Quá khứ kinh hoàng ấy đã đi qua! Ngày nay, từ ngọn “đồi 30 Thiết Đính” này lại tỏa ra cái nguồn ánh sáng hạnh phúc đi vào cuộc sống của cả một vùng nông thôn Bắc Bình Định. Bởi tại đây, Trạm biến áp 110 kV Hoài Nhơn – E18 trực thuộc Truyền tải điện Bình Định – Quảng Ngãi – Công ty Truyền tải điện 3 đã được xây dựng và đóng điện vận hành từ ngày 10/2/1999; mà chủ nhân của nó hiện nay là 12 chàng trai tuổi đời từ 24-34 trong đó có 6 kỹ sư điện - đang ngày đêm vận hành, giữ vững dòng điện liên tục, an toàn; phục vụ sản xuất và đời sống cho 4 huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão và Phù Mỹ bằng 2 cấp điện áp: 35 kV và 22 kV.
Chúng tôi về Thiết Đính giữa những ngày sôi nổi khí thế thi đua chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Ven theo con dốc đất đỏ đầy bụi và nắng lên tận đỉnh đồi, trạm biến áp 110 kV-E18 hiện ra: một rừng trụ, xà bao quanh 2 máy biến áp tổng dung lượng 50 MVA đồ sộ, những dãy sứ chuỗi bằng thủy tinh xanh lấp lánh trong nắng như tôn thêm vẻ đẹp của cảnh quan phía dưới: bãi cỏ mỡn xanh, hòn non bộ phun nước trắng xóa và một công viên thu nhỏ hội tụ các sắc hoa và cây cảnh rực màu. Trạm trưởng Trần Đức Thanh – một kỹ sư điện 31 tuổi – không giấu nổi niềm vui: - “Cây lan rừng này chúng em “tuyển” từ Núi Chúa An Lão về, sáng nay mới nở chùm hoa đầu tiên sau 7 năm về Trạm”. Nhìn chùm hoa lan rực đỏ khẻ rung rinh khoe bóng trên mặt nước non bộ, tôi như lạc vào những câu chuyện của 12 chàng trai ở đây, họ như một thế giới riêng của niềm lạc quan, yêu đời trong ngôi nhà chung Trạm 110 kV Hoài Nhơn này.
Do tính chất công việc vận hành trạm, 12 anh em được chia thành 3 ca 4 kíp, đảm bảo quân số trực 24/24 giờ vận hành cấp điện an toàn, liên tục với chất lượng điện ổn định, hạn chế thấp nhất sự cố chủ quan, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất. Cái khó ở đây không phải là khó công việc nặng nhọc, hay thời tiết khắc nghiệt; vùng đồi thiếu nước, mà theo trạm trưởng Trần Đức Thanh: “Trước một công việc diễn ra đều đều dễ gây tác động nhàm chán, như theo dõi các thông số kỹ thuật, thống kê cập nhật số liệu, giữ thông tin liên lạc, báo cáo thường xuyên”, anh đã phối hợp với Công đoàn tìm mọi biện pháp để duy trì công tác vận hành trong trạng thái tập trung cao độ của sự tỉnh táo, nhanh nhạy để giải quyết tốt công tác chuyên môn, các tình huống sự cố về điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Muốn vậy, bằng nỗ lực của mình, anh đã cùng Công đoàn vận động anh em chung tay góp sức xây dựng ngôi nhà chung. Trạm biến áp 110 kV Hoài Nhơn nhiều năm liên tục được công nhận là Trạm biến áp kiểu mẫu, và danh hiệu “TBA An toàn, sáng, xanh, sạch đẹp”. Đáng quí là, điều đó trở thành ý thức tự giác của mỗi đoàn viên công đoàn ở đây với ý thức trách nhiệm cao trong công tác, quan hệ tốt với địa phương, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, hoạt động sôi nổi các phong trào và giữ gìn tôn tạo ngôi nhà chung của mình từ những động tác nhỏ nhất như: nhặt rác, trồng cỏ, tưới cây… cuộc sống đã được thi vị hóa. Tiếng cười lạc quan, yêu đời, yêu nghề đã được 12 chàng trai Thiết Đính duy trì suốt 7 năm qua cùng với sự phát triển về qui mô của Trạm 110 kV Hoài Nhơn: Năm 1999: 16 MVA, năm 2003 được nâng cấp lên 25 MVA và từ ngày 26/2/2004 là 50 MVA.
Trong căn nhà vận hành trạm Thiết Đính, tôi cảm thấy mọi thứ ở đây như được bàn tay của “Cô Tấm” nào đó sắp đặt một cách ngăn nắp, khoa học và “mát mắt” từ hệ thống vi tính, tủ điện, các loại sổ sách biểu mẫu, những bảng biểu, panô, qui định về an toàn… Đặc biệt 12 chàng trai ở đây đã dành riêng 1 căn phòng truyền thống của Trạm. Tôi đếm được 6 Bằng khen của UBND Tỉnh Bình Định, gần chục bằng khen, giấy khen của ngành Điện và của Công ty Truyền tải Điện 3, Giấy chứng nhận tập thể lao động giỏi và Trạm biến áp kiểu mẫu qua các năm, cờ thi đua của các cấp Công đoàn… Nơi đây cũng chính là nơi chứng kiến 3 đoàn viên Công đoàn đầu tiên của Trạm được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó có Trạm trưởng Trần Đức Thanh.