Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Một trong những cơ hội đó chính là mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ - thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam, nhưng còn nhiều thị trường có tiềm năng lớn như Australia, New Zealand, Chile, đặc biệt thị trường Canada.
Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may khoảng 13,3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada còn khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Hiện Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada, do đó CPTPP sẽ giúp mở ra cơ hội để Việt Nam tăng tốc độ phát triển lĩnh vực dệt may tại thị trường này trong những năm tới.
Để nắm bắt thời cơ và có điều kiện tiếp cận thị trường Canada, Vinatex đã chủ động tìm kiếm, cung cấp nhiều thông tin cho các doanh nghiệp dệt may Canada. Cụ thể mới đây, Vinatex tổ chức đoàn doanh nghiệp dệt may gồm Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP, Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú… tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà nhập khẩu dệt may tại Canada.
Tại Canada, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã giới thiệu tiềm năng cũng như thế mạnh từng mặt hàng của mình tới các đối tác. Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (Công ty Phong Phú) là đơn vị thành viên của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú rất thành công trong việc triển khai sản xuất theo hình thức ODM (đơn hàng trọn gói theo quy trình khép kín từ cung cấp vải - thiết kế - may - giặt ủi - hoàn tất) qua việc giới thiệu nhiều mặt hàng jeans và hàng dệt kim với những mẫu mã phong phú, đa dạng…
Hiện nay, với việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thời gian công ty ra mẫu sản phẩm mới chỉ còn từ 1 - 1,5 ngày so với 2 tháng như trước đây. Cùng đó, thời gian ra một sản phẩm mới để đến với thị trường đã giảm từ 8 tuần xuống còn 2 tuần.
Đại diện Công ty Phong Phú cho biết, qua tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng Canada, Phong Phú đã đánh giá, nhận định và nắm bắt được nhu cầu của khách hàng. Từ đó, công ty đặt ra kế hoạch triển khai nhằm đạt mục tiêu đề ra. Đó là tổ chức khai thác nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của CPTPP đảm bảo chất lượng tốt, giá cạnh tranh, dịch vụ tốt.
Đồng thời, Công ty còn triển khai cụm mô hình sản xuất linh hoạt trên quy mô đơn hàng có số lượng trung bình từ 1.000 – 2.000 sản phẩm/mã hàng. Ngoài ra, tổ chức sản xuất với thời gian ngắn nhất bao gồm cả thời gian phát triển nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, Công ty cũng xây dựng đội ngũ nhân sự kinh doanh, thiết kế, kỹ thuật, chất lượng có thể trao đổi trực tiếp với đối tác để nắm bắt, thực hiện đúng yêu cầu.
Còn Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã giới thiệu về năng lực sản xuất, năng lực đáp ứng yêu cầu xuất xứ yarn forward (từ sợi trở đi) đối với hai mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp là sản phẩm may dệt kim và khăn bông. Trong thời gian tìm kiếm đối tác tại Canada, Hanosimex đã trực tiếp gặp gỡ 12 khách hàng và giới thiệu 40 mẫu khăn bông và quần áo dệt kim được sản xuất từ nhiều loại vải đáp ứng được quy tắc xuất xứ yarn forward.
Trong quá trình tiếp xúc với các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu dệt may Canada, doanh nghiệp này đã nhận biết được sự quan tâm của doanh nghiệp Canada đối với mặt hàng dệt may xuất xứ từ Việt Nam. Song song đó, nắm bắt được yêu cầu của khách hàng mà Hanosimex có khả năng cung ứng như: chủng loại, chất liệu, giá cả, chất lượng sản phẩm, số lượng của đơn hàng, thời gian sản xuất…
Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ cũng đã trực tiếp kết nối với 14 khách hàng và giới thiệu 15 mẫu sản phẩm quần, comple được sản xuất từ vải của Việt Nam, với các mẫu vải chống nhăn được hoàn tất theo các chế độ khác nhau. Ngoài ra, Hòa Thọ còn cung cấp một số mẫu từ nguồn cung Thái Lan, Ấn Độ nhằm giới thiệu thêm các chất liệu mới đến khách hàng.
Qua những hoạt động thực tế khảo sát thị trường tại Canada, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội chia sẻ, để tận dụng tối đa lợi thế khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh khai thác tối đa nguồn cung nguyên liệu đáp ứng yêu cầu yarn forward theo quy tắc xuất xứ của CPTPP.
Đồng thời, tìm kiếm thêm các nhà cung cấp tại Việt Nam hoặc các nước thành viên của Hiệp định CPTPP nhằm đa dạng hóa các mặt hàng; xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt, đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn có chất lượng trung bình đến các đơn hàng nhỏ lẻ yêu cầu chất lượng cao.
Kết hợp với hoạt động xúc tiến thương mại của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ đã làm việc trực tiếp với các đối tác riêng đang có giao dịch với Hòa Thọ nhằm tạo sự gắn kết với đối tác, cũng như trao đổi, bàn bạc các chương trình hàng hóa cho năm 2019, đặc biệt là chương trình hàng cụ thể cho quý I/2019.
Đại diện Công ty may Hòa Thọ cho biết, quá trình tiếp xúc trực tiếp với các nhà nhập khẩu, bán lẻ dệt may của Canada, Hòa Thọ sẽ khai thác nguồn cung nguyên liệu đáp ứng yêu cầu yarn forward theo quy tắc xuất xứ của CPTPP từ các nhà cung cấp tại Việt Nam hoặc các nước thành viên của CPTPP để đảm bảo các yếu tố: chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, tổ chức cụm mô hình sản xuất linh hoạt trên quy mô đơn hàng có số lượng trung bình từ 1.000-2.000 sản phẩm/mã hàng để đáp ứng các chương trình hàng chất lượng./.
CPTPP: Hướng mũi nhọn xuất khẩu hàng dệt may sang Canada
TCCT
Mặc dù CPTPP không có thị trường Mỹ - thị trường chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng năm của Việt Nam, nhưng còn nhiều thị trường có tiềm năng lớn như Australia, New Zealand, Chile, Canada.