Thẩm thấu vào mọi hoạt động
Tháng 7 năm 2017, Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - Vinacomin quyết định thành lập “Ban khoa học Công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất” nhằm tham mưu cho lãnh đạo Công ty trong đầu tư áp dụng công nghệ mới; đề xuất, lập kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ trong toàn Công ty và hướng dẫn chuyển giao cho các đơn vị thực hiện. Tháng 9 cùng năm, Công ty đã kiện toàn nhân sự của Ban. Theo đó, Ban khoa học Công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất gồm Ban chỉ đạo (4 người), Ban tư vấn (6 người), và 16 thành viên của Ban Khoa học công nghệ; Ban do Giám đốc và 4 Phó giám đốc trực tiếp chỉ đạo.
Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo cao nhất Công ty trong Ban không chỉ cho thấy sự cầu thị, kỳ vọng biến phương châm “Đổi mới để tồn tại - Sáng tạo để phát triển” thành hành động, mà còn cho phép hình thành một bộ máy có cơ chế làm việc thực sự hiệu lực, hiệu quả, đủ sức thẩm thấu vào mọi hoạt động của Công ty.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Ban đã triển khai hàng loạt hoạt động thiết thực. Cụ thể, đã xây dựng chương trình hành động số 01/Ctr-KHCN V/v “Tin học hóa, tự động hóa hoạt động SXKD giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” gồm 05 chương trình tin học hóa, 06 chương trình tự động hóa giai đoạn 2017 – 2020 và 07 chương trình dự kiến đưa vào thực hiện giai đoạn sau 2020. Trong 2 năm 2017 và 2018, Công ty đã thực hiện thành công 05 công trình tự động hóa, đưa vào sử dụng 3 công trình tin học hóa phục vụ sản xuất.
Trong năm 2019, Ban đã triển khai thực hiện 5 dự án. Đó là Dự án “Hệ thống quản lý luồng ra vào cảng và phao tín hiệu sử dụng Hải đồ điện tử” ; Dự án “Hệ thống băng tải cấp than từ kho số 01 ra bunke cấp liệu”; Dự án “Hệ thống dỡ tải tại kho than Lép Mỹ”; Dự án “Phần mềm quản lý bảo hộ - an toàn lao động”; và Dự án “Nâng cấp cơ sở hạ tầng mạng internet khu vực VP Công ty”.
Hiệu quả rõ rệt
Các dự án của Ban đề xuất có tính khả thi cao, khi đi vào thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với Dự án Hệ thống quản lý tàu, vùng nước và báo hiệu hàng hải bằng hải đồ điện tử kết hợp nhận dạng tự động, sau khi hoàn thành đã quản lý tất cả các tàu ra vào cảng bằng hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và hiển thị lên phần mềm hải đồ điện tử (ENC) có độ chính xác cao, hiển thị đầy đủ thông tin về tên tàu, trọng tải, danh sách thuyền viên, lịch sử lấy hàng.v...v...
Hệ thống đèn báo hiệu luồng đã tích hợp thêm bộ phận cảm ứng báo hỏng hóc, hiển thị trực tiếp theo thời gian thực về Hải đồ điện tử, khiến việc sửa chữa được tiến hành nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển trên luồng. Đồng thời giảm toàn bộ nhân viên phải thường xuyên đi kiểm tra tình trạng kỹ thuật của đèn báo hiệu (03 người/ca) và phương tiện phục vụ (01 cát-lốt /ca).
Tương tự như vậy với hệ thống dỡ tải tự động kho than Lép Mỹ đã sử dụng điều khiển từ trung tâm vận hành, nên người vận hành băng tải sẽ kiêm luôn việc vận hành hệ thống dỡ tải, giảm được nhân công trực tiếp ra chuyển hướng dòng than, đồng thời cũng dễ dàng cắt số lượng than đổ kho, và không phụ thuộc thời tiết.
Hoặc với dự án quản lý nhiên liệu tự động, sau khi hoàn thành 100% các bình dầu tại các xe cơ giới đều được gắn chip và bộ cảm biến tự động, mỗi hệt hống này đều được kết nối với trung tâm quản lý. Khi hết dầu người vận hành tự lái xe đến cây dầu, tự đổ dầu đến khi đầy. Tình trạng dầu trong bình sẽ được cập nhật tới trung tâm liên tục khiến việc quản lý dễ dàng hơn nhiều, không cần có sự can thiệp của người quản lý kho nhiên liệu, v…v…
Hơn 2 năm qua, với mục tiêu “Đổi mới để tồn tại – sáng tạo để phát triển”, với sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo đến các phòng ban chuyên môn, công trường phân xưởng, đã liên tục đẩy mạnh phong trào ứng dụng KHCN vào nâng cao năng lực sản xuất của Công ty. Kết quả đã thấy rõ, năng suất lao động của Công ty năm sau cao hơn năm trước, lương CBCNV trong công ty mỗi năm đều tăng, đời sống CBCNV đảm bảo.
Để chuẩn bị cho năm 2020, Ban khoa học Công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất đã lên kế hoạch thực hiện 4 dự án tin học hóa, gồm: Hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ (Vật tư – Nhân sự - Thiết bị - Kế Toán); Hệ thống an toàn, bảo mật thông tin; Hệ thống báo cáo quản trị phục vụ điều hành SXKD; Hệ thống quản lý công việc và chữ ký điện tử. Và 3 dự án tự động hóa: Hệ thống đóng ngắt điện tự động tại trạm điện số 10 – Kho than G9; Camera hành trình cho phương tiện thủy; Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới.
Nhìn vào những chương trình, dự án, hoạt động thực tế Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả đã thực hiện để đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tin học hoá - tự động hoá vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, có thể thấy công tác này ngay từ đầu đã được đơn vị triển khai một cách bài bản và chuyên nghiệp. Và còn một điều hết sức quan trọng, để những ý tưởng mới liên tục nảy nở, Ban khoa học Công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất đã xây dựng một số cơ chế khuyến khích người lao động tham gia đóng góp ý tưởng.
Ngoài việc khuyến khích trực tiếp bằng thưởng dựa trên lợi ích mang lại, còn có cơ chế khuyến khích tác giả của những ý tưởng bằng cách bố trí vị trí công việc tốt hơn trong Công ty. Phải chăng, đây là bí quyết để những ý tưởng ứng dụng tin học hóa, tự động hóa thẩm thấu vào mọi hoạt động của Công ty?