Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hòa Bình: Đa dạng tiềm năng, đa dạng sản phẩm

Chưa bao giờ ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình có tốc độ phát triển cao như năm 2002. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 474,2 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2001. Các dự án đầu tư

Đa dạng tiềm năng

Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc (cách Hà Nội 73 km, theo đường quốc lộ 6). Đây là tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên phục vụ khai thác và nhiều nông lâm sản phục vụ công nghiệp chế biến.

Khoáng sản là tiềm năng và cũng là thế mạnh quyết định đối với ngành Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp Hòa Bình. Tài nguyên này được đánh giá là đa dạng, phong phú, tuy nhiên trữ lượng, chất lượng cũng như giá trị khai thác và mức độ sử dụng còn hạn chế.

Một trong những khoáng sản quan trọng bậc nhất ở Hòa Bình là đá vôi, trữ lượng hàng trăm triệu tấn, tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Đà Bắc và Tx. Hòa Bình. Ngoài ra, Tỉnh còn có tài nguyên sét (trữ lượng khoảng 9 triệu mét khối), sắt ( gần 700.000 tấn), cát sỏi lòng sông trữ lượng lớn, chất lượng tốt… là nguồn nguyên liệu dồi dào, thuận lợi cho sản xuất vật liệu xây dựng.

Tuy là  tỉnh miền núi, nhưng nông-lâm-thuỷ sản của Hòa Bình rất đa dạng. Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn Tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá, hình thành các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, phục vụ đắc lực cho ngành công nghiệp chế biến. Hòa Bình nổi tiếng cả nước bởi đặc sản  chè Tuyết, mía đường có chất lượng cao và một số loại cây hoa màu ngắn ngày, đã trồng chuyên canh như lạc, đậu tương, ngô… Đặc biệt, phải kể đến các vùng trồng cây ăn quả (quy mô nông trường và quy mô hộ gia đình có diện tích nương vườn lớn) như vùng trồng cam, quýt, dứa, dưa hấu, nhãn, vải, na… Các vùng chuyên canh này ngày càng được mở rộng, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức thuận lợi, đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến Hòa Bình.

Theo kế hoạch, trong năm 2003, nhiều dự án nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Hòa Bình sẽ bắt đầu thực thi vì Hòa Bình có tiềm năng lớn về thuỷ sản: Tổng diện tích mặt nước trên 100 km², dung tích khoảng 9,5 tỷ mét khối nước. Diện tích mặt nước nếu được khai thác có thể mở rộng đến 180 km², khi đó sẽ là nguồn nguyên liệu tốt cho công nghiệp chế biến thuỷ sản.

 Đa dạng sản phẩm

Khai thác triệt để những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, trong năm 2002, Công nghiệp-Tiểu thủ Công nghiệp Hòa Bình đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Những thành tựu nổi bật nhất  thể hiện qua những con số đáng khích lệ: giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh đạt 474,2 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, tăng 17,3% so với 2001. Tổng số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tính đến hết 2002 là 4.877 cơ sở, trong đó có 5 doanh nghiệp quốc doanh trung ương, 13 doanh nghiệp quốc doanh địa phương, 4.856 cơ sở ngoài doanh và 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khối các doanh nghiệp quốc doanh trung ương đạt giá trị sản xuất 199,94 tỷ đồng, vượt 12% so với kế hoạch năm và tăng 16,9% so với năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở khối kinh tế này phát triển tốt, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, như Nhà máy Xi măng Sông Đà, Công ty X18. Xí nghiệp cơ điện nông nghiệp và thủy lợi Hòa Bình nhờ đổi mới hình thức quản lý nên tình hình sản xuất kinh doanh đã được cải thiện so với năm 2001.

Đặc biệt, GTSX khối công nghiệp địa phương đạt 251,76 tỷ đồng, tăng 21,86% so với 2001. Nhiều năm qua, công nghiệp địa phương thường chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp Tỉnh. Theo ông Hà Văn Thanh, Trưởng phòng Công nghiệp ngoài quốc doanh thì "Công nghiệp địa phương là tác lực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của Tỉnh. Nếu cơ chế linh hoạt thì dù quy mô còn nhỏ, còn manh mún, công nghiệp địa phương vẫn có điều kiện phát triển và góp phần rất quan trọng trong cơ cấu CN-TTCN tỉnh, đồng thời giúp nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống”. Đây là giai đoạn phát triển mạnh của khu vực kinh tế cá thể của Công nghiệp Hòa Bình.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hòa Bình trong năm 2002 tuy không đạt được mức tăng trưởng như đã đề ra, do thiếu nguyên liệu và không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, song không làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của toàn Ngành, giá trị sản xuất đạt 22,5 tỷ đồng.

Công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, lắp ráp điện tử, khai thác được xem là các ngành mũi nhọn trong phát triển CN-TTCN tỉnh Hòa Bình. Tỉnh chủ trương tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên để tận dụng các nguồn lực sẵn có, như nông lâm sản dồi dào, nguồn lao động đông, thị trường tiêu thụ nội tỉnh và các vùng lân cận còn nhiều tiềm năng; nhằm thực hiện cho được định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng CN-TTCN bên cạnh ngành Dịch vụ, Du lịch. Năm 2002, công nghiệp Hòa Bình đã sản xuất được nhiều sản phẩm như đá xây dựng các loại đạt 683.600 mét khối (tăng 93,6%), ximăng đạt 240.700 tấn (tăng 22,4%), may mặc đạt 695.000 sản phẩm (tăng 27,3%), gạch  nung 108 triệu viên (tăng 3,16%), đường kính 5.863 tấn (tăng 93,6%).

Về đầu tư phát triển lưới điện, Ngành đã tích cực phối hợp với các ngành hữu quan, thực hiện phát triển lưới điện từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn chương trình 135, 747… với tổng trị giá 144,583 tỷ đồng. 190/214 xã trong Tỉnh đã có điện lưới quốc gia, đạt 88,8%; 93,9% số xã phường có điện và tổng số hộ được sử dụng điện cho đến  nay là 79,86%. Việc đưa các công trình điện đã hoàn thành trong năm 2002 vào sử dụng của tỉnh Hòa Bình đã đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện đời sống, phát triển sản xuất của nhân dân. Tỉnh chủ trương, các UBND huyện phải phối hợp chặt chẽ với Điện lực Hòa Bình để mở các lớp đào tạo thợ điện nông thôn, bổ sung cho tổ quản lý điện tại các địa phương. Việc làm trên không chỉ giúp Công nghiệp địa phương có điều kiện đẩy mạnh sự tăng trưởng sản xuất, kinh doanh hơn nữa, mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống cho bà con nông thôn. Đã có 3 lớp thợ điện nông thôn như thế được mở ở 3 huyện Cao Phong, Lạc Thuỷ và Yên Thuỷ.

Lĩnh vực phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cũng được Sở Công nghiệp Tỉnh quan tâm sâu sát, từ triển khai hướng dẫn các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, đến việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản. Đến hết năm 2002, toàn Tỉnh có 46 đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh khoáng sản. Sản lượng khai thác đá xây dựng năm 2002 đạt 1,3 triệu m3, riêng đóng góp thuế cho tài nguyên đá xây dựng đạt hơn 300 triệu đồng.

 Công nghiệp đi vào tương lai

Diện mạo CN-TTCN  Hòa Bình đã và đang phát triển đa dạng, trên cơ sở phát huy tối đa nội lực sẵn có. Công nghiệp quốc doanh đã định hướng rõ nét với các sản phẩm chủ lực như ximăng, gạch, quặng các loại, may công nghiệp, đá xây dựng… Công nghiệp ngoài quốc doanh cũng lấy hướng đa dạng sản phẩm làm mục tiêu phát triển. Tổng kết và đánh giá về những thành tựu này, ông Quách Thế Hùng, Giám đốc Sở Công nghiệp Hòa Bình khẳng định: "Trước hết, do Tỉnh có biện pháp vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào công nghiệp địa phương. Mặt khác, Tỉnh và Sở Công nghiệp đã chỉ đạo và đầu tư kịp thời để thúc đẩy các thành phần kinh tế nỗ lực triển khai, phát triển sản xuất đồng bộ, nên một số cơ sở phát triển tốt như Nhà máy xi măng Lương Sơn, mía đường, gạch Tuynel… Bên cạnh đó, Sở Công nghiệp cũng quan tâm triển khai và thu hút đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất như phân xưởng sản xuất giấy bìa cáctông công suất 5.000 tấn/năm với số vốn 27 tỷ đồng, sản xuất giấy và bột giấy ở Tx Hòa Bình và Mai Châu, nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Lạc Thuỷ…

Mục tiêu phấn đấu của công nghiệp Hòa Bình năm 2003 là tốc độ tăng trưởng toàn Ngành đạt 17%, bảo đảm 100% số xã có điện, chỉ đạo tốt công tác quy hoạch CN-TTCN, nhất là công tác giải phóng mặt bằng cho 2 cụm cơ sở sản xuất thuộc huyện Lương Sơn và Tx Hòa Bình…/.

  • Tags: