IKEA – Sự kết hợp hoàn hảo giữa tầm nhìn và thực thi
Được thành lập tại Thụy Điển vào năm 1943, IKEA ban đầu chỉ là một công ty bán hàng qua thư nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang nội thất vì cảm thấy nhu cầu "nội thất giá rẻ" quá lớn.
Mỗi cửa hàng IKEA thường rộng tới 27.000 mét vuông (gần bằng 5 sân bóng đá) với ít nhất 9.500 sản phẩm khác nhau. IKEA đã làm cách nào để quản lý số lượng hàng khổng lồ kia nhưng vẫn giữ được mức giá thấp nhất?
Bắt đầu với tầm nhìn, IKEA luôn hoạt động trên nguyên tắc cung cấp những mẫu nội thất với thiết kế đẹp mắt, tính ứng dụng cao nhưng phải giữ mức giá thấp để càng nhiều khách hàng có thể mua được càng tốt.
Tầm nhìn đó luôn được chia sẻ tới mọi phòng ban, từ chuỗi cung ứng, kho hàng cho đến marketing và bán hàng. Tất cả cùng chung tay để giữ vững lợi thế cạnh tranh "sống còn" này của IKEA.
Nhờ đó, IKEA có thể tung ra những catalog với hàng ngàn sản phẩm có sẵn với mức giá được giữ ổn định suốt cả năm.
Cắt chi phí từ trong thiết kế
Những thiết kế của IKEA được giới chuyên gia đánh giá rất cao với chi phí bảo trì thấp, tính ứng dụng cao nhưng vẫn giữ tính hiệu quả trong vận chuyển, chất lượng sản phẩm và cả ảnh hưởng đến môi trường.
Theo một nghiên cứu của tờ The Times tại London, hơn 50% sản phẩm tại IKEA được sản xuất bởi nguyên liệu tái chế nhưng vẫn giữ vững được chất lượng và độ bền cao.
Bằng cách thiết kế sản phẩm với càng ít nguyên liệu càng tốt, IKEA không chỉ cắt giảm được chi phí thu mua, mà còn chi phí vận chuyển, lưu trữ …
Khả năng phối hợp với đối tác tuyệt vời
Một bí quyết nữa đằng sau sự thành công của IKEA đến từ khả năng làm việc và mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp nguyên liệu và xưởng sản xuất. Các đối tác này sẽ hỗ trợ một phần đáng kể trong việc cắt giảm chi phí cho IKEA.
IKEA hiện đang thu mua nguyên vật liệu từ hơn 1.800 nhà cung cấp trên khắp 50 quốc gia. Để quản lý được cả một hệ thống khổng lồ này, 42 văn phòng đại diện được trải dài khắp thế giới nhằm thương lượng giá cả, kiểm tra chất lượng, giám sát tình trạng làm việc và ảnh hưởng tới môi trường.
Không chỉ khơi dậy sự cạnh tranh giữa các nhà cung ứng để đem lại đơn hàng có chất lượng, IKEA còn chủ động ký các hợp đồng dài hạn với số lượng lớn để đẩy giá đến mức tối thiểu.
Nhưng không phải cứ giá rẻ là được, IKEA cam kết với người tiêu dùng rằng sản phẩm của họ "tuy rẻ nhưng không phải rẻ bất chấp". Khách hàng có thể an tâm tận hưởng mức giá rẻ mà không đánh đổi với tình trạng làm việc thiếu nhân đạo hay những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Hàng hóa theo "phong cách Lego"
Đa phần các sản phẩm IKEA đều được hoàn tất tại… nhà khách hàng. Tất cả "mẫu lego" này đều được đóng gói trong các thùng carton dẹp nhằm giảm không gian rỗng khi vận chuyển.
Phương pháp đóng gói đặc biệt này còn giúp tiết kiệm không gian lúc lưu trữ, đặc biệt là trên các kệ hàng. Tất cả chi phí nhiên liệu và tồn kho tiết kiệm được sẽ chuyển trực tiếp vào túi của khách hàng.
Cửa hàng và Kho hàng, tuy 2 mà 1
Mỗi cửa hàng IKEA đóng luôn vai trò của một kho hàng. Khách hàng khi mua sắm tại IKEA có thể dễ dàng với lấy các sản phẩm trên giá cao bằng tầm tay người lớn. Nhưng ở trên nữa là những sản phẩm tồn kho đang được lưu trữ cao đến 5-6 tầng!
Các sản phẩm tồn kho IKEA trên cao sẽ được đem xuống và sắp xếp tại khu vực mua sắm vào mỗi tối (xe nâng và xe đẩy không được sử dụng trong giờ mở cửa để tránh rủi ro cho khách hàng).
Ngoài ra thì IKEA còn dùng khoản 1/3 diện tích mặt sàn để chứa những sản phẩm cần được hỗ trợ vận chuyển bởi nhân viên IKEA. Nhưng để tiết kiệm chi phí nhân công, IKEA luôn cố giữ số lượng sản phẩm ở khu vực này ở mức tối thiểu.
Chi phí "chạm tay"
Có một nguyên tắc chi phí rất thú vị trong Chuỗi cung ứng như sau: Càng nhiều bên chạm vào sản phẩm thì chi phí vận hành của sản phẩm đó càng cao.
Ví dụ, sau khi khách hàng quyết định mua một sản phẩm nhất định, sản phẩm đó sẽ được lên đơn hàng, vận chuyển từ nhà sản xuất đến chỗ bán lẻ, từ kho nhập hàng đến chỗ trưng bày, và từ chỗ trưng bày lên xe của khách hàng hoặc thậm chí đến tận nhà "thượng đế".
Mỗi lần có sự "chạm tay", từ vận chuyển, chất hàng, di chuyển vị trí … đều tốn cho doanh nghiệp một khoản chi phí nhất định. Hàng hóa càng ít "bị chạm" sẽ tốn ít tiền duy trì hơn. Đó là lý do IKEA luôn khuyến khích khách hàng lấy trực tiếp các sản phẩm đã được đóng hộp gọn gàng và tự chở về nhà.
Tối ưu hóa trong thời gian thực
IKEA còn phụ thuộc vào một nhân tố "hiếm": Các nhân viên quản lý hàng hóa ngay tại cửa hàng. Chịu trách nhiệm giám sát và cập nhật tình hình bán hàng và tồn kho, các nhân viên này liên tục đảm bảo không một mặt hàng nào bị "cháy" hay tồn kho quá nhiều, góp phần thúc đẩy doanh thu và cắt bớt chi phí cho IKEA.
Để ra được các quyết định "hoàn hảo" kia, các nhân viên được IKEA huấn luyện cách sử dụng phương pháp "tối đa/ tối thiểu":
- Tối thiểu: Số lượng hàng hóa đến lúc phải nhập thêm.
- Tối đa: Số lượng hàng hóa được nhập trong một lần.
Vì hàng hóa tại cửa hàng chỉ được bổ sung vào buổi tối, phương pháp trên sẽ dựa vào số lượng bán bình quân của từng sản phẩm trong một đến hai ngày. Hoạt động nhập kho liên tục với số lượng được kiểm soát chặt chẽ không chỉ tối thiểu chi phí lưu kho mà còn giảm rủi ro mất doanh thu do khách hàng không tìm thấy sản phẩm ưng ý.
Ngoài ra thì các nhân viên quản lý hàng hóa còn được sự hỗ trợ "chuẩn đến từng giây" từ hệ thống quản lý thông tin xuyên suốt. Từ số sản phẩm bán được cho đến số hàng đang được sản xuất, trên đường đi, chuẩn bị được nhập… Tất cả dữ liệu này sẽ giúp nhân viên đưa ra quyết định nhanh chóng và chuẩn xác.
Kết quả
Chiến lược "tiết kiệm đồng bộ" trên đã biến IKEA trở thành thương hiệu bán lẻ nội thất thành công nhất thế giới với chi phí vận hành tối thiểu và sự hài lòng khách hàng cao.
IKEA vẫn lớn mạnh mặc cho sự gia tăng cạnh tranh trên toàn cầu. Vào năm 2017, IKEA đứng thứ 40 trong Top danh sách các Thương hiệu Giá trị nhất Thế giới của Forbes với doanh thu lên tới 39,3 tỷ USD.
Tầm nhìn kết hợp với thực thi. IKEA không chỉ khác biệt với các đối thủ mà còn chả sợ ai "sao chép" nổi sức mạnh chuỗi cung ứng của mình.