Công tác quản lý thị trường: Cần sự phối hợp liên ngành

Ngày 27/9/2014, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo 389 (BCĐ 389) quốc gia đ

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Sớm thành lập lực lượng QLTT theo ngành dọc

Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Trưởng BCĐ 389 Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đã rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đến nay đã rà soát và ban hành 30 văn bản trong Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 (bao gồm 03 Nghị định, 26 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch)..
 
Về việc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 302/TB-VPCP ngày 31/7/2014, Bộ Công Thương đã thực hiện được các nhiệm vụ cụ thể: một là , sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; hai là , làm việc với UBND các tỉnh biên giới phía Bắc về việc sửa đổi, bổ sung các chính sách về kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan (trước mắt có thể tạm dừng việc tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan đối với ô tô, thuốc lá, rượu); ba là , nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách áp dụng tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, đảm bảo không để các đối tượng buôn bán, gian lận thương mại lợi dụng; cập nhật kịp thời những chính sách biên mậu của Trung Quốc để khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế tình trạng hàng hoá xuất khẩu ùn tắc tại các cửa khẩu; bốn là , nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tổ chức, hoạt động của QLTT, đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác; hoàn thiện Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường trình Chính phủ; năm là , tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh Phân bón và Thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Trong quá trình triển khai, công tác kiểm tra, giám sát thị trường của lực lượng QLTT còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do lực lượng mỏng, cơ sở vật chất còn yếu, thiếu, kinh phí hoạt động không đảm bảo, v.v… Với những khó khăn như vậy, để thực hiện nhiệm vụ nặng nề trong những tháng cuối năm 2014 là một thách thức rất lớn đối với lực lượng QLTT cả nước. Vì vậy, BCĐ 389 Bộ Công Thương đã đặt ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của BCĐ quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng để tập trung đánh vào đầu ra của hàng lậu, hàng giả, hàng nhái; Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện các kế hoạch về tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; Triển khai Kế hoạch số 7668/KH-BCT ngày 12/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2014, kiểm tra tại một số địa bàn như Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.

 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nêu 5 đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương về việc xem xét, phê duyệt Đề án thành lập Tổng cục QLTT theo ngành dọc để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác; cho phép lực lượng QLTT được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên như các lực lượng chức năng khác; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, kiếm soát nhằm ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu; bổ sung thêm biên chế, đảm bảo kinh phí cho các lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có lực lượng QLTT; cho phép tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo đề nghị của các tỉnh, địa phương biên giới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị sớm được phê duyệt thành lập lực lượng QLTT theo ngành dọc
Bên cạnh những kết quả và khó khăn đã được trình bày trong Báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Đến nay, lực lượng QLTT đã hoạt động được gần 20 năm. Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu gia tăng không ngừng. Với điều kiện hiện có, lực lượng QLTT rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Về nhân lực, bình quân mỗi tỉnh có khoảng 100 cán bộ, nếu không tính Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân các tỉnh chỉ có khoảng 50 người. Tại nhiều tỉnh, có khi 2-3 huyện chỉ có một cán bộ QLTT. Trình độ cán bộ QLTT cũng thiếu sự đồng đều. Về chế độ chính sách, lực lượng làm việc vất vả, phức tạp, nhiều vụ việc kéo dài, song chế độ đãi ngộ, phụ cấp không đáng kể. Do đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kiến nghị sớm được phê duyệt thành lập lực lượng QLTT theo ngành dọc.

Đại diện Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc cho biết thêm, về tổ chức xây dựng lực lượng, biên chế tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trụ sở hoạt động của lực lượng QLTT nhiều địa phương lại không có, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ (như Lai Châu có 9 đội QLTT đều không có trụ sở).

Cần sự phối hợp liên ngành

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan đánh giá, theo Báo cáo, số lượng bắt giữ thì nhiều song chưa thực sự lớn theo chuyên đề (về thuốc lá, gia cầm, hoá chất…), chủ yếu tập trung ở các vụ nhỏ, lẻ và chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, chưa có xử lý hình sự trong tổng số 6.300 vụ.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết thêm, vừa qua, lực lượng QLTT huyện Thường Tín bắt được hơn 8 tấn túi nilon, bao bì giả in nhãn mác Trung Quốc, cần phải kiểm tra xử lý. Nếu lực lượng QLTT có bộ máy ngành dọc, có sự phối hợp của Bộ Công Thương với Bộ Công an thì những vụ việc như thế này mới có thể tiến hành công tác truy tìm nguồn gốc vận chuyển hàng hoá và xử lý tận gốc sai phạm. Như vậy, nếu phối hợp tốt trong nội địa, phối hợp tốt giữa các lực lượng QLTT cả nước cũng như phối hợp tốt giữa các lực lượng hữu quan thì các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận mới xử lý triệt để được.

Hiện nay, có nhiều thực phẩm chức năng với những nhãn mác ko rõ ràng, rất dễ làm giả, vận chuyển lậu, cần phân loại đối tượng. Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ cung cấp tài liệu, mời Bộ Công Thương "vào cuộc" để phối hợp, kiểm tra trong lĩnh vực dược phẩm, cụ thể là thực phẩm chức năng.

Ông Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm Ma tuý - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Theo Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm Ma tuý - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chưa có sự tương xứng giữa lực lượng quản lý với nhiệm vụ, biên chế, thẩm quyền trong công tác QLTT. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay đang vô cùng phức tạp. Vì vậy, kiến nghị tăng cường biên chế của Bộ Công Thương rất phù hợp. Ông Ngô Thái Dũng cũng đề nghị cần triển khai mạnh tại thị trường nội địa, kiểm soát thị trường trong nước thật tốt, vì tại khu vực biên giới, công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều trường hợp đối tượng buôn lậu thuê người dân vận chuyển, rất khó kiểm soát. Ông Ngô Thái Dũng nhấn mạnh, nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng vận chuyển hàng lậu thì chính quyền và các lực lượng quản lý phải chịu trách nhiệm, có như vậy mới thúc đẩy các lực lượng sát sao "vào cuộc" hơn. 

Về sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, năm 2014, hai Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác QLTT trong một số lĩnh vực chung như: hoá chất, kiểm soát vật tư và thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn thú y. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị lực lượng QLTT Bộ Công Thương nên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn, phân bón…; kiểm tra an toàn thực phẩm với rau quả, các thực phẩm tươi sống… phục vụ cho tiêu dùng.

Đồng cảm với những khó khăn vướng mắc của Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Dung, Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu, Bộ Công an nhấn mạnh, việc truy tìm nguồn gốc của những vi phạm trong QLTT là đúng đắn, song sẽ rất khó khăn vì lực lượng mỏng. Vì vậy, theo ông, giải pháp trước mắt là cần tăng cường xử lý về hành chính. Sau 3 lần vi phạm hành chính thì sẽ xử phạt hình sự.

Cần quyết tâm cao độ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực và thành tích của Bộ Công Thương
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những ý kiến góp ý của thành viên BCĐ 389 quốc gia, các Bộ, ngành đối với công tác QLTT. Thay mặt Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và thành tích của Bộ Công Thương, dù khó khăn và trở ngại còn rất nhiều song Bộ đã rất tích cực, chủ động trong công tác ngăn chặn buôn lậu và gian lận thương mại.

Song, theo Phó Thủ tướng, diễn biến thị trường hiện nay hết sức phức tạp, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nhiều kho hàng lậu (quần áo, thuốc lá, thức ăn, thực phẩm…) tồn tại công khai tại các cửa hàng, chợ, các khu phố lớn. Hàng năm, tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng. Những điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo.  Một bộ phận không nhỏ cán bộ QLTT vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm. Một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị chưa cao. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo lực lượng QLTT cần quyết tâm cao độ, đề ra những biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong công tác triển khai để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ Công Thương đề xuất kế hoạch sắp xếp lực lượng QLTT tại các địa phương. Lực lượng QLTT cả nước cần nhận thức được vai trò, nhiệm vụ trong thời kỳ mới để kiểm tra, giải quyết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả một cách hiệu quả và triệt để. Bộ Công Thương nên mở một số đợt cao điểm kiểm tra QLTT theo chuyên đề, đặc biệt là các mặt hàng trọng điểm thường xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; Phối hợp các lực lượng biên phòng, hải quan, thuế, công an, tài chính… để các hoạt động đạt kết quả tốt nhất. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng QLTT bởi công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là công tác khó khăn, lâu dài, rất cần sự hỗ trợ.

Trưởng BCĐ 389 Quốc gia chỉ đạo cần rà soát trình độ của lực lượng QLTT về năng lực, chính trị tư tưởng, ý thức trách nhiệm, đặc biệt đối với các cán bộ ở địa phương, những địa bàn là "điểm nóng" về buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ Công Thương cần rà soát các văn bản, phát hiện những chồng chéo bất cập trong lĩnh vực QLTT để đề xuất, kiến nghị thêm.

Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến góp ý của đại diện các Bộ, ngành tại buổi làm việc. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách tốt nhất.