Sản xuất công nghiệp và thương mại phục hồi tích cực
Năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sự phục hồi và phát triển tích cực.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2021 và bằng 101,3% kế hoạch. Trong đó, công nghiệp Nhà nước Trung ương ước đạt 30,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%; công nghiệp địa phương ước đạt 41,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 860,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có sự tăng trưởng vượt kế hoạch như: Sản phẩm may đạt 96,8 triệu sản phẩm tăng 17,9%; gạch xây dựng đạt 205,3 triệu viên, tăng 16,3%; nước máy thương phẩm đạt 35,3 triệu m3, tăng 15,5%; điện thương phẩm đạt 5.970 triệu kwh, tăng 10,9%...
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 56.454,2 tỷ đồng, tăng 26,8% so với thực hiện 2021, bằng 112,1% kế hoạch năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 30 tỷ USD; trong đó xuất khẩu địa phương đạt 695 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 4,14% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,14%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 7,26%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng 6 tháng ước đạt 33.468,5 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh đạt 13,3 tỷ USD
Tăng cường tận dụng các FTA, mở rộng thị trường cho hàng hóa địa phương
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch triển khai nhằm tận dụng ưu đãi của các FTA và phát huy những lợi thế của địa phương.
Song song với công tác tham mưu, Sở Công Thương đã tổ chức phổ biến, tập huấn chuyên sâu liên quan đến chính sách, công cụ, biện pháp, quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA như: EVFTA, CPTPP, RCEP… tới các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực của các đơn vị trong việc thực hiện các cam kết FTAs.
Sở đã tăng cường thông tin các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để doanh nghiệp biết, khai thác thị trường. Đồng thời xây dựng các chương trình phát triển thị trường, chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của địa phương…
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được Sở Công Thương đặc biệt quan tâm và luôn xếp trong nhóm các Sở, ngành dẫn đầu toàn tỉnh, tạo được lòng tin của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án công trình quan trọng của Ngành được đầu tư, đi vào hoạt động và có những đóng góp lớn vào phát triển chung của Ngành.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công thương của tỉnh còn một số hạn chế do đa phần chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp có năng lực tài chính yếu hoặc chưa chủ động, tốc độ triển khai chậm; kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn chưa thu hút đầu tư được nhiều. Mặt khác, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong điều kiện hội nhập, trừ những doanh nghiệp nước ngoài và trong nước được đầu tư lớn như: Sản xuất lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử; chế biến sâu khoáng sản; may mặc....
Để khắc phục những khó khăn, thách thức, thời gian tới ngành Công Thương Thái Nguyên tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Sở Công Thương Thái Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư; tăng cường đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình quan trọng của Ngành.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành Công Thương tỉnh Thái Nguyên năm 2023
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 1.020.250 tỷ đồng, tăng 9,5% so với ước thực hiện năm 2022, trong đó công nghiệp địa phương đạt 46.220 tỷ đồng, tăng 12,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) đạt 63.800 tỷ đồng, tăng 13% so với ước thực hiện năm 2022.
Giá trị xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, tăng 9% so với ước thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%.
Triển khai đa dạng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp năm 2023.