Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh - Đồng Đăng) trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt địa phương này (cuối tháng 11/2018) được xem như món quà làm ấm lòng người dân vùng biên viễn Đông Bắc trong những ngày mùa Đông, là niềm vui trong dịp tết Kỷ Hợi 2019.
Khởi đầu của con đường “mơ ước”
Nhiều dịp lên cửa khẩu Trà Lĩnh, hình ảnh tôi luôn cảm thấy băn khoăn là ngôi nhà “Trạm Kiểm soát liên hợp”- nơi làm việc của các lực lượng chức năng ở cửa khẩu gồm: Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch… Là cửa khẩu có nhiều điều kiện thuận lợi ở địa phương khi chỉ cách TP Cao Bằng chừng 40 km, gần nhất trong các cửa khẩu ở mảnh đất vùng biên này, nhưng trụ sở làm việc của các đơn vị lại rất tuềnh toàng. Một ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, màu sơn ố vàng, nhiều nơi bong tróc, nền nhà thấp hơn mặt đường hàng chục cm… Những hình ảnh này đã lột tả được gần như cơ bản về sự kém phát triển ở một trong những cửa khẩu quan trọng nhất của Cao Bằng.
Nhưng đó là hình ảnh xưa cũ! Giờ đây, Trà Lĩnh như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang vươn mình thức dậy ngày một tươi tắn, rạng rỡ. Từ trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh (Cục Hải quan Cao Bằng) lên khu vực cửa khẩu (cách chừng 3 km) chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Những đồi đất nhấp nhô ở khu vực cửa khẩu nay biến mất, thay vào đó là những mặt bằng rộng rãi khang trang của kho ngoại quan, của địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung…
Nhưng đó chưa phải là ngạc nhiên lớn nhất.
Cách cửa khẩu chừng 2 km, nổi lên trên nền sương giăng của tiết trời mùa Đông là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió. Lá cờ là điểm cao nhất trên nóc một toà nhà bề thế nằm hiên ngang ở cửa khẩu. Đây chính là tòa nhà làm việc liên hợp thay thế cho Trạm kiểm soát liên hợp trước đây. Tòa nhà được đưa vào hoạt động cuối năm 2016. Khu nhà cũ của Trạm đã được san lấp để xây dựng mặt bằng, hạ tầng cửa khẩu khang trang, đồng bộ hơn. Đến gần hơn, tòa nhà hiện ra càng bề thế, khang trang với đá và kính ốp bên ngoài xanh thẫm hiện đại. Đứng ở biên cương Tổ quốc, trước tòa nhà là biểu tượng mới của cửa khẩu Trà Lĩnh, tôi ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, hình Quốc huy và hàng chữ “CỬA KHẨU TRÀ LĨNH” nổi bật trên vị trí cao nhất, trang trọng nhất, lòng trào dâng niềm tự hào khôn tả! Không chỉ có tòa nhà làm việc của cơ quan quản lý, dọc đường lên cửa khẩu là những ngôi nhà kiên cố 2 tầng, 3 tầng và cả 4 tầng với đủ màu sắc sặc sỡ của người dân đang đua nhau mọc lên mang đến cho khu vực cửa khẩu vốn trầm lắng một không khí, một sức sống mới… Và niềm vui chưa dừng lại!
Trước mùa Xuân mới, người dân Trà Lĩnh và cả Cao Bằng đón nhận thêm một tin vui. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh – Đồng Đăng) trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt địa phương này (cuối tháng 11/2018). Đến Cao Bằng, đến Trà Lĩnh những ngày này, câu chuyện đường cao tốc luôn nóng như xua đi cái lạnh lẽo của mùa Đông ở một trong những nơi lạnh nhất Cao Bằng. Bởi Trà Lĩnh không chỉ là khởi đầu của tuyến cao tốc giúp Cao Bằng kết nối với về Lạng Sơn, mà còn nhiều ý tưởng phát triển ẩn chứa trong đó…
Vì sao là Trà Lĩnh?
Để cảm nhận rõ hơn ý nghĩa quan trọng của tuyến cao tốc này đối với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội ở Cao Bằng, chúng tôi tìm gặp và làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Cao Bằng. Nhiệt tình đón chúng tôi là ông Hoàng Cao Bái- Phó Trưởng ban.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Trùng Khánh, Cao Bằng, từng là bộ đội có mặt ở nhiều địa bàn ở tuyến biên giới phía Bắc và sau này làm lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Cao Bằng, ông Hoàng Cao Bái có những cái nhìn cặn kẽ, xuyên suốt về sự đổi thay trên từng tấc đất quê hương.
“Cao Bằng có đường biên giới dài nhất với Trung Quốc lên đến 333 km với nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa khẩu phụ… Nhưng nhiều năm qua chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển kinh tế, bởi cả Cao Bằng và các huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp bên kia biên giới là những vùng còn nhiều khó khăn của cả 2 nước. Nhưng với nỗ lực thúc đẩy của Chính phủ và chính quyền địa phương 2 bên, hoạt động phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là ở Trà Lĩnh (Việt Nam)- Long Bang (Trung Quốc) đang có nhiều khởi sắc để tận dụng được những lợi thế về điều kiện tự nhiên”- ông Hoàng Cao Bái chia sẻ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Cao Bằng, trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương, Cao Bằng xác định cửa khẩu Trà Lĩnh là cửa khẩu quốc tế (hiện nay là cửa khẩu quốc gia), là động lực quan trọng để tạo hành lang kết nối, giao lưu thương mại giữa ASEAN- Việt Nam- Trung Quốc thông qua Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng)- Long Bang (TP Bách Sắc, Trung Quốc). Bởi từ các tỉnh Tây Nam (Trung Quốc) qua Trà Lĩnh đi cảng biển Hải Phòng và tỏa ra các nước ASEAN là con đường ngắn nhất.
Đến Trà Lĩnh dịp này dễ nhận thấy Khu trung chuyển phục vụ XNK hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản tại thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh) nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh có diện tích khoảng 100 ha, với tổng số 553 mặt hàng khác nhau như: Gạo, hoa quả, hải sản… đang dần rõ hình hài. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đang tập trung đầu tư xây dựng cửa khẩu Long Bang, dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại quốc tế. Dự kiến khi hoàn thành, lượng hàng hóa XNK qua khu vực này khoảng 10 triệu tấn/năm. Chính phủ Trung Quốc cũng chủ trương xây dựng TP Bách Sắc thành trung tâm nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN. “Hiện, Bách Sắc đang cung cấp khoảng 30% tổng lượng hàng nông sản của toàn Trung Quốc”- lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Cao Bằng nói.
Trong chuyến làm việc tại Cao Bằng cuối tháng 11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ 3 hướng đi chính trong phát triển kinh tế-xã hội ở Cao Bằng là: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Trà Lĩnh- Đồng Đăng sẽ sớm tận dụng lợi thế và hiện thực hóa được mục tiêu nêu trên. Với đường cao tốc, khoảng cách nối Cao Bằng với những trung tâm kinh tế lớn của cả nước gần hơn bao giờ hết và còn mở ra cơ hội để tỉnh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa kết nối thị trường Việt Nam với thị trường Trung Quốc, ASEAN, thậm chí tương lai hướng đến thị trường châu Âu bằng cao tốc và đường sắt xuyên Á.
Có thể nói, tuyến cao tốc chính là động lực để Cao Bằng thay da đổi thịt và mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư dành tâm huyết đến tìm hiểu, tin tưởng và đồng hành cùng vùng đất biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. Việc sớm xây dựng tuyến cao tốc và cơ sở hạ tầng ở Trà Lĩnh và nhiều khu vực cửa khẩu trên địa bàn được kỳ vọng sẽ “níu” chân nhà đầu tư ở lại với Cao Bằng như chính câu ca dao: “Chân đi đá lại dùng dằng, nửa nhớ Cao Bằng nửa nhớ vợ con”- được Thủ tướng nhắn nhủ khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018!