điều chỉnh khả năng tổ chức, áp dụng các sáng kiến về môi trường (Alan S. Dunk, 2002; Farhad Analoui và Azhdar Karami, 2002; Khalid & cộng sự, 2012; Swart, Coetzee & Blignaut, 2008;…).
Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường xoay quanh các nhóm nhân tố như quan điểm của nhà quản lý, truyền thông nội bộ, áp lực thể chế, (Covaleski và Dirsmith, 1988; Hussain và Gunasekaran, 2002; Hussain và Hoque, 2002; Arnaboldi và Lapsley, 2003; Sila, 2007; Martinez-Costa và cộng sự, 2008). Bên cạnh một số nghiên cứu đưa ra các nhóm nhân tố tác động từ bên ngoài như các áp lực của pháp luật, các cân nhắc về tính hợp pháp đối với hoạt động của đơn vị và áp lực từ phía người sử dụng thông tin kế toán (Phạm Đức Hiếu, 2010; Jalaludinvà cộng sự, 2011; Wilmshurst và Frost, 2001;
Adams, 2002; Lodhia, 2003).
Từ việc xây dựng các tiêu chuẩn để lượng hóa mức độ áp dụng kế toán môi trường, nhiều nhà nghiên cứu trước đã đề xuất và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường nhằm thúc đẩy và ngày càng nâng cao chất lượng thông tin báo cáo thường niên. Tổng quan các nghiên cứu trước cho thấy có 2 nhóm nhân tố chính tác động, đó là: nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài DN. Tuy nhiên, đối với các DN niêm yết Việt Nam, kế thừa các nghiên cứu trước đề xuất nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán quản trị môi trường xoay quanh nhóm nhân tố chính được xem là có tác động mạnh mẽ đến việc ban hành kế toán quản trị môi trường của DN, gồm: Hệ thống pháp luật, Kinh tế, Tính cạnh tranh, Hệ thống đào tạo, Nhà quản lý.
3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện qua hai bước: nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức:
Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bởi phương pháp nghiên cứu định tính: tác giả sẽ thực hiện phỏng vấn, thảo luận chuyên gia (là những chuyên gia trong lĩnh vực kế toán tài chính quản trị, là giảng viên của các trường đại học, cao đẳng; giám đốc, các kế toán trưởng chuyên về lĩnh vực hành nghề kế toán kiểm toán) trên cơ sở các bài viết các nghiên cứu và các ý kiến liên quan tới đề tài, mục đích tìm ra các nhân tố tác động đến mức độ áp dụng kế toán môi trường và lựa chọn mô hình, là cơ sở để tác giả thiết lập bảng câu hỏi để sử dụng trong nghiên cứu chính thức.
Nghiên cứu chính thức được thực hiện bởi phương pháp nghiên cứu định lượng: bằng phương pháp này tác giả đánh giá độ tin cậy Cronbach’s alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA, tiếp đến xây dựng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá sự tác động, cũng như mức độ đóng góp của các nhân tố đến mức độ áp dụng kế toán môi trường của các công ty niêm yết ở Việt Nam.
3.2. Xây dựng thang đo
Trên cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước và thông qua nghiên cứu định tính (thảo luận ý kiến chuyên gia), bài viết đã lựa chọn các thang đo và điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế của các công ty niêm yết ở Việt Nam. Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường được tác giả tổng hợp và đề xuất bao gồm: Hệ thống pháp luật, Kinh tế, Tính cạnh tranh, Hệ thống đào tạo, Nhà quản lý. Kết quả tổng hợp ý kiến các chuyên gia về các thang đo trong mô hình nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1. Mã hóa các thang đo
Nguồn: Nhóm tác giả quy định mã hóa
3.3. Mẫu nghiên cứu
Cỡ mẫu mẫu trong nghiên cứu định tính là số lượng chuyên gia thông qua thảo luận để thu thập dữ liệu cho đến khi không thu thập được thông tin mới. Trong nghiên cứu định lượng, nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA với 33 biến quan sát. Nhóm tác giả đã gửi bảng khảo sát đến 320 DNNY, kết quả thu lại 280 bảng khảo sát hợp lệ. Như vậy, cỡ mẫu đảm bảo phù hợp theo điều kiện về kích thước mẫu cho phân tích EFA và phân tích hồi quy đa biến. Dữ liệu được nhập, mã hóa, làm sạch và phân tích thông qua phần mềm SPSS 18.0.
4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
4.1. Kiểm định chất lượng thang đo
Các biến quan sát có hệ số tương quan biến tổng (item-total correlation) nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại và thang đo được chọn khi hệ số Cronbach’s Alpha từ 0.6 trở lên. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha được trình bày ở Bảng 2.
Bảng 2. Hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo các nhân tố ảnh hưởng
đến ban hành kế toán môi trường
Nguồn: Truy xuất từ kết quả phân tích SPSS
Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha được trình bày trong Bảng 2 cho thấy các thang đo đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0.6 và hệ số tương quan biến tổng của các thang đo đều lớn hơn 0.3. Ngoại trừ trường hợp biến PL5, biến QL3 của thang đo bị loại do không đạt yêu cầu. Do đó, các thang đo đều đạt yêu cầu và các biến quan sát được tiếp tục sử dụng phân tích nhân tố khám phá EFA.
4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường gồm 5 nhân tố được đo bằng 26 biến quan sát sau khi đạt độ tin cậy Cronbach’s Alpha (có 2 biến bị loại) tiếp tục được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Trong phân tích EFA lần thứ nhất, biến CT5 và QL2 bị loại do có hệ số tải chưa đạt yêu cầu (nhỏ hơn 0.5). Do đó, nghiên cứu thực hiện phân tích lần thứ hai sau khi loại biến CT5 và QL2.
Kết quả kiểm định Bartlett (Bartlett’s test of sphericity) trong bảng kiểm định KMO và Bartlett's với sig = 0.000, nghĩa là các biến quan sát vẫn có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.
Và chỉ số 0.5 <KMO = 0.860<1cho thấy phân tích nhân tố khám phá vẫn thích hợp cho dữ liệu thực tế.
Tại các mức giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, phân tích đã trích được 5 từ 22 biến quan sát và với phương sai trích là 69.846% (lớn hơn 50%). Điều này có nghĩa là 69.846% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát.
Bảng 3. Ma trận xoay nhân tố lần thứ hai
Nguồn: Truy xuất từ kết quả phân tích SPSS.
Dựa trên phân tích của bảng ma trận xoay nhân tố, kết quả thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường có tổng cộng 5 nhân tố được rút trích từ 22 biến quan sát.
4.3. Phân tích hồi quy tuyến tính bội
Năm nhân tố ảnh hưởng đến chất việc ban hành kế toán quản trị môi trường cùng với nhân tố việc ban hành kế toán môi trường sẽ được đưa vào phân tích tương quan và hồi qui tuyến tính bội với mô hình như sau:
MT = β0 + β1*PL+ β2*KT + β3*CT+ β4*DT+ β5*QL
Trong đó:
- MT: Biến phụ thuộc: Mức độ áp dụng kế toán môi trường
- Các biến độc lập: Hệ thống pháp luật (PL), Kinh tế (KT), Tính cạnh tranh (CT), hệ thống đào tạo kế toán (KT), Nhà quản lý (QL).
- βk: Hệ số hồi qui riêng phần. (k = 0…7)
4.3.1. Kết quả hồi quy
Các biến độc lập của mô hình được hồi qui một lượt trên phần mềm SPSS với kết quả thể hiện ở Bảng 4.
Bảng 4. Kết quả phân tích hồi qui bội
Nguồn: Truy xuất từ kết quả phân tích SPSS
Với kết quả phân tích hồi qui các giá trị Sig. đều nhỏ hơn 0.05; vì vậy, có thể khẳng định lần nữa các biến này có ý nghĩa trong mô hình.
4.3.2. Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình
- Mức độ giải thích của mô hình
Bảng 5 cho thấy R² điều chỉnh bằng 0.625, nghĩa là mức độ giải thích của mô hình là 62.5%. Cụ thể 5 nhân tố là PL, KT, CT, DT, QL giải thích được 62.5% biến phụ thuộc. Còn lại 37.5% xuất phát từ các nhân tố khác.
Kết quả hồi quy cho thấy thứ tự ảnh hưởng của các nhân tố đến mức độ áp dụng kế toán môi trường theo thứ tự tầm quan trọng lần lượt là: Hệ thống pháp luật; Nhà quản lý; Kinh tế; Hệ thống đào tạo kế toán và cuối cùng là Tính cạnh tranh. Điều này cho thấy Hệ thống pháp luật; Nhà quản lý có ảnh hưởng quan trọng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường.
5. Kết luận và một số khuyến nghị
5.1. Kết luận
Thông qua việc kế thừa các nghiên cứu trước có liên quan và sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, nghiên cứu này đã xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường của các DNNY. Với mẫu khảo sát 280 DNNY, kết quả kiểm định mô hình cho thấy có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng kế toán môi trường của các DNNY theo thứ tự quan trọng lần lượt là: Hệ thống pháp luật; Nhà quản lý; Kinh tế; Hệ thống đào tạo kế toán và cuối cùng là Tính cạnh tranh.
5.2. Một số khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy để nâng cao vai trò kế toán quản trị môi trường của các DNNY thì hệ thống pháp luật cần ban hành các văn bản pháp lý cụ thể về kế toán môi trường, Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các ban ngành liên quan phát triển các khung lý thuyết chung về kê toán môi trường, thiết lập chuẩn mực và chế độ kế toán môi trường mang tính chất bắt buộc. Đối với nhà quản lý chịu trách nhiệm cho việc thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức, cần phát triển các chính sách phù hợp với nhiệm vụ để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các DNNY cần chú trọng vào công tác đào tạo bồi dưỡng trình độ chuyên môn của bộ phận kế toán, nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân tham gia công tác kế toán, tạo điều kiện cho kế toán tham gia tập huấn cập nhật kiến thức nghiệp vụ, khi có chính sách thay đổi bổ sung. Hệ thống đào tạo kế toán tại các trường ĐH, CĐ cần xem xét bổ sung các nội dung kế toán môi trường trong chương trình đào tạo. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc công khai hóa thông tin kế toán đặc biệt là thông tin phi tài chính của các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết để một doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững hoạt động kinh doanh của mình, là thách thức đồng thời là cơ hội để kêu gọi đầu tư nước ngoài mở rộng quy mô.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adams, C.A. (2002), Internal organizational factors influencing corporate
social and ethical reporting: beyond current theorizing, Accounting, Auditing
vàAccountability Journal, Vol. 15 No. 2, pp. 223-50. - Covaleski, M.A. and Dirsmith, M.W. (1988), An institutional perspective on
the rise, social transformation and fall of a university budget category,
Administrative Science Quarterly, Vol. 33, pp. 562-87. - Hansen, D.R. and Mowen, M.M. (2005), Environmental Cost Management,
Management Accounting, Thomson-South-Western, Mason, OH, pp. 490-526. - Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên
cứu với SPSS, NXB Hồng Đức. - Martinez-Costa, M., Martinez-Lorente, A.R. and Choi, T.Y. (2008),
Simultaneous consideration of TQM and ISO 9000 on performance and
motivation: an empirical study of Spanish companies, International Journal
of Production Economics, Vol. 113, pp. 23-39. - Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh
doanh, NXB Lao động - Xã hội.
FACTORS AFFECTING THE IMPLEMENTATION OF ENVIRONMENTAL ACCOUNTING AT LISTED ENTERPRISES ON THE VIETNAMESE STOCK EXCHANGE
Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN KHAC HUNG
Master. PHAM THANH TRUNG
Saigon University
ABSTRACT:
This study is to analyze factors affecting the implementation of environmental accounting at listed enterprises on the Vietnamese stock exchange. Data used in the study were collected from 280 survey questionnaires and annual reports. Research results show that there are five factors affecting the implementation of environmental accounting, including: (1) Legal system; (2) Economics; (3) Competitiveness; (4) Accounting training system; and (5) Managers.
Keywords: Environmental accounting, information quality, listed enterprises.