Đến nay Việt Nam đã đàm phán 16 FTA, trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn với hàng tỷ người tiêu dùng. Gần đây nhất, nước ta đã ký kết thực thi AKFTA với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA); đang chờ phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Với CPTPP, hàng loạt nông sản xuất khẩu của các nước ta sẽ được giảm thuế với mức độ cắt giảm rất rộng, gần 100% biểu thuế sẽ được giảm về mức 0%. Hai thị trường lớn nhất trong CPTPP là Canada và Nhật Bản, ta đã đạt được những thỏa thuận rất quan trọng. Với Nhật Bản, Việt Nam được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch hàng hóa nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với Canada, 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ nước ta được xóa bỏ thuế quan; và xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo ngay khi hiệp định có hiệu lực. Thực ra, trước khi có ký kết CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh với nhiều nước thành viên như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore... Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile. Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn. Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0% sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Nhưng có lẽ, điểm khác biệt lớn giữa việc có CPTPP/không CPTPP thể hiện rõ nhất với mặt hàng thủy sản. Với mặt hàng cá ngừ chẳng hạn, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam nhưng không phải là thành viên của CPTPP. Cho đến nay, Canada đang nhập khẩu cá ngừ từ hơn 17 nước trên thế giới.
Trong đó, Trung Quốc, Thái Lan, Italy, Indonesia, Philippines và Việt Nam là 5 nguồn cung lớn nhất cho thị trường này. Như vậy, sau khi CPTPP đi vào thực thi, cá ngừ nước ta có lợi thế hơn cả. Hơn thế nữa, tiềm năng xuất khẩu cá ngừ nước ta sang Canada còn rất lớn, bởi lẽ Thái Lan đã chiếm tới 83% thị phần; Philippines chiếm 3,6%, Indonesia chiếm 1,4% và Việt Nam chiếm khoảng trên 1,1% thị phần. Điều đó có nghĩa là dư địa cho xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào thị trường lớn thứ 2 Bắc Mỹ này là rất lớn.
Một mặt hàng thủy sản khác là tôm, đối thủ hàng đầu của Việt Nam là Ấn Độ cũng không phải thành viên CPTPP nên đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Canada, ước chiếm khoảng 29% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường trong năm nay. Ấn Độ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 28%. Tiếp đó, Trung Quốc và Thái Lan lần lượt chiếm 16% và 13%.
Điều đáng lưu ý là trong khi Canada giảm mạnh nhập khẩu tôm Thái Lan (giảm 33,5%), thị trường này lại tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam và Ấn Độ lần lượt là 5% và 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường Canada, tỷ trọng của Việt Nam và Ấn Độ có xu hướng tăng. Tỷ trọng giá trị tôm Việt Nam tăng từ 24% năm 2016 lên 29% năm 2018. Ấn Độ tăng từ 23% năm 2016 lên 28% năm 2018. Trong khi 2 nước bám đuổi sít sao trong cạnh tranh thị phần tại Canada thì CPTPP chắc chắn sẽ là cú hích giúp Việt Nam tạo khoảng cách biệt lớn với đối thủ chính của mình trong tương lai.