Công ty Than Hòn Gai - Điều không thể đã trở thành có thể

Đó là lời phát biểu, nhận xét, đánh giá về Công ty Than Hòn Gai của Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam Đoàn Văn Kiển, tại lễ chào mừng tấn than thứ 1 triệu ra lò ngày 15 tháng 12 năm 2004. Đúng

Để tồn tại và phát triển, lãnh đạo Công ty đã làm tốt công tác tư tưởng, phát huy truyền thống của thợ mỏ là “Kỷ luật và đồng tâm” quyết tâm vực dậy Công ty Than Hòn Gai và thương hiệu Than Hòn Gai trong nước và quốc tế. Hàng loạt biện pháp đã được áp dụng, phát huy hiệu quả. Đến nay, Công ty Than Hòn Gai đã trở thành một đơn vị mạnh, được Tập đoàn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Chúng tôi muốn điểm qua một số giải pháp chính, có thể là những bài học thực tiễn sâu sắc cho nhiều đơn vị khác.

Trước hết, đó là công tác đổi mới công nghệ. Đối với mỏ khai thác hầm lò, Công ty đã áp dụng thành công công nghệ khai thác có sử dụng giá thủy lực, chia lớp ngang nghiêng trong các vỉa than dốc, mỏng. Năm 2003, Công ty đã tập trung đưa giá thủy lực, cột thủy lực vào lò chợ thay gỗ. Đến năm 2004, Công ty Than Hòn Gai là đơn vị đầu tiên trong Tổng công ty thực hiện thủy lực hóa 100% lò chợ khai thác và cơ giới hóa khâu vận tải than trong lò chợ bằng tàu điện và băng tải.

Trong khai thác lộ thiên, Công ty đã đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, đầu tư thiết bị hiện đại, mua mới 17 xe tải nặng VOLVO trọng tải 37 tấn, 10 xe Bela trọng tải 42 tấn và 3 máy xúc thủy lực gầu ngược từ 3,3-4,3 m3/gầu.

Công nghệ khai thác tiên tiến không những cho năng suất cao, giảm nhẹ sức lao động của thợ mỏ mà còn làm tăng độ an toàn trong khai thác. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác AT-BHLĐ đến hơn 8 tỷ đồng trong 4 năm gần đây, trong đó có 3 tỷ đồng là hệ thống cảnh báo khí mỏ và bình tự cứu, Công ty còn đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, mở hội nghị “Diên Hồng” quyết tâm tuyên chiến với tai nạn lao động, sử dụng rộng rãi thẻ đỏ, thẻ vàng trong thực hiện quy chế về an toàn lao động, người bị thẻ đỏ có khả năng mất việc làm. Chính vì vậy, mà đã lâu rồi ở Công ty Than Hòn Gai chưa để xảy ra tai nạn lao động nặng, chết người.

Công tác tổ chức sản xuất đã được đổi mới, từ năm 1999, các công trường đã được tổ chức lại thành các xí nghiệp trực thuộc Công ty, ổn định mô hình quản lý 2 cấp. Đặc biệt từ năm 2001, Công ty đã bố trí, sắp xếp lại các khâu sản xuất thiết yếu như:

- Thành lập Xí nghiệp Chế biến và Tiêu thụ than, để thực hiện nhiệm vụ này cho toàn Công ty.

- Điều chuyển tất cả các đội xe về Xí nghiệp Than 917 để đảm nhận khâu vận chuyển cho Công ty.

- Thành lập Trạm giám định KCS để giám sát chất lượng than sản xuất và tiêu thụ cho Toàn Công ty.

- Tập trung công tác quản lý kỹ thuật mỏ, công tác XDCB về Công ty để tăng hiệu quả và năng lực quản lý.

Ngoài ra, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, duy trì, mở rộng sản xuất, mở diện khai thác mới luôn được Công ty coi trọng. Công ty đã đầu tư hơn 248 tỷ đồng trong 4 năm gần đây. Các dự án, các công trình được đầu tư trong các năm qua đã và đang phát huy hiệu quả. Các khu vực khai thác mới như mỏ Tây Khe Sim và mỏ Bắc Cọc Sáu ở khu vực Cẩm Phả từng bước phát huy tác dụng để đến năm 2010, sản lượng than khai thác của Công ty sẽ đạt 2,0 triệu tấn/năm.

ở đây, công tác thi đua khen thưởng thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Hàng năm, Công ty đều xây dựng quy chế thi đua khen thưởng, quy định cụ thể các mục tiêu, nội dung và ba rem chấm điểm thi đua hàng quý.

Nếu như năm 2001 có 20% số công trường, phân xưởng, tổ đội sản xuất hoàn thành kế hoạch năm vào dịp 12 tháng 11 thì năm 2003, tỷ lệ này nâng lên 56%, năm 2004 là 76% và năm 2005 tiếp tục tăng đến 80%. Nếu như năm 2003 có 1 lò chợ, 1 máy xúc và 5 xe ôtô đạt kỷ lục TVN thì năm 2004 có 2 lò chợ, 1 đội đào lò, 2 máy xúc và 15 ôtô và năm 2005 có 3 lò chợ, 2 đội đào lò, 23 xe ôtô. Nói chung là số tổ, đội và cá nhân đạt giải năm sau luôn nhiều hơn năm trước.

Nhờ các hoạt động đó, sản xuất kinh doanh của Công ty Than Hòn Gai liên tục phát triển, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng đến 20%. Năm 1999, sản lượng than khai thác đạt 490 ngàn tấn, 4.600 lao động, thu nhập bình quân đạt 750.000 đ/người/tháng; Năm 2005, than khai thác đạt 1,25 triệu tấn, thu nhập bình quân 3,5 triệu đ/người/tháng; Năm 2006, than khai thác dự kiến đạt 1,5 triệu tấn và thu nhập bình quân đạt 3,6 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ lò có thu nhập từ 6-7 triệu đồng là bình thường.

Do sản xuất phát triển, Công ty đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn cho người lao động cả về tinh thần và vật chất, có đủ nhà tắm nước nóng, có xe lạnh, ghế mềm đưa đón thợ mỏ, quần áo lao động kể cả ủng được giặt sấy công nghiệp, mỗi người đều có tủ quần áo riêng, cơm thợ lò được nâng lên đến 14 ngàn đồng/suất.

Điều đặc biệt là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả những thời điểm khó khăn nhất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở Công ty Than Hòn Gai luôn sôi nổi, từ thi đấu nội bộ đến giao hữu với các đơn vị bạn, tham gia các giải của Ngành và địa phương… Phong trào văn hóa thể thao sôi động quanh năm. Trong Công ty đã có đến 7 nghệ sỹ vùng mỏ, trong đó có Giám đốc Công ty Lê Nguyên Thêm, có những nghệ sỹ như Lệ Quyên, Phương Điệp, những người gắn bó với Công ty đã nhiều năm, từ thời gian khó.

Chính những hoạt động văn hóa, thể thao đã làm cho mọi người xích lại gần nhau, tạo nên sự đoàn kết nội bộ, là nền tảng của truyền thống “kỷ luật và đồng tâm, tạo ra sức mạnh để vượt khó, để Công ty Than Hòn Gai tiếp tục biến điều không thể trở thành có thể”.

  • Tags: