Hội nghị được tổ chức nhằm biểu dương và ghi nhận những kết quả hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn vừa qua và xác định những ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương.
Tham dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lãnh đạo của 21 Viện nghiên cứu và 09 Trường đại học trực thuộc Bộ cùng Lãnh đạo các đơn vị trong Bộ. Ngoài ra, còn có các cơ quan, đơn vị thông tấn trong và ngoài Bộ đến đưa tin.
Trong phần đầu, Hội nghị đã nghe báo cáo của các đơn vị về những kết quả khoa học và công nghệ nổi bật trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí, Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết đã làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động trong các nhà máy công nghiệp; có đủ năng lực trở thành tổng thầu của nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất vật liệu xây dựng,…
Viện Công nghiệp thực phẩm hiện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ và đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn,...
Trong lĩnh vực dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học trong khối Trường, nổi bật Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 - 2023 đã thực hiện 01 dự án quốc tế, 05 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố, 43 đề tài cấp Trường dành cho giảng viên, trong đó các đề tài khối ngành kỹ thuật chiếm ưu thế do đặc thù ngành đào tạo truyền thống và thế mạnh của Trường.
Trong lĩnh vực tham mưu chính sách, trong giai đoạn vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã tham mưu xây dựng gần 30 chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, trên 100 quy hoạch tổng thể phát triển ngành, hơn 200 quy hoạch phát triển của địa phương, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển ngành.
Đánh giá chung, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những vướng mắc trong các quy định hiện hành và bối cảnh triển khai, đặc biệt đối với các nhiệm vụ có tính ứng dụng, gắn với doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác khoa học và công nghệ trong ngành Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực.
Trong năm 2022 - 2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ (riêng khối các Viện nghiên cứu, Trường đại học chiếm 40%) tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ thuộc các Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.
Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ đã phê duyệt trong Chiến lược Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; …
05 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khoa học và công nghệ của ngành Công Thương
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời chúc mừng và thăm hỏi tới đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ; ghi nhận, đánh giá cao những thành tích đã đạt được của các tổ chức, cá nhân làm công tác khoa học và công nghệ toàn Ngành trong thời gian qua.
Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khoa học và công nghệ của ngành Công Thương.
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giúp cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ những người làm công tác khoa học công nghệ của Bộ nói riêng nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển Ngành trong tình hình mới và tư vấn, chuyển giao công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Hai là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương đến năm 2030 gắn với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, trọng điểm, mũi nhọn và công nghiệp công nghệ mới, góp phần xây dựng năng lực sản xuất độc lập, tự chủ; đặc biệt là cần tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong các lĩnh vực mà Viện/Trường có thế mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, đổi mới công nghệ và thực hiện chuyển số, hướng tới sản xuất thông minh, hiện đại nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khai thác tốt hơn các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (nhất là các FTA thế hệ mới) để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ba là, chú trọng xây dựng và phát triển năng lực khoa học và công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Năng lực của một tổ chức khoa học và công nghệ ở đây chính là đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn và tâm huyết với khoa học. Vì vậy, các Viện/Trường cần có chiến lược xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ để đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời, tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của khu vực sản xuất và tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ lõi của công nghiệp 4.0; chú trọng đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm, đưa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) của đơn vị.
Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng gắn kết chặt chẽ với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo; mọi hoạt động khoa học và công nghệ phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học và công nghệ thiết thực, có sức lan tỏa mạnh trong Ngành và được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn.
"Hay nói cách khác, các Viện/Trường cần phải tạo ra sản phẩm, công nghệ mà thị trường cần chứ không phải những thứ các đơn vị có thể làm được. Điều này đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của các đồng chí Lãnh đạo và đổi mới mô hình quản trị phải theo hướng hiện đại thì chúng ta mới có thể phát triển và làm đúng vai trò, sứ mệnh của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong tình hình mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Viện nghiên cứu và các Trường Đại học với các đơn vị chức năng của Bộ trong công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn, phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các định hướng, chính sách phát triển Ngành nhằm nâng cao vai trò, đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động, lĩnh vực quản lý của Bộ; đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò của các đơn vị chức năng thuộc Bộ để thực sự là "người cầm lái", định hướng, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn Ngành.