Nỗ lực đối mặt với khó khăn chung
Cũng như những doanh nghiệp may khác, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, Việt Thành gặp muôn vàn khó khăn khi đối tác chính là người Mỹ giảm đơn hàng. Ông Phan Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH May và Thương mại Việt Thành cho biết, đây là năm đầu tiên Công ty phải nhận thêm những đơn hàng nhỏ của một số đối tác khác ngoài Mỹ, có đơn hàng chỉ một hai trăm sản phẩm làm hàng mẫu, do áp lực về tạo việc làm cho người lao động rất cao. Cả hai cơ sở, Công ty có tổng cộng gần 1.200 lao động, mức lương bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, Công ty xác định hòa cũng làm, hòa là đã có lương nuôi công nhân, giữ chân người lao động, tránh tình trạng người lao động chán nản bỏ việc, sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của nhà máy về lâu dài.
Vào thăm cơ sở sản xuất của cả hai nhà máy, trên những góc tường dễ nhìn nhất, tấm biển 5S được treo ngay ngắn, bắt mắt. Ông Sơn cho biết, Công ty đã thực hiện chương trình 5S được hơn 1 tháng, bộ mặt hai nhà máy có nhiều thay đổi, từ xưởng sản xuất, kho, nhà xe, nhà ăn qua thực hiện 5S đều trở nên sạch sẽ và người hưởng lợi chính là người lao động. Công ty đã được cấp giấy chứng nhận ISO 9001, phấn đấu đến cuối tháng 12/2012 sẽ được cấp chứng chỉ ISO 14000.
Trong khó khăn, Công ty càng chú ý tới việc giảm chi phí, nâng cao năng suất. Nghe ở đâu có công nghệ mới, rút ngắn thời gian trên chuyền là Công ty cử cán bộ kỹ thuật đến học tập về phổ biến lại trong Công ty, như học hỏi công nghệ thổi túi mới của May Đức Giang, Công ty đã rút ngắn thời gian thổi túi từ 60 giây xuống còn 40 giây. Trước áp lực cạnh tranh lao động giữa các công ty trong khu công nghiệp rất lớn, Công ty cũng liên tục tuyển thêm lao động mới, qua thời gian đào tạo đưa vào chuyền, nhưng do tay nghề non, ảnh hưởng năng suất bình quân của cả chuyền nên chỉ được vài hôm chuyền lại đẩy ra, lao động chán nghỉ việc, trong khi Công ty mất công đào tạo. Vì vậy, Công ty đã triển khai thành lập 2 chuyền đơn tại May Gia Bình, mỗi chuyền bố trí 27 lao động, rút ở 8 chuyền cũ ra, gây áp lực thiếu người tại các chuyền này để các chuyền có động lực lấy thêm lao động. Nhờ đó, qua 11 tháng, doanh thu của Công ty tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 75% kế hoạch năm, mỗi tháng xuất được hơn 40.000 sản phẩm. Đây cũng được coi là một thành công trong tình hình kinh tế năm nay.
Điều rất đặc biệt là trong khu vực xưởng của Nhà máy May Gia Bình, có 2 chuyền được ghi rất rõ “Chuyền có năng suất cao nhất” và “Chuyền có năng suất thấp nhất”. Ông Sơn lý giải, để nhìn vào đó, người lao động cố gắng phấn đấu nâng cao tay nghề, hoàn thiện bản thân để nâng cao năng suất của chuyền. Nhưng bên cạnh đó, Công ty cũng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBCNV, phân tích tình hình khó khăn chung của xã hội, của doanh nghiệp, để người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, lợi nhuận ít để giữ khách lâu dài.
Hoạch định đường lối phát triển
Sang năm 2013, Việt Thành 1 tròn 15 tuổi và Việt Thành 2 kỷ niệm 10 năm thành lập. Đây đều là những mốc quan trọng đối với chặng đường phát triển của một doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu về đổi mới, mở rộng qui mô cũng được đặt ra như một việc bắt buộc phải làm. Làm việc với lãnh đạo Công ty, ông Hoàng Vệ Dũng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang yêu cầu Công ty cần lên kế hoạch đầu tư xây dựng xưởng mới để người lao động yên tâm làm việc, tin tưởng vào sự phát triển của Công ty. Đầu tư thêm nhà xưởng, trang thiết bị cũng là cách để giới thiệu với các đối tác về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, từ đó mới có ký thêm được nhiều đơn hàng, mở rộng sản xuất.
Ông Dũng lưu ý, Công ty có thể xem xét đầu tư các xe nâng để giảm bớt sức lao động, hoặc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến các thiết bị đã có sao cho tiện lợi nhất, đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc. Đương nhiên, khi quyết định đầu tư thì áp lực sẽ rất cao, do đó cần có qui hoạch cụ thể cho các nhà máy, thiết kế công năng sử dụng của khu mới vừa tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo những yêu cầu của công việc, làm sao để vốn đầu tư thực sự đạt hiệu quả.
Chủ tịch Dũng cho biết thêm, xu hướng hiện tại của các nhà máy may là lao động ngày càng ít, đồng nghĩa với việc năng suất lao động ngày càng cao, giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm ngày càng tăng. Do đó, cần tập trung vào mặt hàng yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Điều này đặt ra yêu cầu thay đổi cả vấn đề quản lý và con người.
Dự báo của năm 2013, ngành Dệt may sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Đứng vững qua cơn khủng hoảng để phát triển khi kinh tế đi vào ổn định là việc mà những nhà quản lý ngành Dệt may đang phải thực hiện. Những thành viên của Tổng công ty Đức Giang, trong đó có Công ty TNHH May và Thương mại Việt Thành cũng không nằm ngoài qui luật đó./.