Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu: Vun đắp niềm đam mê sáng tạo

Những năm gần đây, phong trào thi đua lao động sáng tạo tại Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành một động
Riêng năm 2017, KVT có 148 ý tưởng được CBCNV đề xuất, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số sáng kiến cải tiến của PV GAS. KVT đã xem xét 134 ý tưởng và triển khai 47 ý tưởng, áp dụng thành công và công nhận 27 ý tưởng, trong đó có 11 sáng kiến có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, kỹ thuật được trình lên cấp Tổng công ty. Các sáng kiến đã góp phần làm lợi khoảng 108 tỷ đồng. Trong đó, sáng kiến “Giải pháp chống ngập lỏng đỉnh tháp C-05” có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, mang lại lợi nhuận ước tính khoảng 66 tỷ đồng (chỉ tính riêng trong năm 2017) và làm tăng hiệu quả của hệ thống lên 32 tỷ đồng. Sáng kiến tăng hàm lượng C2 trong chế biến khí từ 3,5 lên 5,5% đã được triển khai, mỗi năm tăng lợi nhuận cho PV GAS 32 tỷ đồng.

Đã có thời kỳ, phong trào sáng kiến ở KVT hầu như chỉ tập trung vào mảng kỹ thuật và thống kê. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Các ý tưởng về quản trị, cải cách thủ tục hành chính tại KVT cũng phát triển rất sôi nổi, giúp cải thiện đáng kể chất lượng, điều kiện công việc và môi trường làm việc của CBCNV. Nổi bật là sáng kiến “Nâng cao hiệu quả khai thác cảng PV GAS Vũng Tàu”. Trước đây, cảng không tiếp nhận các tàu vận chuyển khí vào từ 18 giờ tối đến 5 giờ sáng. Với sáng kiến và cách thức cải tiến quy trình, kế hoạch phối hợp, KVT đã xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn, cho phép tàu hàng vào cảng cả ban đêm, nâng công suất của cảng lên gần gấp đôi so với trước đó; khả năng tiếp nhận và vận chuyển LPG cũng tăng lên gần gấp đôi, giảm chi phí thuê tàu hàng năm.

Theo quan điểm của Ban lãnh đạo KVT, để một cá nhân có được nhiều ý tưởng sáng tạo, áp dụng thành công, trên thực tế cần có 3 yếu tố. Đầu tiên là phải có sự đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tính kiên trì. Yếu tố thứ 2 là trình độ công nghệ và kinh nghiệm. Yếu tố thứ 3 là sự tự tin. Sự đam mê và trình độ chuyên môn là chưa đủ vì sáng tạo luôn đòi hỏi cá nhân phải tự tin, dám nghĩ khác, dám làm khác với những tư duy lối mòn thông thường; dám trao đổi, đề xuất với cấp trên, đồng nghiệp và bảo vệ ý tưởng của mình dựa trên những căn cứ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn và suy luận logic vững chắc. Để sáng tạo cần phải khắc phục tính ì trong tâm lý, không tuyệt đối hóa chủ nghĩa kinh nghiệm, tránh tư tưởng an phận, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Để khuyến khích tố chất sáng tạo của người lao động phát triển, KVT đã vun đắp niềm đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm của người lao động gắn liền với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tại KVT văn hóa doanh nghiệp gắn liền với các giá trị cốt lõi là “Kết nối - Văn minh - Trách nhiệm”. Trong đó văn minh được tạo thành từ 5 yếu tố là hiện đại, kỷ luật, minh bạch, dân chủ và công bằng. Các giá trị này đều góp phần để CBCNV thêm yêu và gắn bó với công ty, có trách nhiệm hơn với công việc của mình và phối hợp tốt hơn với đồng nghiệp.

Hàng năm KVT đều đo lường về môi trường làm việc, sự khuyến khích động viên của đơn vị với người lao động. Theo số liệu thống kê năm 2015, mức độ hài lòng với môi trường làm việc ở KVT là 39%, tương đối hài lòng là 42%, không hài lòng hoặc bình thường là 19%. Đến giai đoạn 2016 – 2017, mức độ rất hài lòng đã tăng lên 53 – 57%, không hài lòng và bình thường giảm xuống còn 4 – 7%. Những con số đó chỉ ra rằng, đội ngũ CBCNV KVT trong các năm qua đã thêm yêu mến công ty hơn.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm cho CBCNV, KVT đã thay đổi cách thức triển khai đào tạo, vừa tổng hợp vừa nâng cao trình độ. Việc xác định vị trí của từng người lao động, từ đó định hướng phát triển và khuyến khích sáng tạo được thực hiện ngay từ gốc với những việc cụ thể như: Làm lại mô tả công việc, lập lại tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực chuyên môn; xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng… Đặc biệt, KVT không chú trọng đào tạo dàn trải mà tập trung đào tạo cho đội ngũ tinh hoa, cán bộ quản lý và chuyên gia. Còn công tác đào tạo nội bộ thì đến lượt các chuyên gia và cán bộ quản lý phải đứng lớp đào tạo cho những người còn lại.

Cùng với đó, để cải thiện độ tự tin, dám nghĩ dám làm trong CBCNV, KVT từng bước xây dựng văn hóa dân chủ, để mọi người có thể tự tin nói ra những suy nghĩ của mình. Tại KVT, thứ 5 hàng tuần là ngày Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn gặp anh em ở từng bộ phận, nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vướng mắc và đảm bảo 100% các ý tưởng, ý kiến, các vướng mắc phải được xử lý một cách nghiêm túc.

Thực tế cho thấy, thủ tục đăng ký sáng kiến, quy trình xét duyệt ý tưởng ở nhiều doanh nghiệp còn nhiêu khê, phức tạp, khiến họ ngại đăng ký ý tưởng, sáng kiến,… điều này đã được nhận ra và khắc phục tại PV GAS cũng như KVT.

Ở KVT quy trình xét duyệt sáng kiến được tổ chức một cách hiệu quả, khoa học, loại bỏ bớt các công đoạn không cần thiết. Các ý tưởng của CBCNV được trình thẳng lên Hội động sáng kiến của công ty. Hội đồng phân về cho các tổ chuyên gia theo từng lĩnh vực để xem xét kỹ lưỡng, tránh việc giao tất cả việc xét duyệt cho cán bộ quản lý, nhưng đôi khi cán bộ quản lý cũng không đủ am hiểu, có thể bỏ qua những sáng kiến khả thi. Các tổ chuyên gia sau khi tiếp nhận ý tưởng cũng phải đưa ra hạn trả lời cụ thể cho tác giả. Tất cả những sáng kiến, ý tưởng được áp dụng hoặc không áp dụng đều phải có các câu trả lời rõ ràng cho người lao động.

Việc tôn trọng tất cả các ý tưởng của người lao động là chìa khóa đầu tiên mở ra những kho sáng kiến mới. Tuy nhiên, muốn những ý tưởng thực sự hiệu quả trong thực tế, trở thành sáng kiến sáng tạo thì lại phải tìm cái tốt trong các ý tưởng để hướng dẫn, hỗ trợ phát triển ý tưởng, hoàn thiện ý tưởng, thay vì thói quen phê bình, bới ra những điểm chưa hoàn thiện để bác bỏ. Hướng đi này đã được KVT thống nhất từ quan điểm đến hành động, chỉ đạo. Và thành quả mà KVT đạt được được gọi là “quả ngọt” chung của cả tập thể, đồng thời với việc tôn vinh vai trò sáng tạo của mỗi người lao động.


Nguyên Hà