TÓM TẮT:
Nâng cao hiệu quả tài chính là một vấn đề thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và nhà quản trị doanh nghiệp, bởi vì nó đóng một vị trí quan trọng trong sự phát triển của một công ty. Về lý thuyết, ngoài các yếu tố truyền thống, hiện nay, các nhà khoa học đang tìm hiểu mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lời trong quá khứ và hiệu quả tài chính hiện tại của các công ty. Về thực tiễn, Việt Nam là một nước nông nghiệp, do đó, các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế quốc gia. Để đạt được thành công và trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, mục tiêu chính của họ là nâng cao hiệu quả tài chính.
Trong bài viết này, các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm niêm yết ở Việt Nam được chọn làm đối tượng nghiên cứu, qua đó tìm ra mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lời trong quá khứ và hiệu quả tài chính hiện tại của các công ty.
Từ khóa: Nâng cao hiệu quả tài chính, tỷ suất lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, chế biến thực phẩm.
1. Tổng quan nghiên cứu
Trong các công trình khoa học tìm hiểu về hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, tỷ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là một thước đo được nhiều nhà kinh tế sử dụng. Năm 1985, Schmalensee sử dụng ROA như một chỉ tiêu để đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, qua đó tìm ra các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh doanh. Phát triển từ nền tảng này, các nhà khoa học khác như Guan, Qiu và Zhang (2009), Peters và Mullen (2009) đã nghiên cứu yếu tố quyết định tới hiệu quả tài chính bằng cách sử dụng ROA để đo lường hiệu quả tài chính của công ty.
Bên cạnh ROA, một số các chỉ số tài chính khác cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả tài chính của doanh nghiệp như tỷ suất doanh lợi vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất doanh lợi doanh thu (ROS), thu nhập ròng trên mỗi cổ phần thường (EPS), hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI), mức tăng trưởng doanh thu, Tobin’s Q. Tùy theo mục đích và mẫu nghiên cứu, các nhà khoa học như Walker (2001), Waddock và Graves (1997) Gerwin, Hans và Arjen (2007), Haniffa và Hudaib (2006), Lê Thị Bích Vân (2009),… lựa chọn các chỉ số đo lường cho phù hợp.
Geroski và Jaquemin (1998) và Mueller (1990) xây dựng mô hình với sự xem xét mối tương quan nối tiếp trong khả năng sinh lợi, trong đó biến trễ của biến phụ thuộc chiếm một thành phần động trong đó. Qua đây, Andreas Stierwald (2010) Salman và Yazdanfar (2012), Schmidt (2014), Serap ÇOBAN (2014) Ahmad (2015), Junnei Liuspita, Edi Purwanto (2019) đã tiến hành nghiên cứu và có những kết luận tương đối khác nhau về sự ảnh hưởng của tỷ suất sinh lời trễ đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
2. Phát triển các giả thuyết nghiên cứu
2.1. Giả thuyết nghiên cứu
Mặc dù có nhiều chỉ tiêu đo lường hiệu quả tài chính của doanh nghiệp, nhưng bài viết sẽ tập trung vào hai chỉ tiêu được tính toán dựa vào báo cáo tài chính được sử dụng nhiều nhất là tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng một chỉ số thị trường để đo lường hiệu quả tài chính của doanh nghiệp là hệ số Q của Tobin (Tobin’s Q).
Giả thuyết nghiên cứu: Không có mối quan hệ đáng kể giữa tỷ suất lợi nhuận trong quá khứ đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Dữ liệu
Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu dựa trên báo cáo tài chính của 29 doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2019.
3.2. Phương pháp xử lý dữ liệu
Kỹ thuật thống kê mô tả và suy diễn được sử dụng cho nghiên cứu để phân tích giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, phương sai, giá trị tối thiểu và tối đa, phạm vi, … với mục tiêu kiểm tra mối quan hệ tương quan giữa mức độ sinh lời trong quá khứ và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp ngành Sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019. Tất cả các phân tích dữ liệu được thực hiện thông qua việc sử dụng phần mềm thống kê STATA phiên bản 14.
4. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm
4.1. Thống kê mô tả
Chỉ số ROA của các doanh nghiệp dao động từ -1609% đến 212% và ROA trung bình là -18% cho thấy, xét ở giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019, sự sử dụng tài sản của các doanh nghiệp này không hiệu quả.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản < 0 là do có sự sụt giảm của lợi nhuận sau thuế ở một số doanh nghiệp lớn, trong đó, đa phần giảm ở năm 2018 và 2019.
Có thể thấy, ROA của các doanh nghiệp trong ngành là tương đối thấp, tuy nhiên, điều này rất phù hợp với đặc trưng của chỉ số tài chính ROA.
Trong khi đó, mức ROE trung bình của 29 doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm là 1.98%, và dao động trong khoảng từ -2709% đến 535%. Mặc dù, ROE trung bình > 0, nhưng nằm ở mức không cao.
Trái lại, hệ số Tobin’s Q trung bình của các doanh nghiệp được nghiên cứu lại đạt mức khá tốt, với kết quả là 1.063748. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đánh giá rất tốt tiềm năng của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam. (Bảng 1)
4.2. Phân tích tương quan
Hệ số tương quan Pearson trong bảng 2 cho thấy, tồn tại mối quan hệ tương quan cùng chiều và có ý nghĩa thống kê 5% giữa tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA trong quá khứ với hệ số Tobin’s Q. Trong khi đó, giữa ROAt-1 và các chỉ số tài chính ROA và ROE có mối tương quan cùng chiều nhưng không có ý nghĩa thống kê.
ROEt-1 có mối quan hệ tương quan dương với chỉ số ROA và Tobin’s Q, trong khi đó lại quan hệ ngược chiều với ROE. Tuy nhiên, mối quan hệ tương quan giữa ROE t-1 và các chỉ số tài chính đánh giá hiệu quả tài chính của doanh nghiệp đang xét lại không có ý nghĩa thống kê.
Chỉ số Tobin’s Q trong quá khứ có mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê với chỉ số ROA, và Tobin’s Q. Trong khi đó, mối tương quan dương với ROE lại không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu trước đây như nghiên cứu Salman và Yazdanfar (2012), Schmidt (2014), Ahmad (2015), Paula Pontes de Campos Rasera (2019).
5. Kết luận
Đây là một nghiên cứu có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Dựa vào kết quả cho thấy, các doanh nghiệp có thể tiến hành phân tích hồi quy mô hình động để xem xét mức độ ảnh hưởng của các biến này đến hiệu quả kinh doanh trong hiện tại. Từ đó, tìm ra giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Kết quả nghiên cứu cũng có thể được sử dụng làm tiền đề để xây dựng mô hình hồi quy tự tương quan về mức độ ảnh hưởng các yếu tố đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua đó khuyến nghị các giải pháp dài hạn đối với các doanh nghiệp trong ngành Sản xuất, chế biến thực phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Andreas Stierwald. (2010). Determinants of Profitability: An Analysis of Large Australian Firms. Melbourne Institute Working Paper, No 3/10.
- Ahmad, M. O. G. (2015). The effect of capital structure on the financial performance of listed companies in Bahrain Bourse. Journal of Finance and Accounting, volume 3, Issue 3, p.50-60.
- Gerwin Van der Laan, Hans Van Ees and Arjen Van Witteloostuijn. (2007). Corporate Social and Financial Performance: An Extended Stakeholder Theory, and Empirical Test with Accounting Measures. Journal of Business Ethics, volume 79, p. 299-310.
- Geroski, P. A. and A. Jaquemin. (1998). The Persistence of Profits: A European Comparison. Economic Journal, volume 98, Issue 391, p. 375-389.
- Guan Kai, Qiu Hao and Zhang Ying. (2009). An Analysis of External Factors Affecting Firm Performance. Journal of Statistics and Decision-Making 22, p. 181-183.
- Haniffa, R., & Hudaib, M. (2006). Corporate governance structure and performance of Malaysian listed companies. Journal of Business Finance and Accounting, volume 33(7) & (8), p.1034-1062.
- Junnei Liuspita, Edi Purwanto. (2019). The Profitability Determinants Of Food And Beverages Companies Listed At The Indonesia Stock Exchange, International journal of scientific & technology research, volume 8, issue 09, p.197-202.
- Margaretha,F. &Supartika,N. (2016). Factors affecting profitability of Small-Medium Enterprises (SMEs) firms listed in Indonesia Stock Exchange. Journal of Economics, Business and Management, volume 4, p. 132-137.
- Mueller, D. C. (1990). The Dynamics of Company Profits, Cambridge: Cambridge University Press.
- Peters, R., and Mullen, M. R. (2009). Some Evidence of the Cumulative Effects of Corporate Social Responsibility on Financial Performance. Journal of Global Business Issues 3, p.1-14.
- 11. Waddock, S. A., and Graves, S. B. (1997). The Corporate Social Performance— Financial Performance Link. Strategic Management Journal 18(4): 303-319volume(issue),
- Lê Thị Bích Vân (2009), Các chỉ tiêu tài chính cơ bản phản ánh hiệu quả kinh doanh của các công ty cổ phần trên TTCK Việt Nam, Tạp chí Thương mại.
A study on the correlation between the profitability in the past and the financial performance in the present of listed food production and processing companies in Vietnam
Le Thanh Huyen
Thuongmai University
ABSTRACT:
Improving financial efficiency is an issue that attracts the attention of many investors and business executives as it plays a key role in the business growth. In theory, besides tradition factors, researchers are examining the correlation between the rate of return in the past and the financial performance in the present of companies. Vietnam is an agricultural country, so food production and processing companies play an important role in the national economic development. In order to achieve success and become the pillar of Vietnam’s economy, food production and processing companies should improve their financial performance. This study examines listed food production and processing companies in Vietnam to find out the correlation between their profitability in the past and their financial performance in the present.
Keywords: Improving financial efficiency, profitability ratio, rate of return, food processing.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]